MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"So găng" bà Merkel, ông Trump, ông Tập trước thềm hội nghị G20

05-07-2017 - 08:51 AM | Tài chính quốc tế

Nếu sự lựa chọn thuộc về người dân, có lẽ bà Merkel sẽ trở thành người đứng đầu với tỷ lệ ủng hộ cao chót vót. Nhưng nhà lãnh đạo không phải là người sẽ chiến thắng cuộc thi về độ yêu mến của quần chúng. Các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Đức đều mang đến phòng họp G20 những điểm yếu và thế mạnh riêng.

G-20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU). Ra đời từ năm 1999 nhưng phải đến cuối năm 2008 cuộc họp thượng đỉnh tập trung các nhà lãnh đạo G20 mới chính thức diễn ra lần đầu tiên. Khi đó, mặc dù uy tín của Mỹ bị suy giảm ít nhiều do những ảnh hưởng từ sự kiện Lehman Brothers sụp đổ và cuộc chiến ở Iraq, không có chút nghi ngờ nào về chuyện nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong phòng họp chính là Tổng thống Mỹ George W Bush.

9 năm sau, khi G20 đang chuẩn bị họp ở Đức, câu chuyện đã thay đổi. Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Trump khiến nhiều người hoài nghi về vai trò lãnh đạo thế giới. Trong khi đó những vị nguyên thủ khác đang tiến lên phía trước. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tự định vị bản thân là “người bảo vệ” mạng lưới hợp tác đa phương mà ông Trump chối bỏ. Và mặc dù Angela Merkel cho rằng ý tưởng bà là người lãnh đạo phương Tây là “lố bịch”, Thủ tướng Đức ngày càng thể hiện ý kiến rõ ràng hơn về các vấn đề quốc tế.

Nếu sự lựa chọn thuộc về người dân, có lẽ bà Merkel sẽ trở thành người đứng đầu. Khảo sát được Viện Pew thực hiện trên 37 quốc gia cho thấy 42% người được hỏi cho rằng Thủ tướng Đức đã “làm điều đúng”, so với tỷ lệ 28% đối với ông Tập và 22% đối với ông Trump.

Nhưng nhà lãnh đạo không phải là người sẽ chiến thắng cuộc thi về độ yêu mến của quần chúng. Các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Đức đều mang đến phòng họp G20 những điểm yếu và thế mạnh riêng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Điểm mạnh: Ông Trump hiện là nhà lãnh đạo của cường quốc số 1 thế giới. Mỹ có mạng lưới đồng minh phủ khắp thế giới với độ rộng mà hiếm quốc gia nào có thể sánh được. Bên cạnh đó là sức mạnh quân sự. Nhiều quốc gia G20 vẫn đang phải dựa vào “quyền lực cứng” của Mỹ để đảm bảo an ninh quốc gia trong một thế giới đầy bất ổn.

Điểm yếu: Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” làm dấy lên nỗi hoài nghi về việc liệu Mỹ có thể tiếp tục gánh vác các nghĩa vụ quốc tế. Chủ nghĩa bảo hộ mà ông Trump theo đuổi cũng làm xói mòn vai trò truyền thống của Mỹ: người bảo vệ cho hệ thống thương mại quốc tế. Kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, Mỹ còn đe dọa sẽ gây chiến tranh thương mại với một vài nước trong nhóm G20 như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đức. Vai trò đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Mỹ cũng không còn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Điểm mạnh: Trung Quốc có rất nhiều tiền và đang có kế hoạch chi tiêu mạnh tay để tăng tầm ảnh hưởng. Hội nghị “Một vành đai, một con đường” mới được tổ chức ở Bắc Kinh là ví dụ minh họa cho chiến lược “làm ngoại giao bằng kinh tế” của Trung Quốc. Ở châu Âu, thái độ ủng hộ tự do thương mại và chống biến đổi khí hậu đang giúp ông Tập nâng cao uy tín và trở thành đối trọng với Mỹ.

Điểm yếu: Thực chất thì trong quan điểm ủng hộ thương mại tự do của Trung Quốc vẫn ẩn chứa một vài nét của chủ nghĩa bảo hộ. Trung Quốc cũng có hệ tư tưởng chính trị quá khác biệt so với các nước G20.

Thủ tướng Đức Angela Merkel

Điểm mạnh: Bà Merkel luôn tỏ ra là 1 người ôn hòa, đúng mực. Là người theo chủ nghĩa quốc tế và ủng hộ nhà nước pháp quyền, bà được nhiều người kính trọng vì đã chèo lái nước Đức vượt qua cuộc khủng hoảng đồng euro, khủng hoảng ở Ukraine, khủng hoảng người nhập cư và cú sốc Brexit. Kinh nghiệm chính trường dày dặn của bà Merkel cùng sức mạnh của kinh tế Đức giúp bà trở thành nhà lãnh đạo không chính thức của EU. Ngoài ra bà Merkel còn có 2 đồng minh thân cận ở G20 là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Điểm yếu của bà Merkel là sự thiếu hụt “quyền lực cứng”. Bản tính thận trọng và lịch sử nước Đức khiến bà lưỡng lự trước vai trò là một nhà lãnh đạo thế giới.

Với tất cả những điểm mạnh và điểm yếu kể trên, chưa rõ các nhà lãnh đạo khác trong nhóm G20 sẽ như thế nào. Một số người chú ý đến Tổng thống Nga Vladimir Putin, người khá thân thiết với ông Trump. Tuy nhiên trong khi bản thân ông Putin là 1 người đầy quyền lực, nền kinh tế Nga lại khá yếu ớt so với các nước còn lại.

Những phong cách đối lập nhau của Mỹ, Trung Quốc và Đức sẽ định hình “cuộc đua quyền lực” ở hội nghị thượng đỉnh G20. Sự lựa chọn mà ông Malcolm Turnbull phải đối mặt là 1 ví dụ minh họa khá chính xác cho những gì mà thế giới đang chứng kiến. Hiện tại Thủ tướng Australia đang thân thiết với bà Merkel, nhưng về mặt an ninh chiến lược thì ông sẽ phải nhờ đến ông Trump trong khi về mặt kinh tế thì mối quan hệ quan trọng nhất của ông Turnbull sẽ phải là Chủ tịch Trung Quốc – đối tác xuất khẩu lớn nhất của Australia.

Thu Hương

Financial Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên