Sở hữu vùng đồng bằng phì nhiêu nhất Đông Nam Á, Việt Nam sẽ có cơ chế đặc thù cho mảnh đất này
Đây là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới, nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam.
Vị trí chiến lược quan trọng của ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Thành phố Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Tổng diện tích của vùng khoảng 40,6 nghìn km2; dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước.
ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiều nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Vùng đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.
ĐBSCL cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước.
Trong những năm vừa qua, kinh tế - xã hội của Vùng đạt được kết quả khá toàn diện, trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. Kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng được cải thiện; quy mô kinh tế được mở rộng.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, nhiều dự án công nghiệp trọng điểm về năng lượng đi vào hoạt động. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư bằng nhiều nguồn lực, góp phần thay đổi diện mạo của vùng. Nhiều hình thức liên kết, hợp tác vùng được hình thành…
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao phát triển chậm; khu công nghiệp được thành lập so với số được quy hoạch thấp nhất cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế; khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực tăng năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng.
Cùng với đó, hạ tầng giao thông vận tải chậm phát triển, thiếu đồng bộ, chưa phát triển đồng đều và liên kết giữa các phương thức vận tải. Quy mô và năng lực vận tải thuỷ thấp nhiều so với tiềm năng, lợi thế, quy hoạch cảng biển còn nhiều bất cập, chưa có cảng đầu mối; các trung tâm logistics lớn chưa được hình thành.
Vùng cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, xậm nhập mặn, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối các địa phương trong vùng.
Vựa lương thực của cả nước sẽ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh
Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng vùng ĐBSCL hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới.
Phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực, tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh kinh tế biển, kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế.
Chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc...
Đến năm 2045, vùng ĐBSCL là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người; nhân dân có mức sống cao...
Tại cuộc họp về xây dựng báo cáo tình hình rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng ĐBSCL diễn ra hôm 18/3 vừa qua, các địa phương trong vùng bày tỏ thống nhất cao với đề xuất cơ chế đặc thù chung cho vùng ĐBSCL, gồm 4 nhóm: Nhóm cơ chế, chính sách về nông nghiệp; Nhóm cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính; Nhóm cơ chế, chính sách về thích ứng biến đổi khí hậu; Nhóm cơ chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực.
Đại diện các địa phương trong vùng cũng đề xuất thêm các cơ chế, chính sách cụ thể liên quan đến phát triển nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics; cơ chế liên kết kinh tế biển, kinh tế sông; phát triển doanh nghiệp; đào tạo nhân lực chất lượng cao; đầu tư đường bộ đi qua địa bàn khác; chính sách đào tạo nghề; phát triển đô thị; phân cấp thẩm quyền các khu chức năng, khu đô thị, khu công nghiệp; chính sách về nguồn nước; phát triển hệ sinh thái nông nghiệp; cơ chế, chính sách nuôi trồng thủy sản phù hợp; chính sách đầu tư hạ tầng giao thông nói chung, kết nối giao thông vùng; chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông thủy sản…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ rà soát lại một số nhóm chính sách về tăng mức hỗ trợ một số chương trình dự án của vùng. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện, khắc phục các tồn tại, "nút thắt" của cơ chế chính sách đặc thù vùng ĐBSCL.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhằm đạt mục tiêu cho việc triển khai đề án 1 triệu héc ta lúa carbon thấp chất lượng cao ở ĐBSCL, bộ sẽ triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở 12 tỉnh trong vùng (trừ tỉnh Bến Tre).
Tổng vốn đầu tư 375 triệu USD (khoảng 9.000 tỉ đồng), thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2031. Hợp phần 1 của dự án chiếm 350 triệu USD sẽ tài trợ cho cơ sở hạ tầng công cộng cần thiết. Khoảng 25 triệu USD sẽ phục vụ phát triển và chuyển giao kỹ thuật (hợp phần 2) và chi phí quản lý dự án (hợp phần 3).
Đời sống & pháp luật