Sở Công thương TP.HCM chỉ ra lý do các cửa hàng ăn uống vẫn 'im lìm' dù đã được phép mở trở lại
Mặc dù các cửa hàng ăn uống được phép kinh doanh trở lại dưới hình thức bán mang đi qua ứng dụng công nghệ, shipper, thế nhưng, sau 2 ngày kể từ khi được phép mở cửa, hầu hết quán ăn, cafe vẫn tiếp tục đóng cả "im lìm", chưa có dấu hiệu mở bán lại.
- 11-09-2021Sau 15/1/2022, TP.HCM dự kiến mở cửa toàn bộ nền kinh tế
- 11-09-2021Giải mã những con số 'không bình thường' về tác động Delta đến xuất khẩu Việt Nam: Da giày, vi tính, hàng điện tử giảm, nhưng điện thoại tăng?
- 10-09-2021Chuyên gia quốc tế về chuỗi cung ứng: Từ tắc nghẽn cảng đến sản xuất đình trệ, điều gì xảy ra tiếp theo với Việt Nam?
Để lý giải điều này, vào chiều 10/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM chủ trì buổi họp báo.
Theo đó, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM đánh giá, tình hình mở lại quán ăn đúng là có thấp so với thực tế số lượng, và việc này có thể do một số nguyên nhân.
Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM giải thích, cách vận hành theo Văn bản 2994 rất rõ ràng: "Việc mở lại các hoạt động phải đảm bảo an toàn và an toàn đến đâu thì mở đến đó. Có nghĩa là các loại hình này trước mắt là hoạt động '3 tại chỗ' và chỉ bán mang về thông qua shipper".
Trong khi đó, shipper hiện nay đang chỉ hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện… Vì thế, người kinh doanh sẽ phải tính toán về việc hoạt động "3 tại chỗ" và cách thức tiếp cận các nguồn nguyên liệu cũng khác - các nhà cung cấp hiện nay chưa có giấy đi đường để cung cấp được; việc đặt hàng qua shipper có lẽ shipper không nhận.
Bên cạnh đó, khách, người dân không được trực tiếp ra đường, việc mua chỉ có thể thông qua shipper mà shipper chỉ có thể hoạt động trong địa bàn một quận, huyện. Có nghĩa là các quán ăn chỉ phục vụ khu trú trong phạm vi quận, huyện.
"Các cơ sở cũng tính toán khó có được số lượng khách lớn như trước đây nên cân nhắc việc có mở lại hay không? Đó là lý do các quán ăn cân nhắc và hiện nay chưa mở lại rộng rãi. Chứ không phải chưa mở vì do thiếu nguyên liệu, việc thiếu nguyên liệu là lý do không chính xác", ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết.
Trước đó, vào ngày 7/9, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản khẩn về tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong giãn cách xã hội đến hết ngày 15/9.
Theo đó, TP.HCM đã cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có Giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6h – 18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.
Đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến và người giao hàng là các shipper phải đảm bảo biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Các cơ sở thuộc diện được phép kinh doanh nêu trên phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, TP.Thủ Đức để được cấp giấy đi đường. Ngoài ra, người lao động phải đảm bảo đã được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm âm tính nhanh với Covid-19 tần suất 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.