MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở hữu "vàng Việt Nam" có còn hấp dẫn?

10-02-2022 - 15:23 PM | Tài chính - ngân hàng

Sở hữu "vàng Việt Nam" có còn hấp dẫn?

"Vàng Việt Nam" được để trong ngoặc kép, bởi có loại chênh quá cao so với thế giới, mà chuyên gia cho rằng nó ảnh hưởng đến sức hấp dẫn khi nắm giữ...

Đối với nhiều người trung niên hoặc lớn tuổi, vàng có thể chiếm phần lớn trong hoạt động tích trữ bởi tâm lý ưa chuộng đã có từ xa xưa. Nhưng với nhiều người trẻ tuổi hơn, có thể vàng không còn hấp dẫn bởi tỷ suất sinh lời không hấp dẫn bằng các tài sản rủi ro.

Những năm gần đây, giá vàng đã lập những đỉnh cao mới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng. Sang năm 2022, thêm yếu tố quan ngại lạm phát tăng cao hơn kết hợp với các yếu tố địa chính trị căng thẳng tại một số khu vực trên thế giới, diễn biến giá vàng càng được nhà đầu tư quan tâm.

Nhưng sau khi liên tiếp lập những kỷ lục mới, giá quá cao, vàng có còn hấp dẫn để nắm giữ? Việc nắm giữ có hẳn chỉ vì mục đích sinh lời? Ứng xử của các lựa chọn như thế nào trước chênh lệch giá quá lớn giữa trong nước với thế giới?

BizLIVE trao đổi với một số chuyên gia xoay quanh những câu hỏi trên.

"VẪN NÊN SỞ HỮU..."

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính

Theo tôi, năm nay vẫn nên sở hữu vàng, tuy nhiên với vàng Việt Nam, chỉ nên sở hữu ít thôi bởi tỷ lệ chênh lệch giá vàng thế giới và Việt Nam đã lên đến hàng chục triệu đồng. Nếu vì lý do nào đó mà chênh lệch này bị rút lại nhà đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Dù vậy vẫn nên có tỷ lệ giữ vàng nhất định trong danh mục của mình. Xét đến bối cảnh thế giới lạm phát như hiện nay, lạm phát tại Mỹ cao nhất trong nhiều năm, lạm phát châu Âu cũng ở mức rất cao trong hàng chục năm trở lên. Những yếu tố trên sẽ hỗ trợ cho giá vàng trong thời gian tới.

Sở hữu vàng Việt Nam có còn hấp dẫn? - Ảnh 1.

Ông Phan Dũng Khánh


Tuy nhiên, giá Việt Nam chênh lệch với giá thế giới quá cao nên có rủi ro rằng giá thế giới có tăng thì giá Việt Nam cũng tăng rất ít để mà thu hẹp khoảng cách đó lại. Chỉ nhà đầu tư đã sở hữu vàng lâu năm sẽ có lãi, còn với nhà đầu tư mua mới sẽ chịu thua lỗ.

Vàng vẫn được xem là kênh trú ẩn của dòng tiền quản trị rủi ro cho các nhà đầu tư. Vì vậy, việc nên có tỷ trọng vàng trong tài sản, danh mục đầu tư là điều nên làm. Dù vậy nên chia ra nhiều kênh và vàng chỉ là một phần tài sản trong danh mục.

Theo cá nhân tôi, trong năm nay, xu thế đầu tư an toàn đang dâng lên. Và lạm phát đang ở mức khá căng thẳng. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang siết chặt chính sách tiền tệ trở lại. Không ít người đang lo sợ về đầu tư mạo hiểm, chứng khoán, bất động sản, tiền số bị ảnh hưởng, kênh đầu tư an toàn được hưởng lợi. Giá vàng có thể trở lại ngưỡng 2.000 USD/toz trong năm 2022.

Đầu tư bao nhiêu phần trăm danh mục vào vàng còn cần phải tính đến thời điểm. Có những thời điểm mà như hiện nay, rủi ro thị trường rất cao bởi giá bất động sản hay chứng khoán đều đã ở ngưỡng khá cao, không dám khẳng định nó không có khả năng tăng tiếp nhưng tỷ lệ tăng có thể sẽ hạn chế hơn.

Cũng cần phải nhìn lại rằng trong tuần qua, đã có lúc cổ phiếu Facebook đã rớt đến 27% trong 1 ngày. Đây là một cổ phiếu hàng đầu thị trường Mỹ mà vẫn có những đảo chiều kinh khủng như vậy thì những kênh đầu tư mạo hiểm đang có độ rủi ro tăng lên nhiều, trong trường hợp đó, nhà đầu tư nên giữ khoảng 30-40% tài sản vào vàng.

Tuy nhiên, ngoài vàng vẫn còn nhiều kênh an toàn khác ví như trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp, gửi tiết kiệm hay mua bảo hiểm. Nếu nhà đầu tư nào chi nhiều hơn, có thể mua vàng 20% còn lại 20% cho các kênh được nhắc đến ở trên.

"NÊN ĐẦU TƯ VÀNG ĐỀU ĐẶN"

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc của AFA Capital, nhà sáng lập TOPI - ứng dụng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân

Trong vòng 50 năm trở lại đây, vàng mang lại mức lợi tức trung bình năm khoảng 11%, còn nếu tính riêng trong 20 năm trở lại đây, mức lợi suất trung bình mà vàng mang lại khoảng 12%. 12% là một mức lợi tức mà theo như trong báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), vàng đứng thứ 4 về lợi suất. Đứng đầu về lợi suất là cổ phiếu của các quốc gia mới nổi (emerging markets), sau đó đến thị trường bất động sản của Mỹ, thứ ba đến chứng khoán Mỹ và thứ tư đến vàng.

Theo quan điểm của tôi, trong năm nay khi mà lãi suất tăng, giá cả của những loại tài sản không mang lại lợi suất sẽ không tăng, vàng là tài sản không có lãi suất thậm chí có xu hướng giảm. Tuy nhiên có những yếu tố về địa chính trị, về bệnh dịch có thể đảo ngược xu thế này bởi các phân tích đều mang yếu tố thời điểm và ở một thời điểm thì đều có những yếu tố mạnh hơn các yếu tố khác.

Sở hữu vàng Việt Nam có còn hấp dẫn? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Minh Tuấn


Ở hiện tại, yếu tố nâng lãi suất đang mạnh hơn các yếu tố khác. Thế nhưng thị trường Việt Nam có những yếu tố đặc thù, bởi có thương hiệu vàng quốc gia và nhiều người tiêu dùng thích mua đi bán lại, và ngoài ra cũng nhiều người đang hơi e ngại về vấn đề lạm phát. Chính vì vậy trong năm nay giá vàng thế giới có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ nhưng giá vàng ở Việt Nam vẫn trong xu thế tăng.

Trên bình diện thế giới, danh mục thường chứa khoảng 5% vàng, bởi vàng mang tính chất ổn định và có lợi nhuận về dài hạn, bởi vàng có mức biến động thấp thứ 3 trong các lớp tài sản đầu tư. Tại Việt Nam, người đầu tư vàng quan trọng nhất đầu tư phải đều đặn, mỗi người có thể mỗi tháng lương hoặc vài ba tháng lương mua một chỉ cất đi sẽ mang lại hiệu quả thực sự về tiết kiệm và đầu tư, đây là với những người có tiềm lực tài chính còn hạn chế.

"MUA MỨC HIỆN NAY TẠI VIỆT NAM THỰC SỰ KHÔNG CÓ LỢI"

Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế

Vàng đối với thế giới vẫn được coi như tài sản đầu tư bởi người giàu trên thế giới không có quan điểm tối ưu hóa lợi nhuận theo cách mà chúng ta hay nói là “đồng tiền thông minh”. Người giàu ở nước ngoài không trực tiếp đầu tư như chúng ta mà đa số họ sẽ giao cho các công ty quản lý quỹ hoặc nhà tư vấn của các tổ chức tài chính uy tín. Các nhà quản lý tài sản này luôn kết hợp giữa sự an toàn và yếu tố sinh lời.

Danh mục của họ sẽ bao gồm cả tài sản an toàn và tài sản rủi ro, vì như vậy vàng luôn nằm trong danh mục của họ dù rằng trong nhiều năm vàng từng không mang lại lợi nhuận. Thậm chí nếu so với trái phiếu chính phủ, lợi suất mà nó mang lại cũng không hấp dẫn. Vàng và trái phiếu chính phủ vẫn là loại tài sản chiếm tỷ lệ tương đối trong danh mục đầu tư của người giàu thế giới.

Trong nhiều năm qua, vàng luôn có giai đoạn tăng mua và giảm mua, các nhà quản lý tăng mua vàng cho nhà giàu khi thế giới có nhiều bất ổn hay có rủi ro chiến tranh, tiền của họ lập tức khu trú vào vàng. Giá dầu và giá vàng thường hình thành một cặp đồng biến, giá dầu tăng thì giá vàng sẽ tăng. Giá dầu giảm thì giá vàng giảm.

Sở hữu vàng Việt Nam có còn hấp dẫn? - Ảnh 3.

Ông Đinh Thế Hiển


Trong năm 2021, giá vàng neo ở mức cao, ước tính 1.800 USD/ounce, đó là ngưỡng cao so với bình thường. Năm 2022, đại dịch COVID-19 đang từng bước được khống chế, giá vàng không có nhiều tiềm năng tăng nhưng hiện tại. Có yếu tố thời điểm ảnh hưởng đến giá vàng, nổi bật phải kể đến cuộc khủng hoảng Ukraina – Nga kéo theo sự liên quan của nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Theo thông lệ, những bất ổn liên quan đến chính trị, chiến tranh sẽ khiến cho giá vàng neo ở mức cao.

Nhìn vào tình hình trong nước, từ năm 2021 đến nay, giá vàng trong nước đang cao hơn khá nhiều so với giá vàng thế giới, nhiều khi trên 10 triệu đồng/lượng. Trước đây, giá vàng trong nước cách giá vàng thế giới 4 triệu đồng/lượng đã là bất lợi rồi, chênh lệch phù hợp chỉ là trên dưới 1 triệu đồng/lượng.

Khi mà chênh lệch trong nước thế giới lên quá cao, vàng không còn thuộc danh mục đầu tư của nhà có tiền ở Việt Nam, theo quan sát của tôi là vậy. Vàng chủ yếu thuộc danh mục đầu tư của những người quen với vàng và phần đông không phải người giàu. Người giàu Việt Nam không còn chuộng vàng, đầu tiên với họ là bất động sản rồi đến chứng khoán, hoặc tiền gửi ngân hàng, hoặc đôla.

Vàng nhiều khi chỉ còn là lựa chọn đầu tư của người nông dân, tiểu thương có thói quen giữ vàng từ trước đó. Ngay cả trong giai đoạn giá vàng tăng mạnh, giữ vàng vẫn không có lợi bằng tiền gửi.

Giá vàng hiện tại đang hưởng lợi từ bất ổn Ukraina – Nga, nhưng nếu 1,2 tháng tới mà chính trị thế giới ổn định lại, giá vàng sẽ khó tăng. Nếu mua vàng, có thể mua lướt sóng 2 - 3 tháng cũng được nhưng vẫn có rủi ro. Còn nếu mua để tránh rủi ro thì ở mức hiện nay tại Việt Nam thực sự không có lợi.

Theo Ngọc Diệp

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên