So găng chất lượng tín dụng các ngân hàng niêm yết năm 2018
ACB trở thành điểm sáng với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong toàn hệ thống các ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu tại Sacombank, SHB, NCB và VPBank vẫn cao trong khi tỷ lệ bao nợ xấu khiêm tốn.
- 26-02-2019Vietcombank được sửa đổi vốn điều lệ lên 37.088 tỷ, tiếp tục kế hoạch trở thành ngân hàng lớn nhất Việt Nam
- 26-02-2019Standard Chartered Việt Nam hoàn thành tăng vốn lên 4.215 tỷ đồng
- 25-02-2019Người nhà ông Trần Hùng Huy chuyển nhượng xong hơn 51 triệu cổ phiếu ACB
Thu nhập lãi thông thường sẽ đóng góp 60-80% tổng thu nhập của các ngân hàng Việt Nam. Dư nợ tín dụng cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản. Kiểm soát chất lượng tín dụng do đó sẽ là yếu tố quan trọng, giúp ngân hàng bảo vệ lợi nhuận và phát triển bền vững lâu dài. Từ nhiều tiêu chí như tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu, mức độ lãi phải thu chưa thu được, kỳ hạn cho vay, mức độ tập trung vào một/ một nhóm khách hàng lớn, mức độ tập trung vào ngành rủi ro…, bảng xếp hạng về chất lượng tín dụng năm 2018 ghi nhận nhiều cái tên nổi bật trong đó một điểm sáng nổi bật là ACB.
Sau nhiều năm mạnh tay trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu phát sinh từ giai đoạn trước, đến nay ACB đã thu quả ngọt với tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 năm 2018 lần lượt 0,73% và 0,17%, thấp nhất nhóm ngân hàng niêm yết. Đồng thời, liên tục 5 năm gần đây 2014-2018, ACB đều giữ được tỷ lệ nợ xấu thấp hơn VCB. So với toàn bộ các ngân hàng (kể cả chưa niêm yết), tỷ lệ nợ xấu của ACB cũng ở mức thấp nhất toàn hệ thống.
Tỷ lệ nợ xấu tại ACB và VCB – Nguồn: BCTC hợp nhất các ngân hàng 2018
Vietcombank là ngân hàng thứ hai niêm yết giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng ở mức thấp 0,5%. Nhóm ở giữa có tỷ lệ nợ xấu dưới 2% là TPBank, MBBank, HDBank, VietinBank, BIDV, Techcombank, Eximbank.
Trong khi đó, một số các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu khá cao so với ngành gồm Sacombank (2,11%), NCB (2,12%) và SHB (2,4%). Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tuy vẫn cao, nhưng cải thiện đáng kể từ sau sáp nhập (tỷ lệ nợ xấu 2016-2017 là 6,91% và 4,67%).
Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng niêm yết - Nguồn: BCTC hợp nhất các ngân hàng
Tại VPBank, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 đều cao. Ngân hàng này duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% suốt giai đoạn 2011-2016, đến 2017 tỷ lệ nợ xấu tăng lên 3,39%, và 2018 đạt 3,51%. Tuy nhiên, xét riêng ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,41%. Hai công ty con FECredit và AMC đóng góp 40% vào khối nợ xấu này, trong đó công ty con FE Credit đang dẫn đầu thị phần cho vay tiêu dùng.
Tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu tính bằng giá trị dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng nợ xấu phản ánh khả năng xử lý nợ xấu của ngân hàng nhờ hi sinh lợi nhuận quá khứ để có nguồn dự phòng nhằm bù đắp cho khoản vốn có khả năng không thu hồi được trong tương lai.
VCB và ACB tiếp tục đứng đầu hệ thống xét về năng lực xử lý nợ xấu, với tỷ lệ trích lập dự phòng cao tới 150-160% so nợ xấu. Với mức trích lập này, trong trường hợp tệ nhất là 100% nợ xấu đều không thu hồi được, 2 ngân hàng này vẫn còn lại phần 50-60% để hoàn nhập dự phòng. Nói cách khác, VCB và ACB đã xây dựng “kho thóc dự trữ” đủ lớn để có thể đối phó với trường hợp xấu nhất mà không ảnh hưởng tới lợi nhuận tương lai. Hạch toán tăng chi phí dự phòng giảm lợi nhuận sổ sách là phương pháp giúp các ngân hàng nhẹ gánh nộp thuế năm nay, giảm áp lực kế hoạch năm sau, đồng thời giữ được “kho thóc dự trữ” để lấy ra tiêu dần cho những năm khó khăn trong tương lai.
Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của các ngân hàng năm 2018
MBB, TPBank và Vietinbank là những cái tên xếp hạng cao về năng lực xử lý nợ xấu, mức bao nợ xấu quanh100% với số dự phòng đã trích vừa bằng mức tổn thất nếu toàn bộ nợ xấu không thể thu hồi. Techcombank, BIDV, HDBank thể hiện khả năng xử lý nợ xấu đáng kể với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu xấp xỉ 70-90%.
Sacombank, NCB, SHB, Eximbank, VPBank lại có mức dự phòng bao nợ xấu thấp nhất ngành ~45-65%, khả năng chống đỡ yếu có thể khiến ngân hàng dễ bị tổn thương khi xảy ra những món nợ xấu lớn vượt quá khả năng xử lý của quỹ dự phòng.
Tỷ lệ bao nợ xấu của VPBank đạt 46% nhưng riêng ngân hàng mẹ đạt gần 53%.
Trong quá trình kinh doanh, ngân hàng luôn có những món cho vay mà chưa đến kỳ hạn thu lãi tại ngày lập BCTC, do đó việc tồn tại “Lãi phải thu chưa thu được” ở một mức độ nhỏ là việc bình thường trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên khi khoản lãi phải thu quá lớn sẽ đặt ra dấu hỏi về chất lượng tín dụng và sự minh bạch trong việc phân loại nợ.
Bởi có khả năng ngân hàng cố tình phân loại nợ xấu (khó thu lãi) thành nợ nhóm 1 (được ghi nhận lãi), từ đó ghi tăng thu nhập lãi đồng thời giảm nợ xấu, giảm được chi phí dự phòng, duy trì được lợi nhuận sổ sách tốt hơn thực tế. Một ngân hàng giấu nợ xấu theo cách này sẽ gây hại đơn hại kép khi khoản nợ chính thức “lộ xấu”, khi đó ngân hàng vừa phải thoái thu lãi, vừa phải tăng chi phí dự phòng, khiến lợi nhuận giảm mạnh.
Lãi phải thu gồm thu từ Định chế tài chính, từ cho vay khách hàng, từ chứng khoán đầu tư và hoạt động phái sinh. Lãi phải thu từ cho vay khách hàng/ Dư nợ cho vay khách hàng (hoặc tỷ lệ Lãi phải thu/ Tài sản sinh lãi) là những tiêu chí nên sử dụng tỷ lệ xem xét chất lượng tín dụng nhưng hầu hết ngân hàng không báo cáo riêng những khoản mục này. Xét tỷ lệ Lãi, phí phải thu/ Tổng tài sản để có con số ước lượng, 8/13 ngân hàng ít bị chậm thu lãi, có tỷ lệ trên dưới 1%.
Lãi phải thu/Tổng tài sản
Thông thường dư nợ có kỳ hạn càng dài thì rủi ro càng cao, do đó một ngân hàng tập trung cho vay ngắn hạn thường sẽ đưa đến chất lượng tín dụng cao hơn.
Một số trường hợp, ngân hàng mặc dù khó thu hồi nợ gốc và lãi, nhưng thay vì trích lập dự phòng để có nguồn quỹ nhằm xử lý rủi ro, thì lại tái cơ cấu nợ từ ngắn hạn thành dài hạn để giấu nợ xấu. Cách tái cơ cấu này sẽ lộ ra tỷ lệ lãi phải thu rất cao. Theo cách này, nếu nợ xấu đã bung ra thì ngân hàng sẽ không có nguồn để xử lý nợ và đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản.
Nhóm ngân hàng BIDV, ACB, Vietinbank, HDBank, VCB có tỷ lệ nợ ngắn hạn chiếm trên 50% dư nợ, có khả năng mang lại rủi ro tín dụng thấp. Ngược lại những ngân hàng khác có tỷ lệ nợ ngắn hạn rất thấp, tập trung mạnh vào cho vay trung dài hạn, dễ mang lại rủi ro cao cho ngân hàng. Một số ngân hàng có tỷ trọng cho vay ngắn hạn dưới 40%, tốc độ quay vòng vốn sẽ thấp đi, tăng thêm rủi ro thanh khoản cho ngân hàng.
Trong quá khứ, việc tập trung vào 1 khách hàng lớn Vinashin là nguyên nhân chính khiến Habubank rơi vào cảnh mất vốn, khó khăn thanh khoản. Tuy nhiên hiện tại Luật chứng khoán và Chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa yêu cầu các ngân hàng công bố thông tin về mức độ tập trung vào khách hàng lớn.
Mức độ tập trung vào nhóm ngành rủi ro, nhất là dư nợ xấu vào bất động sản và xây dựng là nguyên nhân khiến một số ngân hàng lâm vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Dư nợ vào chứng khoán và tài chính tiêu dùng tín chấp cũng là những ngành cho vay gây rủi ro cao. Nhiều ngân hàng không công bố cụ thể số liệu về 2 phân ngành này. Thông thường, các số liệu chi tiết này được công bố trong BCTC kiểm toán hàng năm.
Tỷ lệ đầu tư vào bất động sản và xây dựng 2017
Như năm 2017, ACB là ngân hàng đứng đầu về mức độ an toàn ngành cho vay, với dư nợ cho xây dựng và bất động sản ở mức thấp nhất ngành (6,3%), tiếp đó là Sacombank và Tienphong bank (cùng 7,6%). Nhóm ngân hàng MBBank, VPBank, BIDV, Techcombank, HDBank, mức độ cho vay ngành xây dựng và bất động sản ở mức 13-18% tổng dư nợ. Đáng chú ý là trường hợp của SHB, với tỷ trọng cho vay xây dựng và bất động sản ở mức 22%.
Nhìn lại tổng thể các chỉ tiêu, ACB và VCB là những ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất ngành với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất nhất ngành và khả năng chịu đựng rủi ro cao nhờ đã chuẩn bị sẵn kho dự trữ các năm trước. Nhóm TPB, MBB, HDB, CTG, BID có các chỉ tiêu hầu hết ở mức trung bình ngành.
Người đồng hành