Số hóa dịch vụ ngân hàng với định danh eKYC sắp gặp khó?
Xác thực, định danh khách hàng điện tử (eKYC) được ví như chìa khóa mở cửa không gian tài chính số, có thể tới đây sẽ bị “kẹt chìa” bởi một số quy định đang dự thảo.
- 13-06-2022Bộ Công an cảnh báo chiêu phạm tội mới nhất
- 13-06-2022Ứng dụng công nghệ robot cho cuộc sống
- 13-06-2022Rời châu Âu trở về Việt Nam xây sàn NFT bảo vệ bản quyền và lan tỏa áo dài, áo bà ba ra thế giới, hai chàng trai được Shark Liên "cảm động" rút Vé Vàng đầu tư 50.000 USD
Ngân hàng muốn cung cấp eKYC, phải được Bộ Công an duyệt?
Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các yêu cầu, giao dịch trên môi trường điện tử, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về chuyển đổi số hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…
Ông Nguyễn Thành Long, Hiệp hội Ngân hàng cho biết, quy định tại Dự thảo có thể hiểu rằng tất các các tổ chức cung cấp dịch vụ định danh khách hàng điện tử (eKYC) hiện nay cũng buộc phải được Bộ Công an cho phép mới được hoạt động, việc hoạt động eKYC của tất cả các ngân hàng và tổ chức hiện nay có thể bị xem là chưa phù hợp quy định pháp luật.
Dự thảo được Chính phủ giao Bộ Công An hoàn thành xây dựng và tổ chức lấy ý kiến góp ý.
Tại Dự thảo, Bộ Công an là đơn vị thực hiện việc cấp tài khoản định danh và xác thực điện tử cho công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức của Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài; người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; cơ quan, tổ chức đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong số nhiều nội dung quy định của Dự thảo, một số quy định của Bộ Công an còn khiến nhiều tổ chức băn khoăn.
Ví dụ, tại Điều 32 quy định Dịch vụ định danh và xác thực điện tử là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử khi đáp ứng các điều kiện tại Điều 33 Nghị định này. Còn tại Điều 33, Dự thảo Nghị định quy định Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử và các tổ chức phải đáp ứng hồ sơ về chủ thể, nhân sự, tài chính (ký quỹ 5 tỷ đồng), kỹ thuật, quy trình quản lý dịch vụ và “Đề án hoạt động cung cấp dịch vụ được Bộ Công an thẩm định và phê duyệt”.
Góp ý về dự thảo, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, CLB Pháp chế đã tổng hợp ý kiến góp ý từ các tổ chức tín dụng (TCTD), các công ty Fintech, các trung gian thanh toán… Theo đó, nhận thấy vẫn còn một số nội dung của Dự thảo chưa phù hợp thực tiễn, Hiệp hội sẽ đề nghị Tổ soạn thảo xem xét lại.
Chẳng hạn, theo quy định tại Dự thảo có thể hiểu rằng tất các các tổ chức cung cấp dịch vụ định danh khách hàng điện tử (eKYC) hiện nay cũng buộc phải được Bộ Công an cho phép mới đươc hoạt động, việc hoạt động eKYC của tất cả các ngân hàng và tổ chức hiện nay có thể bị xem là chưa phù hợp quy định pháp luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo phân định rõ phạm vi của "Dịch vụ định danh và xác thực điện tử" được hiểu trong nghị định này chỉ là "Dịch vụ định danh và xác thực điện tử có sử dụng dữ liệu cư dân quốc gia" để tránh hiểu lầm với các dịch vụ xác thực người dùng điện tử (eKYC) khác trên thị trường.
“Định danh điện tử không phải eKYC mà các TCTD vẫn đang triển khai thực hiện. eKYC chỉ là phương pháp xác minh khách hàng gián tiếp, sử dụng phương thức điện tử. “Nếu các TCTD được kết hợp eKYC với phương thức xác thực quy định trong Dự thảo Nghị định thì có hiệu quả tốt hơn, nhưng không có nghĩa Nghị định này điều chỉnh hoạt động eKYC. Nếu có nội dung nào trong Dự thảo có thể gây ra nhầm lẫn rằng việc mở các tài khoản online đều phải tuân theo Nghị định thì cần phải kiểm tra xem xét lại”, ông Long nhấn mạnh.
Xáo trộn hoạt động ngân hàng
Tổng Giám đốc một ngân hàng cho biết trên thực tế, các ngân hàng đã triển khai eKYC khá lâu, từ hơn 2 năm nay, nay nếu xác thực chủ thể danh tính điện tử, xác thực thông tin của chủ thể danh tính điện tử qua một tổ chức trung gian thì sẽ phải thay đổi toàn bộ quy trình, phức tạp và mất thời gian, xáo trộn hoạt động của ngân hàng. Thay vào đó, các ngân hàng có thể nên được xem xét để kết nối trực tiếp, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia.
Nhiều ngân hàng đã tiên phong triển khai eKYC như VPBank, TPBank, HDBank, Bản Việt, MB, Vietcombank, VietinBank, VIB, Techcombank, OCB, NCB... (ảnh: Mở tài khoản qua phương thức định danh eKYC của Vietcombank)
Ngoài ra, việc tất cả cùng kết nối trên một nền tảng VneID để định danh cho khách hàng như Dự thảo quy định, theo đánh giá, cũng sẽ là một thách thức cho các nhà phát triển và vận hành, quản lý nền tảng lẫn các bên trong hệ sinh thái tham gia kết nối, về công nghệ đảm bảo sự vận hành thông suốt và hiệu quả. Những thách thức về công nghệ chung tích hợp dữ liệu phục vụ cho người dân trên một nền tảng chung như PC Covid mới “khai sinh” hậu COVID, theo giới chuyên môn, đến nay vẫn chưa xác thực là một nền tảng hoàn toàn chuẩn mực, đáp ứng được nhu cầu cho hơn 90 triệu người dân. “Đó cũng có thể xem là một ví dụ khiến không bất ngờ khi các đơn vị ngân hàng, Fintech đặt dấu hỏi về khả năng tích hợp và vận hành thông suốt của một nền tảng duy nhất, phục vụ xác thực dữ liệu cho tương lai là hàng trăm triệu khách hàng trên toàn quốc (hiện là hơn 90 triệu người dân), mà nền tảng đó khi được các ngân hàng kết nối, là để phục vụ cho các giao dịch tài chính, chỉ cần một lỗi có thể phát sinh rất nhiều hệ lụy”, một chuyên gia nói.
Theo ông Nguyễn Thành Long, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, Bộ Công an nên xem xét mở API cho các bên vào đối chiếu không tính phí. “Hiện nay, một số nước trong khu vực cũng đang cho gọi miễn phí vào cơ sở dữ liệu, nhưng đương nhiên với điều kiện là bên gọi vào cần đăng ký. Việc này giúp mở rộng dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính nói chung”.
Thông tin từ Đại diện Vụ Thanh toán, NHNN cho biết ngành ngân hàng hiện có khoảng 114 triệu tài khoản cá nhân, bất kỳ thay đổi về công tác định danh đều ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng. Hiện Vụ Thanh toán đã có ý kiến đề nghị Dự thảo Nghị định phải có cách tiếp cận làm sao để không làm xáo trộn hoạt động ngân hàng.
Tại Việt Nam, nhiều ngân hàng đã triển khai eKYC từ khá sớm, trên cơ sở pháp lý chính thức cho eKYC trong việc mở tài khoản thanh toán được ban hành (Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán) được ban hành. Dù vậy, thực tế pháp lý về định danh khách hàng qua eKYC cũng mới chỉ áp dụng để định danh khách hàng trong hoạt động phòng chống rửa tiền và mở tài khoản thanh toán , chưa được áp dụng chung cho các hoạt động nghiệp vụ của TCTD. Thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh đang khiến các ngân hàng hạn hẹp hoạt động, khó triển khai định danh khách hàng dựa trên việc khai thác thông tin đã được định danh tại bên thứ 3 có các tiêu chuẩn tương đương.
Đến cuối năm 2021, NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2021 cho phép phát hành thẻ bằng phương thức điện tử, tăng điều kiện ứng dụng eKYC vào sản phẩm dịch vụ tài chính trên thị trường, được xem như một bước tiến mới mở hơn về pháp lý, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh.
Số liệu từ NHNN thống kê cho biết, đến cuối năm 2021 đã có 24 tổ chức tín dụng chính thức triển khai mở tài khoản thanh toán eKYC, với khoảng 3,37 triệu tài khoản thanh toán mở bằng phương thức này đang hoạt động. Một số ngân hàng tiên phong eKYC sớm phải kể đến là: VPBank, TPBank, HDBank, Bản Việt, MB, Vietcombank, VietinBank, VIB, Techcombank, OCB, NCB...
Diễn đàn Doanh nghiệp