MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở hữu chéo tổ chức tín dụng, ai cũng biết nhưng rất khó để “chỉ mặt, đặt tên”

11-06-2023 - 08:01 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc sở hữu chéo, ai cũng nhận ra được, ai cũng biết nhưng để “chỉ mặt, đặt tên” ra thì rất khó. Bởi nó có sự lòng vòng, lắt léo trong hệ thống tín dụng của chúng ta.

Cần thiết chế đủ mạnh để xử lý vấn đề sở hữu chéo tổ chức tín dụng

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận nhằm hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 10/6, đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai cho rằng, về xử lý sở hữu chéo liên quan đến các tổ chức tín dụng không phải là hạn chế, mà cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng.

Sở hữu chéo tổ chức tín dụng, ai cũng biết nhưng rất khó để “chỉ mặt, đặt tên” - Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai

“Đây là việc rất được quan tâm đối với hệ thống tín dụng của ta hiện nay. Việc sở hữu chéo, ai cũng nhận ra được, ai cũng biết nhưng để “chỉ mặt, đặt tên” ra thì rất khó. Bởi nó có sự lòng vòng, lắt léo trong hệ thống tín dụng của chúng ta. Đây là vấn đề khó”, đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ.

Theo đại biểu đoàn Đồng Nai, những quy định hiện hành trong điều 55, điều 127 trong dự thảo luật chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo, khi các giải pháp trong dự thảo luật còn mang tính thụ động, chưa hiệu quả.

“Việc chấm dứt sở hữu chéo quan trọng vì liên quan đến công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm. Tôi cho rằng, cần xem xét, thiết kế lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng. Để những sự việc xảy ra như SCB và nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngân hàng. Theo tôi cần phải có một chương về lĩnh vực này”, đại biểu đề xuất.

“Đồng thời cần có cơ quan thanh tra, kiểm tra hoạt động tín dụng của ngân hàng mang tính độc lập. Khi làm tốt khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý công khai minh bạch trong tất cả các giao dịch, chúng ta sẽ không cần giảm room cấp vốn, thậm chí có thể nâng cao hơn nhưng chúng ta quản lý được, tổ chức và cá nhân sẽ không dám và không thể thực hiện các hành vi sử dụng tài sản ngân hàng chéo với công ty của mình. Tôi cho rằng phải có thiết chế mạnh như thế mới mới xử lý nghiêm được”, đại biểu Trịnh Xuân An khẳng định.

Đề xuất điều chỉnh quy định liên quan đến việc cung cấp thông tin khách hàng

Góp ý điều 14 về quyền bảo mật thông tin, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM cho biết, theo thông lệ quốc tế, một số ngành nghề yêu cầu bảo vệ thông tin cá nhân khách hàng rất nghiêm ngặt bằng hiến pháp và luật là ngân hàng, y tế và luật sư. Bởi, đó là những thông tin bí mật riêng tư, là quyền con người được ghi nhận trong công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Sở hữu chéo tổ chức tín dụng, ai cũng biết nhưng rất khó để “chỉ mặt, đặt tên” - Ảnh 2.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM

Trong khi dự thảo luật này đang quy định, nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân với gia đình. Thông tin về đời sống riêng tư cá nhân hoặc gia đình được pháp luật bảo đảm theo Hiến pháp, trừ trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại Điều 14 theo hướng chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các luật có liên quan; đồng thời đề nghị chỉ yêu cầu cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến vụ án được khởi tố, điều tra…

“Điều 14 quy định cung cấp thông tin khách hàng, vốn trong ngân hàng là hạn chế quyền con người được bảo vệ thông tin. Ngoài ra, ngân hàng chúng ta cũng cần phải cạnh tranh quốc tế. Chúng ta hội nhập rất sâu rồi, nên quy định bảo vệ thông tin khách hàng càng chặt chẽ, uy tín càng cao và ngân hàng của chúng ta càng phát triển”, đại biểu đoàn TP.HCM nêu ý kiến.

Sở hữu chéo tổ chức tín dụng, ai cũng biết nhưng rất khó để “chỉ mặt, đặt tên” - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Bình

Tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn sẵn có

Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Bình cho rằng, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến phòng chống rủi ro, chưa có nhiều ý kiến liên quan đến việc xây dựng. Đại biểu cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp đang rất cần tiếp cận với nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, người dân cũng có những nhu cầu cấp thiết về tiêu dùng. Ngân hàng có tiền, nhưng theo cơ chế không thể cho doanh nghiệp vay.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, trong mục đích, quan điểm xây dựng luật, cần thể hiện rõ cơ chế tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính. Ban soạn thảo cần bám sát hơn nữa nhu cầu tài chính của người dân và doanh nghiệp trong tình hình hiện nay để tháo gỡ vướng mắc cơ chế, để giải quyết bức xúc trong xã hội đối với việc thiếu vốn./.

Theo Nhóm PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên