Sở hữu khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng, các tỷ phú nổi tiếng Việt Nam nghĩ sao về tiền?
Điểm khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo đó là tư duy về tiền bạc. Người nghèo làm việc vì tiền, còn người giàu để tiền làm việc cho mình.
Bạn đã bao giờ tự hỏi, sự khác nhau giữa người nghèo và người giàu là gì? Phần lớn nguyên nhân đó là do sự khác biệt trong suy nghĩ. Nhiều người có xuất phát điểm giống nhau nhưng suy nghĩ khác nhau, từ đó cuộc đời cũng đi theo những con đường khác nhau. Tư duy mới chính là thứ quyết định giàu nghèo.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo đó là tư duy về tiền bạc. Người nghèo làm việc vì tiền, còn người giàu để tiền làm việc cho mình. Trong những điều kiện tương tự nhau, người nghèo cứ kiếm tiền rồi lại tiêu tiền, vòng tròn cứ thế mà lặp đi lặp lại cả đời.
Trong các bài trả lời phỏng vấn báo chí, những tỷ phú nổi tiếng tại Việt Nam từ chủ tịch Vingroup, Hòa Phát,...đều thể hiện khá rõ tư duy này.
Chủ tịch tập đoàn Vingroup - Phạm Nhật Vượng
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ năm 2018, khi được hỏi quan điểm về tiền, ông Vượng cho biết: "(Tiền) Là công cụ, phương tiện của mình làm việc. Trong người tôi không bao giờ có đồng nào, khi đi ra ngoài cần tiêu gì đấy lại phải mượn lái xe".
Tất nhiên thủa ban đầu tiền cũng là mục tiêu quan trọng của ông Vượng nhưng không phải là thứ ông theo đuổi cả đời:
"Ngày xưa là câu chuyện cơm áo gạo tiền. Đầu tiên khi đi làm là muốn kiếm tiền giúp bố mẹ đỡ nghèo đỡ khổ. Sau này có tí tiền lên thì để mình sống một cách thoải mái sung túc, vợ con đề huề. Dần dần lớn lên nữa thì công việc là đam mê. Và đến giờ mục tiêu cuối cùng là làm được cái gì đó cho đời .
Ví dụ như bây giờ mục tiêu là phải có được một thương hiệu công nghiệp tốt. Hyundai làm được, Toyota làm được, tại sao Việt Nam mình không làm được? Mỹ có Microsoft, có Apple… tại sao mình không có được?
Cứ cho là mình không phải là số 1 nhưng bét ra cũng vào top 5, top 10 đi. Những cái đó sẽ mang lại thương hiệu cho đất nước mình. Tóm lại, tôi muốn làm sao để đất nước mình được người ta biết đến ở khía cạnh trí tuệ, đẳng cấp".
Thậm chí vị tỷ phú này còn hài hước cho rằng:
"Điều tôi luôn tự nhủ với mình là tóm lại đến cuối đời mình làm được cái gì. Mình có cầm được một đống tiền đi sang thế giới bên kia không? Tôi vẫn hay nói đùa với anh em là tôi mà sang bên kia chỉ cần hai tay hai vali vàng mã là đủ rồi, hơn cũng không cầm theo được".
Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long
Năm 2018 chủ tịch Trần Đình Long của tập đoàn Hòa Phát lần đầu tiên được tạp chí Forbes vinh danh là tỷ phú USD. Cũng nhân dịp này, ông Long lần đầu tiên đồng ý trả lời phỏng vấn với giới báo chí về bản thân, quan điểm sống và kinh doanh.
Khi được hỏi về giá trị tài sản 1,3 tỷ USD mà Forbes ghi nhận ông trả lời:
"Thực ra thì hằng ngày tôi làm chẳng nghĩ gì đến tiền đâu, và cũng chẳng biết bản thân có bao nhiêu tiền nữa.
Không phải riêng tôi như vậy. Tôi đoán chắc rất nhiều người cũng như mình. Chúng tôi làm không phải là để cuối ngày nhìn lại những con số trên bảng chứng khoán hay trong két sắt, đúng không? Nói như vậy không phải vì khiêm tốn gì đâu, mà đó là sự thật. Cứ đến lúc giống như chúng tôi, các bạn sẽ hiểu."
Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ
Ông Vũ có lẽ là người có phát ngôn về tiền được nhớ đến nhiều nhất. Trong phiên tòa xét xử ly hôn ngày 20/2/2019, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng thốt lên rằng: "Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?"
Đến phiên tòa chiều ngày 25/2, ông Đặng Lê Nguyên Vũ dành khoảng 20 phút để trao đổi với báo chí. Ông Vũ tiếp tục chia sẻ quan điểm của mình về tiền bạc như sau:
"Bất kể ai khi nền tảng thiện lương của mình yếu thì tiền và quyền sẽ trở thành ma lực dẫn mình đi, cái đó đẻ ra rất nhiều chuyện. Qua muốn phải hồi tâm, cô ấy phải hiểu hết. Không, không có chuyện cô ấy ăn cơm phải hầu, không bao giờ có chuyện đó. Lẽ ra 5-6 năm nay, qua không muốn nói. Đối diện với lương tri, lương tâm là không được phép.
Qua xuất hiện ở đây không phải để chia. Nhưng ở đây có một điều, cái gì không phải của mình, của cô thì đừng bao giờ giành hết. Cuộc đời ai cũng vậy, có giành được cũng không giữ được. Không bao giờ được, cái đó có đạo trời, luật nhân quả có hết. Cô theo đạo Phật cô hiểu chứ, mình đâu phải sống bên ngoài được. Không phải như vậy. Sống bằng bản tâm của mình, mà càng với người thân của mình càng không giả dối được. Không bao giờ, vợ chồng thì càng không nữa."
Nhà sáng lập, tổng giám đốc hãng hàng không VietJet- Nguyễn Thị Phương Thảo
Trong bài trả lời phỏng vấn đầu năm nay trên báo Tuổi trẻ, khi được hỏi "Tiền nhiền để làm gì", bà Thảo vui vẻ cho biết:
"Tiền nhiều để hiện thực hóa những ước mơ cao đẹp và giúp đỡ được nhiều người hơn!"
Chủ tịch tập đoàn Sunhouse - Nguyễn Xuân Phú
Trong một buổi giao lưu cách đây không lâu, chủ tịch tập đoàn Sunhouse cho rằng nếu nói về tài sản cá nhân, ông chỉ cần tiền đủ để trang trải nhu cầu tối thiểu như ăn uống, đi lại, nhà cửa.
"Tôi nghĩ một gia đình có khoảng 100 tỷ thôi là đầy đủ phục vụ. Lớn hơn 100 tỷ để phục vụ cá nhân thì không còn nhiều giá trị", doanh nhân này trả lời câu hỏi bao nhiêu tiền là đủ.
Tuy nhiên, Shark Phú nhấn mạnh tiền là vật ngang giá, là phương tiện để con người đạt được mục đích. Nếu ai đó có tham vọng làm thay đổi thế giới, tạo cái gì đó cho thế giới thì lại phải cần rất rất nhiều tiền.
"Vậy thì tôi nghĩ tiền nhiều chỉ có ý nghĩa cho người có tham vọng, muốn làm gì đó cho nhân loại. Nếu cá nhân nào không có tham vọng đó, không nhất thiết phải nhiều tiền làm gì. Bởi nhiều tiền có khi là khổ, chứ không hạnh phúc đâu", ông Phú khẳng định.
Nhịp sống kinh tế