“Số hóa ngành ngân hàng, ý chí Hội đồng quản trị và Ban điều hành là quan trọng nhất”
Theo ông Nguyễn Bá Chiến, Tổng giám đốc Công ty CP Giải pháp Chuyển đổi số Việt Nam (DTSVN), thay đổi được ý chí thượng tầng tiếp cận và chuyển đổi theo cái mới thì hệ thống sẽ vận hành theo. Ví dụ như về cách làm, họ sẽ định hình cách tiếp cận, cách làm phù hợp với tổ chức của mình. Hay họ có muốn dành đầu tư về tài chính, con người, công nghệ… đủ mạnh để chuyển hóa chiến lược thành công cụ và dữ liệu hay không.
Chuyển đổi số là công cuộc chuyển mình đầy cơ hội và thách thức của ngành ngân hàng
PV: Ông đánh giá như thế nào về sự đổi mới, sáng tạo của ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Bá Chiến, Tổng giám đốc DTSVN: Các ngân hàng đang chuyển mình rất mạnh mẽ về chiến lược kinh doanh, sản phẩm dịch vụ, phân khúc khách hàng, đặc biệt là xu hướng tái cấu trúc tổ chức theo hướng tinh gọn, tập trung bám theo chiến lược kinh doanh trung và dài hạn. Nhiều ngân hàng lớn đang thực hiện Agile về cả cấu trúc nhân sự chứ không đơn thuần là Agile trong cách phát triển ứng dụng dịch vụ.
Việc triển khai số hoá ở các ngân hàng nói riêng, doanh nghiệp ngành tài chính nói chung đang có những thuận lợi gì, thưa ông?
Các tổ chức tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng hiện tại không đơn thuần là số hóa nữa mà đã chuyển sang mức cao hơn là chuyển đổi số. Chuyển đổi số cần bắt đầu từ chiến lược trong kinh doanh, tổ chức, sản phẩm dịch vụ, phân khúc khách hàng hay quy trình vận hành,... tức là Mindset. Sau đó là hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm hạ tầng vận hành, tích hợp, dữ liệu, ứng dụng chuyên biệt,… gọi là Toolset.
Trong quá trình chuyển đổi số đó, ngành ngân hàng có nhiều thuận lợi để triển khai.
Đầu tiên, chuyển đổi số đã được quyết định thành chiến lược trung hạn và cấu trúc tổ chức đã từng bước được xây dựng theo chiến lược chuyển đổi số này. Nhiều ngân hàng đã hình thành khối chuyển số, nhà máy số để tập trung nguồn lực chuyên biệt phục vụ chuyển đổi. Các cấu trúc mới này vận hành dựa trên thông số cải tiến từng sản phẩm dịch vụ (KPIs/OKR), có kết quả đo rõ ràng, minh bạch, được đánh giá định kì để luôn luôn cải tiến và triệt để áp dụng vận hành. Tức quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng đã lượng hóa được thông tin đầu vào - đầu ra và có dữ liệu để đo đếm.
Hạ tầng công nghệ cứng đã hoàn thiện, chỉ cần chuyển đổi cấu trúc vận hành, con người và tận dụng hạ tầng cloud để mở rộng và phát triển.
Thứ hai, ứng dụng chuyên biệt phục vụ cho việc cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng đầu cuối đã hoàn thiện theo hướng dịch vụ, tức là phân tập được các ngách khách hàng từ trong lõi hệ thống, do đó khi phát triển thêm chức năng mới rất dễ dàng và nhanh chóng
Thứ ba, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, định kì và thường xuyên được bổ sung nâng cấp kĩ năng mới.
Còn những khó khăn mà ngành ngân hàng phải đối mặt là gì, thưa ông?
Các ngân hàng khi thực hiện chiến lược chuyển đổi số thực tế cần rất nhiều thời gian. Bởi quá trình này động chạm đến khá nhiều về tổ chức, cấu trúc vận hành, quy trình… giữa các ngân hàng cạnh tranh nhau bằng thời gian ra sản phẩm mới, dịch vụ mới để chiếm lĩnh thị phần. Do đó thời gian chính là yếu tố thách thức giữa các ngân hàng khi chuyển đổi số.
Công nghệ nói chung và công nghệ ngân hàng nói riêng đang thay đổi rất nhanh. Điều đó đặt ra thách thức với ngân hàng là làm sao lựa chọn được công nghệ “phù hợp” với đặc thù của tổ chức để vận hành hiệu quả, tối ưu chi phí.
Bên cạnh đó, khi triển khai chiến lược chuyển đổi số thì cấu trúc vận hành sẽ thay đổi khá nhiều. Do đó, bài toán nguồn lực đáp ứng như thế nào, chỉ tiêu ra sao, đổi mới và nâng cao kĩ năng là thách thức rất lớn với ngân hàng, nếu nguồn lực không theo kịp chiến lược và công nghệ thì sẽ không hiệu quả.
Một thách thức khác mà các ngân hàng phải đối mặt là vấn đề về chiến lược dữ liệu. Khá nhiều ngân hàng chưa định hình được về chiến lược dữ liệu. Nói cho cùng thì kết quả của chuyển đổi số chính là mọi thứ phải được “dữ liệu hóa”, tức là chiến lược kinh doanh, sản phẩm dịch vụ, phân tệp khách hàng,… phải được ra quyết định dựa trên dữ liệu, phải coi dữ liệu là gốc, dữ liệu đủ tin cậy và dữ liệu phải nhất quán và có giá trị dùng chung. Tức là dữ liệu dùng chung cho mọi nhóm nghiệp vụ như: dữ liệu về tập khách hàng siêu vi mô phải được các nhóm nghiệp vụ khác nhau coi là nhất quán và là dữ liệu gốc chỉ có khai thác dùng vào từng nhóm theo các chỉ tiêu, tiêu chí khác nhau. Vấn đề này đang là thách thức rất lớn với ngân hàng.
Hiện nhiều ngân hàng còn chưa cấu trúc được mảng dữ liệu như một “tổ chức nhỏ” trong tổ chức lớn, do đó chưa có cơ chế đủ mạnh, rõ ràng để vận hành và tối ưu nó. Trong khi, tổ chức dữ liệu” chính là “mỏ vàng” cho ngân hàng.
Trong công tác số hoá ngân hàng, theo ông yếu tố nào là quan trọng nhất?
Ý chí Hội đồng quản trị và Ban điều hành là quan trọng nhất. Thay đổi được ý chí thượng tầng tiếp cận và chuyển đổi theo cái mới thì hệ thống sẽ vận hành theo. Ví dụ như về cách làm, họ sẽ định hình cách tiếp cận, cách làm phù hợp với tổ chức của mình. Hay họ có muốn dành đầu tư về tài chính, con người, công nghệ… đủ mạnh để chuyển hóa chiến lược thành công cụ và dữ liệu.
Xu hướng “sính ngoại” trong lĩnh vực công nghệ
Dường như xu hướng “sính ngoại” trong lĩnh vực công nghệ có vẻ vẫn phổ biến, bằng chứng là nhiều ngân hàng đều lựa chọn các đối tác ngoại để hợp tác trong việc thúc đẩy số hoá. Quan điểm của ông thế nào?
“Sính ngoại” ở đây được hiểu trong phạm vi theo trend, xu thế. Tức là ngân hàng thấy nước ngoài có cái mới thì quan niệm rằng mình có thể dùng được ngay và cái đó áp dụng sẽ ra ngay hiệu quả. Nếu theo ý này thì cần phải thêm ý “lựa cơm gắp mắm”. Việc ứng dụng công nghệ mới được phát minh hay phát triển bởi các tập đoàn nước ngoài cũng nên tính đến yếu tố “đặc thù”. Ứng dụng vào thì cần phải phù hợp với hiện trạng, con người, quy trình vận hành… nếu không cân bằng được yếu tố này thì hiệu quả sẽ không tối ưu.
Các công ty công nghệ trong nước có lợi thế cạnh tranh gì so với các công ty nước ngoài, nhất là khi hợp tác thúc đẩy số hoá trong lĩnh vực tài chính?
Các công ty công nghệ trong nước sẽ hiểu văn hóa bản địa và yếu tố đặc thù. Việc đầu tư cho sản phẩm, dịch vụ mới, cam kết hỗ trợ khách hàng đủ tốt là lợi thế.
Khoảng cách về công nghệ giữa công ty trong nước và nước ngoài đang dần bị thu hẹp khá nhanh, đặc biệt là ngành công nghệ ngân hàng. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ trong nước khi phục vụ ngân hàng bằng chính sản phẩm dịch vụ của mình mà có rất ít yếu tố nước ngoài.
Các doanh nghiệp trong nước sẽ có lợi thế về việc như dễ dàng may đo phù hợp theo từng ngách sản phẩm, dịch vụ, thay đổi rất linh hoạt, chi phí hợp lí, thời gian nhanh. Điểm này thì sản phẩm nước ngoài có vẻ ít lợi thế hơn.
- Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nhịp sống thị trường