MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở hữu hàng nghìn tỷ tiền mặt và tiền gửi, các doanh nghiệp "có tiền" đang làm gì?

18-11-2022 - 07:29 AM | Doanh nghiệp

Sở hữu hàng nghìn tỷ tiền mặt và tiền gửi, các doanh nghiệp "có tiền" đang làm gì?

Một số doanh nghiệp tích cực mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua M&A còn một số doanh nghiệp lựa chọn dùng tiền để trả cổ tức cho cổ đông.

Tích cực mở rộng quy mô và M&A

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - mã: FRT) đang có 2 công ty con là CTCP Dược phẩm FPT Long Châu và CTCP Hữu nghị Việt Hàn. Trong đó, FRT đang nắm 85% cổ phần của FPT Long Châu và gần 100% cổ phần của Hữu nghị Việt Hàn.

Mới đây, FRT dự kiến tăng vốn góp tại Long Châu gấp đôi, từ 225 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng. Nếu rót vốn thành công, FRT dự kiến sở hữu 89,83% vốn tại Long Châu. Mục đích tăng nguồn vốn để phục vụ cho việc đầu tư mở rộng chuỗi bao gồm: đầu tư về mở mới cửa hàng, công nghệ và logistics.

FPT Retail đã mua chuỗi nhà thuốc Long Châu vào tháng 1/2017, đến nay chuỗi dược Công ty đã sớm hái quả ngọt. Năm 2021, doanh thu tăng bằng lần, Long Châu nhanh chóng có lãi trước hẹn 2 năm (Công ty đặt kế hoạch 2023 chuỗi sẽ có lãi). Sang 9 tháng đầu năm 2022, Long Châu tiếp tục thu về 6.562 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tại 30/9/2022, Long Châu sở hữu 800 nhà thuốc trên cả nước, mở mới 400 nhà thuốc so với đầu năm.

Trong năm 2021, FRT cũng mua lại công ty Cổ phần Hữu Nghị Việt Hàn (vốn điều lệ: 8,1 tỷ đồng) với tỷ lệ sở hữu 99,98% nhằm mục đích xây dựng và phát triển hệ thống kho bãi, logistic của Công ty.

CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đang có 8 công ty con và một công ty liên kết. Phần lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến, sản xuất và kinh doanh thủy sản.

Mới đây, Vĩnh Hoàn thông báo sẽ góp thêm hơn 158 tỷ đồng vào vốn điều lệ của TNG Foods - một công ty sản xuất nước ép rau củ quả, chế biến rau quả. Sau khi thực hiện góp vốn thành công, tổng vốn góp của Vĩnh Hoàn tại TNG Foods là 228 tỷ đồng, chiếm 76,04% vốn điều lệ TNG Foods.

Nhìn lại lịch sử, Vĩnh Hoàn đã thực hiện nhiều thương vụ M&A, không chỉ đầu tư vào các công ty thủy sản mà trong những năm gần đây, công ty đã tích cực đầu tư vào những công ty trong lĩnh vực thịt tế bào, phồng tôm, và mới nhất là nước ép rau quả.

Năm 2020, thông qua Vinh Technology, Vĩnh Hoàn đầu tư vào Shiok Meats và Avant Meats để nghiên cứu sản xuất thịt, hải sản bằng công nghệ tế bào. Tận dụng phụ phẩm trong quá trình chế biến cá tra Vĩnh Hoàn sản xuất collagen, genlating, các sản phẩm dùng trong công nghệ làm đẹp và chăm sóc sức khỏe.

Đầu năm 2021, Vĩnh Hoàn cũng kiểm soát cổ phần chi phối tại CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang, công ty thuộc nhóm đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm khô từ bột gạo, trong đó nổi tiếng nhất là bánh phồng tôm với tỷ lệ sở hữu hiện nay là 76,72%.

Trong nhiều năm qua, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã VNM) đã theo đuổi chiến lược M&A, sử dụng M&A để mở rộng hoạt động, khai thác thị trường mới. Chỉ một năm sau khi cổ phần hóa, VNM đã mua thâu tóm CTCP Sữa Sài Gòn.

Những thương vụ tiêu biểu của VNM có thể kể đến thương vụ mua nhà máy sữa Driftwood tại Mỹ, hay đầu tư sở hữu 65% cổ phần của công ty TNHH đường Khánh Hòa và thành lập Công ty CP Đường Việt Nam (Vietsugar). Đặc biệt, thương vụ M&A với GTNFoods của Vinamilk là Top 10 các thương vụ M&A của năm.

Cụ thể, năm 2013, Vinamilk đã chi 10 triệu USD mua lại nhà máy sữa tại Mỹ là Driftwood, nhà máy có lịch sử lâu đời 100 năm tại bang Califonia và là nhà cung cấp sữa cho hệ thống trường học Nam California hơn 50 năm qua. Đến năm 2016, Vinamilk chính thức sở hữu 100% Driftwoos.

Bước đi M&A Vietsugar năm 2017 đã giúp Vinamilk dần hoàn thiện chuỗi cung ứng và chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, giúp ổn định giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Cũng như các dự án M&A khác, sau khi VNM tham gia điều hành, quản trị, Vietsugar đã có những bước chuyển mình tích cực. Từ một công ty thua lỗ, Vietsugar đã đạt mức tăng doanh thu 3 lần, lợi nhuận từ con số âm đã có lãi và lợi nhuận năm 2019 tăng hơn 200% so với 2018.

Năm 2019, VNM đã hoàn tất mua 75% cổ phần của CTCP GTNFoods, qua đó tham gia điều hành CTCP Sữa Mộc Châu quy mô đàn bò 27.500 con. Thương vụ bắt đầu từ tháng 3/2019 khi Vinamilk chào mua công khai hơn 116,7 triệu cp GTN tương đương 46,68% vốn của GTNFoods, với số tiền ước tính phải chi lên đến 1.517 tỉ đồng.

Đến cuối năm 2019, đại hội đồng cổ đông bất thường của GTNFoods đã thông qua việc cho phép VNM nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông để có thể đạt tỉ lệ sở hữu 75% tổng vốn điều lệ của GTNFoods mà không cần làm thủ tục chào mua công khai. Sau khi về chung nhà với VNM, kết quả kinh doanh của Sữa Mộc Châu đã cải thiện đáng kể.

Doanh nghiệp dùng tiền để trả cổ tức

Không chỉ dành tiền để M&A, Vinamilk còn là một trong những công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao và đều đặn hàng năm trên sàn chứng khoán. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, VNM đã thông qua mức chi trả cổ tức bằng tiền năm 2022 là 38,5%.

Một số doanh nghiệp khác có lượng tiền mặt và tiền gửi cao cũng dành tiền để trả cổ tức cho cổ đông như CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã: DGC) vừa công bố kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là 30%. Năm 2021, bên cạnh việc trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 117%, DGC vẫn trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.

Công ty con của DGC là CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (mã: PAT) trong quý 3 năm nay vừa tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 100%.

Công ty Cổ phần FPT (FPT) cũng duy trì trả cổ tức bằng tiền mặt hằng năm từ năm 2009 đến nay với tỷ lệ chi trả tối thiểu 10%. Sabeco cũng vừa thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 25%, tương ứng một cổ phiếu nhận được 2.500 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức là 21/12 và ngày thanh toán dự kiến 11/1/2023. Tỷ lệ trả cổ tức năm 2021 là 35%.

Huyền Trang

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên