MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở hữu thực lực áp đảo, Viên Thiệu vẫn thảm bại dưới tay Tào Tháo, vì sao?

18-09-2019 - 22:28 PM | Sống

Vì đâu Viên Thiệu phải thua đau và bị xóa sổ trước một đối thủ từng có phần yếu thế hơn như Tào Tháo?

Sau chiến thắng tại trận Quan Độ, Tào Tháo đã chính thức áp đảo Viên Thiệu và trở thành thế lực sở hữu địa bàn rộng lớn nhất vào thời điểm bấy giờ.

Tuy nhiên điều đáng nói lại nằm ở chỗ, Viên Thiệu trước đó được xem là một trong những chư hầu chiếm thế thượng phong với binh hùng tướng mạnh và hàng ngũ mưu sĩ đông đảo.

Vậy đâu là lý do khiến một thế lực đáng gờm như vậy lại phải chịu kết cục bại trận thê thảm trước phe cánh có phần yếu thế hơn như Tào Mạnh Đức?

Theo phân tích của tờ báo Sohu (Trung Quốc), sở dĩ Viên Thiệu bị Tào Tháo "xóa sổ" là bởi thua kém đối thủ trên một phương diện chí mạng dưới đây.

Đại chiến Quan Độ - Chiến trường sinh tử giữa Viên Thiệu và Tào Tháo

 Sở hữu thực lực áp đảo, Viên Thiệu vẫn thảm bại dưới tay Tào Tháo, vì sao? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Công nguyên năm 199, Viên Thiệu đánh bại Công Tôn Toản, thống nhất vùng Hà Bắc, tiếp đó lại đánh chiếm nhiều khu vực khác ở phương Bắc.

Bấy giờ, tương quan địa bàn của Viên Thiệu và Tào Tháo cũng không chênh lệch quá nhiều, nhưng so về thực lực thì họ Viên vẫn chiếm ưu thế hơn cả.

Theo Sohu, vào thời điểm lúc bấy giờ, đội quân cơ động có thể điều đi tác chiến của Tào Tháo chỉ vẻn vẹn trên dưới 20 ngàn người, tổng binh vào khoảng xấp xỉ 40 ngàn, trong khi đó binh lực của họ Viên lên tới 140 ngàn quân.

Vì thế trước khi trận chiến Quan Độ diễn ra, kẻ thức thời đều dễ dàng nhìn ra Viên Thiệu mới là phe cánh chiếm được ưu thế.

Dù vậy thì ở vào giai đoạn đầu của trận chiến, Tào Tháo với năng lực quân sự xuất sắc đã lấy được một số chiến tích mở đầu tương đối tích cực. Tuy nhiên Viên Thiệu với tương quan lực lượng áp đảo đã khiến cho quân Tào sau đó phải nhiều lần thua chạy.

 Sở hữu thực lực áp đảo, Viên Thiệu vẫn thảm bại dưới tay Tào Tháo, vì sao? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Thế nhưng điểm đáng nói nằm ở chỗ, cho tới thời điểm diễn ra trận Quan Độ vào năm 200 sau công nguyên, nội bộ của Viên Thiệu đã bộc lộ rõ sự mâu thuẫn.

Được sự báo tin từ một trong những mưu sĩ của phe địch là Hứa Du, Tào Tháo đã đem quân tập kích kho lương của Viên Thiệu ở Ô Sào.

Biết tin Ô Sào bị đánh, Viên Thiệu vội vàng điều quân đi cứu viện, mặt khác lại sai hai tướng Trương Cáp và Cao Lãm đi cướp doanh trại Tào. Tuy nhiên do không hạ được phe địch, lại nghe tin Tào Tháo thắng trận từ Ô Sào trở về, hai tướng Trương – Cao của Viên Thiệu đã quyết định đầu hàng.

Hung tin bại trận liên tiếp ập tới, lại thêm việc thuộc hạ kéo nhau hàng địch, tướng sĩ của Viên Thiệu náo loạn kéo nhau bỏ chạy. Nhân cơ hội này, Tào Tháo thừa cơ dẫn quân tập kích, Viên Thiệu và con trai phải vội vàng tháo chạy, hơn 7 vạn quân Viên không theo kịp chủ, đều xin hàng Tào.

Sau chiến thắng áp đảo tại Quan Độ, Tào Tháo đã tiêu diệt gần như toàn bộ binh lực của đối thủ lớn nhất là Viên Thiệu, từ đó tạo điều kiện gây dựng nên thế lực Tào Ngụy, đồng thời chấm dứt thời kỳ Tiền Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.

Binh hùng tướng mạnh nhưng vẫn bại trước Tào Tháo, Viên Thiệu thua kém đối thủ ở điểm nào?

 Sở hữu thực lực áp đảo, Viên Thiệu vẫn thảm bại dưới tay Tào Tháo, vì sao? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Nhìn vào những minh chứng lịch sử nói trên, không khó để nhận thấy một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến Viên Thiệu thất bại thảm hại trước Tào Tháo chính là mâu thuẫn xuất phát từ bên trong nội bộ.

Theo nhận định của Sohu, mặc dù Viên Thiệu đối với việc trọng dụng mưu sĩ thường xuyên phạm lỗi, tuy nhiên Tào Tháo trên phương diện vận dụng mưu kế thực chất cũng không hẳn là mạnh hơn quá nhiều so với đối thủ này.

Tuy nhiên nếu so sánh với đối thủ nói trên, Tào Tháo lại có một ưu điểm chiếm ưu thế áp đảo trên phương diện dùng người. Đó là vị quân chủ họ Tào này rất có tài nghệ trong việc lôi kéo và bổ nhiệm các thành viên nòng cốt đối hàng ngũ văn thần, võ tướng.

Mặc dù những ghi chép về chính sử của Viên Thiệu ít hơn nhiều so với Tào Tháo, tuy nhiên luận điểm nói trên đã được tờ báo Sohu (Trung Quốc) làm rõ thông qua một số sự kiện cụ thể dưới đây.

 Sở hữu thực lực áp đảo, Viên Thiệu vẫn thảm bại dưới tay Tào Tháo, vì sao? - Ảnh 4.

Tranh minh họa: Nguồn Internet.

Theo lẽ thông thường, trong một tập đoàn chính trị, hàng ngũ các văn thần sẽ chia thành một số phe cánh khác nhau. Tuy nhiên thế lực của Viên Thiệu là một trong số ít những tập đoàn hiếm hoi mà ngay ở thời điểm thắng bại chưa phân thì đã bắt đầu xuất hiện nội đấu.

Hậu quả của sự mâu thuẫn nội bộ xuất hiện quá sớm này là việc các nhân tài đầu quân cho họ Viên đều có kết cục chẳng lấy làm tốt đẹp. Điền Phong cùng Hứa Du cũng là một trong số đó.

Năm xưa khi Tào Tháo nắm trong tay Thiên tử, mưu sĩ Điền Phong từng khuyên Viên Thiệu đem quân tấn công Hứa Xương, nhưng quân chủ vì chần chừ mà cuối cùng để lỡ mất cơ hội.

Tới đầu năm 200 khi Tào Tháo xuất kích đánh Lưu Bị ở Từ Châu, Điền Phong lại khuyên Viên Thiệu tranh thủ tập kích Hứa Châu, tuy nhiên chúa công tiếp tục vì lý do con nhỏ có bệnh nên không xuất binh.

Điền Phong vì việc này mà tỏ ra bất bình, từ đó bị quân chủ căm ghét. Sau khi bị lỡ mất cơ hội tốt, Viên Thiệu vẫn có ý muốn đại chiến với Tào Tháo nhưng bị Điền Phong can ngăn, liền giam vị mưu sĩ này vào ngục và ban án chém đầu không lâu sau đó.

 Sở hữu thực lực áp đảo, Viên Thiệu vẫn thảm bại dưới tay Tào Tháo, vì sao? - Ảnh 5.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Mặc dù không phải chịu kết cục đầu rơi máu chảy như Điền Phong, thế nhưng một mưu sĩ nổi tiếng khác của Viên Thiệu là Hứa Du cũng đã vì bất bình mà rời bỏ vị quân chủ này.

Trong trận Quan Độ, Hứa Du đã ly khai phe cánh của Viên Thiệu để đầu quân cho Tào Tháo. Nguyên nhân là bởi vị mưu sĩ ấy từng hiến kế cho họ Viên đánh Tào, nhưng Viên Thiệu lại vì biết được ông tham ô của công nên tỏ ra khinh thường và sỉ nhục.

Sau cùng, Hứa Du đã quyết định mật báo cho Tào Tháo, từ đó góp công giúp vị quân chủ họ Tào hạ gục Viên Thiệu trong trận đại chiến ở Quan Độ.

Về phần Tào Tháo, mặc dù nổi tiếng đa nghi, thế nhưng vị quân chủ này lại rất biết cách củng cố nội bộ. Cho tới trước thời điểm diễn ra trận Quan Độ, nội bộ của hàng ngũ văn thần dưới trướng ông về cơ bản cũng đã ổn định.

Bấy giờ, phàm là người nào có thể trọng dụng, Tào Tháo sẽ không vì xuất thân hay quá khứ của người đó mà tỏ ra ghẻ lạnh.

Cũng bởi có tài nghệ trong việc chiêu hiền đãi sĩ và bổ nhiệm nhân tài, nên số lượng mưu sĩ dưới trướng Tào Tháo không chỉ đông đảo mà còn tương đối hòa hảo.

Vào thời kỳ đầu gây dựng sự nghiệp, ông đã chọn ra 5 đầu não cơ mưu để thống lĩnh hàng ngũ văn thần, đó là ngũ đại mưu sĩ bao gồm Tuân Úc, Tuân Du, Giả Hủ, Quách Gia và Trình Dục.

 Sở hữu thực lực áp đảo, Viên Thiệu vẫn thảm bại dưới tay Tào Tháo, vì sao? - Ảnh 6.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Xét tới nội bộ của hàng ngũ võ tướng, dưới quyền Viên Thiệu năm xưa có một vài danh tướng như Nhan Lương, Văn Xú, Trương Cáp, Cao Lãm...

Tuy nhiên Nhan Lương, Văn Xú đều chết dưới tay Tào, còn Trương Cáp, Cao Lãm sau cùng cũng quyết định quy hàng đối thủ.

Về trường hợp của Trương Cáp, năm xưa vị tướng này từng nhiều lần bày mưu và can gián Viên Thiệu nhưng không được vị quân chủ này để tâm.

Tới khi Ô Sào đại bại, Trương Cáp lại bị Quách Đồ gièm pha, Viên Thiệu vốn thiếu quyết đoán nên đã tin lời nịnh thần và có ý đồ hại Cáp, dẫn tới kết quả là trong trận chiến quyết định cuối cùng, Trương Cáp và Cao Lãm đã quy hàng Tào Tháo.

Sau này, Trương Cáp trở thành một trong những hổ tướng khét tiếng của tập đoàn chính trị Tào Ngụy. Ông cũng rất được Tào Tháo trọng dụng và còn lập nhiều chiến công lớn sau khi theo phò vị quân chủ này.

Theo nhận định của trang Sohu, mặc dù trong lịch sử Trung Quốc có không ít tiền lệ thuộc hạ phản bội quân chủ, việc theo hàng phe địch sau khi đại bại lại càng nhiều, tuy nhiên tình huống vừa lâm trận đã đầu hàng địch như Trương Cáp thì hãn hữu vô cùng.

Theo lẽ thường, một tướng lĩnh như vậy sẽ rất khó đạt được sự tín nhiệm của chủ công mới. Tuy nhiên Trương Cáp sau đó chẳng những vẫn được Tào Tháo trọng dụng mà còn làm nên nhiều kỳ tích khi phụng sự dưới trướng vị quân chủ ấy. Chỉ riêng điều này đã đủ để nói lên tài nghệ trọng dụng và bổ nhiệm nhân tài vượt mặt Viên Thiệu của Tào Mạnh Đức.

Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, Viên Thiệu năm xưa dù sở hữu binh hùng tướng mạnh, nhân tài đông đảo nhưng vẫn thảm bại trước Tào Tháo vốn là bởi vị quân chủ ấy thua kém trên phương diện dùng người, nhất là việc bổ nhiệm những thành viên nòng cốt, từ đó dẫn tới nội bộ hỗn loạn và tạo ra thời cơ cho Tào Tháo đảo ngược tình thế.

*Theo quan điểm của Sohu (Trung Quốc).

Theo Trần Quỳnh

Trí thức trẻ

Trở lên trên