Sở hữu Sữa Mộc Châu, GTNfoods công bố doanh thu và lợi nhuận tăng vọt
Đơn vị sở hữu Sữa Mộc Châu đóng góp 70% vào kết quả kinh doanh giúp GTNfoods gần cán ngưỡng 3.000 tỷ doanh thu và 135 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2017.
CTCP GTNfoods (mã chứng khoán GTN) vừa công bố BCTC quý 3 và 9 tháng đầu năm 2017 với kết quả cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2016 nhờ sự góp sức của bò sữa Mộc Châu. Đây là quý thứ 2 liên tiếp kết quả kinh doanh của GTNfoods thể hiện rõ nét sự đóng góp của mảng sữa vào hoạt động kinh doanh của công ty.
Đơn vị sở hữu Sữa Mộc Châu đóng góp hơn 80% doanh thu cho GTNfoods trong quý 3
Tính riêng quý 3, doanh thu thuần của GTNfoods đạt gần 881 tỷ đồng trong đó Vilico (đơn vị sở hữu chi phối Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) đóng góp hơn 700 tỷ đồng tương ứng hơn 80%. Nhờ sự đóng góp nổi trội của Vilico nên doanh thu quý 3 của GTNfoods ghi nhận gấp 6,5 lần cùng kỳ năm 2016.
Tính đến cuối tháng 8 vừa qua GTNfoods đã hoàn thành mục tiêu nâng tỷ lệ sở hữu tại Vilico lên trên 70% và Sữa Mộc Châu-công ty con kinh doanh hiệu quả nhất của Vilico là một trong những "con bò vàng" của GTNfoods.
Chia sẻ về công việc và định hướng của GTNfood, ông Michael Louis Rosen, Phó Chủ tịch HĐQT công ty từng đánh giá, thung lũng Mộc Châu là vị trí thuận lợi để cho Bò sữa được cung cấp đầy đủ thức ăn và có môi trường thoải mái, thời tiết hoàn hảo - là nơi giúp đàn bò sữa phát triển tốt và khỏe mạnh nhất. Do vậy, công ty quyết tâm đầu tư mạnh nâng tổng đàn bò với tầm nhìn đạt tới quy mô 100.000 con.
Ngoài mảng sữa, GTNfoods còn có các mảng kinh doanh khác như Trà (Vinatea), lợn thịt (Vilico)…Tuy nhiên, GTNfoods sẽ đầu tư thêm vào Mộc Châu Milk và đem mảng sữa thành một trong những mảng kinh doanh trọng yếu của công ty. Cam kết đầu tư mạnh vào mảng sữa đã được công ty công bố tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Sơn La gần đây. Trong năm 2017, Mộc Châu Milk đang tập trung mạnh vào marketing nhằm định vị thương hiệu một cách toàn diện, đồng thời triển khai áp dụng hệ thống quản lý hệ thống phân phối (DMS) trong khâu vận chuyển, bán hàng nhằm nâng cao hệ thống quản lý tập trung, khoa học, cải thiện đáng kể hiệu quả mảng bán hàng.
Sữa và nỗ lực thúc đẩy bán hàng giúp GTNfoods vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2017
Nỗ lực đẩy mạnh bán hàng, quảng bá sản phẩm đã giúp doanh thu của GTNfoods tăng mạnh kéo theo lợi nhuận sau thuế trong quý 3 đạt gần 38,8 tỷ đồng, gấp 14 lần lợi nhuận đạt được quý 3 năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 GTNfoods đạt gần 2.960 tỷ đồng doanh thu, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế thu về 134 tỷ đồng, gấp hơn 17 lần 9 tháng đầu năm 2016. Con số lợi nhuận này giúp công ty đạt 60% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm mà ĐHCĐ giao phó. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt gần 21 tỷ đồng.
Sau hơn 2 năm tích cực thực hiện các thương vụ M&A, hiện GTNfoods đã nâng vốn điều lệ lên 2.500 tỷ đồng, tăng gần 270% so với thời điểm vừa lên sàn. Tổng cộng tài sản đạt 4.287 tỷ đồng.
Lý giải kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2017, lãnh đạo GTNfoods cho biết, mảng sữa là mảng chủ đạo tạo nên kết quả kinh doanh đột biến của công ty nhưng doanh thu và lợi nhuận của công ty còn có sự đóng góp đáng kể của mảng chăn nuôi do Vilico thực hiện. Ngoài ra, mảng trà do công ty con Vinatea thực hiện cũng đã mang lại kết quả cao dù quá trình tái cấu trúc vẫn còn trong giai đoạn hoàn tất. Giai đoạn đầu tái cấu trúc doanh thu và lợi nhuận cả Vinatea mang lại chưa cao nhưng đến nay, trong 9 tháng đầu năm 2017 Vinatea đã đóng góp tới 333 tỷ đồng vào doanh thu hợp nhất của GTNfoods.
Tiền mặt dồi dào, giảm dần nợ vay
Tính đến 30/9/2017, GTNfoods ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm đạt ~1.200 tỷ đồng. Nhờ khoản dư tiền dồi dào này, doanh thu tài chính của GTNfoods cũng tăng mạnh so với năm ngoái. Riêng quý 3, doanh thu từ hoạt động tài chính gấp 4 lần cùng kỳ và đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh quý 3.
Lãnh đạo GTNfoods từng chia sẻ, nhờ khoản dư tiền mặt rất lớn nên GTNfoods sẽ chủ động được nguồn tiền khi có cơ hội M&A doanh nghiệp tốt phù hợp với mục tiêu của công ty hoặc đầu tư thêm vào các dự án sẵn có để sinh lời tốt cho cổ đông.
Cũng nhờ khoản tiền dồi dào, GTNfoods đã tiến hành cơ cấu các khoản vay trong suốt quá trình tái cơ cấu các công ty con sau M&A. Tổng dư vay nợ ngắn hạn và dài hạn đến cuối quý 3 chỉ còn hơn 73 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng so với đầu kỳ. Do vậy, chi phí tài chính trong quý 3, mà chủ yếu là chi phí lãi vay chỉ bằng 1/10 cùng kỳ năm 2016.
Trí Thức Trẻ