Sở LĐTBXH Gia Lai nợ nần “chồng chất”
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Gia Lai nợ tiền mua xe công, nợ Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ đền ơn đáp nghĩa và nợ cả doanh nghiệp… với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Bộ phận một số cán bộ làm việc tại cơ quan có nợ nần, đã bị ảnh hưởng đến công việc chuyên môn.
Vì đâu nợ nần?
Ngày 10.9, Giám đốc Sở LĐTBXH Gia Lai - bà Trần Thị Hoài Thanh - cho biết đang đốc thúc các phòng, ban lên kế hoạch xử lý các số nợ tại cơ quan. Sở này đang lâm vào cảnh nợ “đầm đìa”, có dấu hiệu lún sâu. Đó là nợ tiền mua xe công 700 triệu đồng từ 2011, hiện đang treo ứng tại Kho bạc nhà nước tỉnh Gia Lai. Nợ các Quỹ đền ơn đáp nghĩa số tiền 750 triệu đồng (15 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 50 triệu đồng). Nợ Quỹ Bảo trợ trẻ em 310 triệu đồng. Nợ Công ty Cổ phần kinh doanh và phát triển miền núi Gia Lai số tiền 450 triệu đồng xây dựng các hạng mục tại 3 nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Đắk Đoa, thị xã An Khê và nghĩa trang tỉnh Gia Lai.
Giám đốc Sở LĐTBXH Gia Lai cho hay, nợ tiền mua xe công là số tiền lớn nhất của cơ quan, đã nhiều lần cầu cứu Bộ LĐTBXH nhờ giúp đỡ. Thời điểm mua xe là giao thời chuyển giao giữa giám đốc cũ và giám đốc mới, nên khó giải quyết.
Bà Trần Thị Hoài Thanh tiết lộ, tiền mua xe công là ngân sách xin của Trung ương 1 tỉ đồng, vốn đối ứng của tỉnh là 200 triệu đồng. Khi mua xe là giai đoạn của nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Gia Lai - ông Phạm Ngọc Thạch. Trong lộ trình cho phép mua, nhưng đến lúc làm thủ tục quyết toán thì vướng Nghị quyết 11/ NQ-CP về việc mua sắm tài sản công thì việc mua sắm ôtô thuộc danh mục bị tạm dừng, không được thanh toán. Bà Thanh nói thêm, lúc bàn giao chức giám đốc sở năm 2011, thì nguyên Giám đốc Sở Phạm Ngọc Thạch không bàn bạc, trao đổi về chuyện vướng mua xe. Lúc nhậm chức được 2 năm, Kho bạc Nhà nước “đòi” thủ tục quyết toán thì việc mới “vỡ lở”.
Về số nợ Quỹ Bảo trợ trẻ em, sở này có Ban vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em đi vận động các nguồn để trẻ em. Số tiền của quỹ được linh động để hỗ trợ cho các trường hợp đuối nước, đau ốm, bệnh tật. Sở LĐTBXH trình: “Năm nay vận động không được thì lấy số tiền của năm trước sử dụng, theo kiểu “gối đầu” kinh phí. Mỗi khi có tai nạn thương tích hay UBND tỉnh chỉ đạo đột xuất thì phải trích ngay theo yêu cầu nên liên tục thiếu hụt, buộc phải có sự nợ nần”. Giám đốc Sở LĐTBXH Gia Lai Trần Thị Hoài Thanh cam kết: “Hiện tại bị “hụt” thì sẽ tìm cách vận động để trả lại”.
Cần có quyết sách tháo gỡ
Sở này liên tục nợ các quỹ tại cơ quan. Đó là, nợ Quỹ đền ơn đáp nghĩa số tiền 750 triệu đồng, tức nợ 15 cuốn sổ tiết kiệm (mỗi sổ 50 triệu đồng). Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển miền núi Gia Lai thi công hoàn thành 3 nghĩa trang liệt sĩ (Sở LĐTBXH Gia Lai làm chủ đầu tư) từ năm 2018… tuy vậy vẫn chưa được sở này thanh toán số tiền 450 triệu đồng.
Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai cho biết, việc sử dụng ngân sách phải có kế hoạch, nội dung, được ghi trong dự toán ngân sách được duyệt. Việc chênh lệch thu, chi đều tạo ra những khó khăn cho hoạt động quản lý ngân sách nhà nước và hạn chế hiệu quả trong thực tế.
Sở Tài chính tỉnh Gia Lai cho hay, các số nợ của Sở LĐTBXH Gia Lai không quyết toán tại Sở Tài chính vì nguồn của T.Ư. “Một cơ quan nhà nước mà sử dụng ngân sách nợ nần như vậy là đã… quá sai” - đại diện cơ quan này nói.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai - ông Ngô Ngọc Sinh - cho biết, đang cho bộ phận chuyên môn tổng hợp thông tin (Sở LĐTBXH Gia Lai nợ nần - PV) để có hướng xử lý, can thiệp.
Bà Trần Thị Hoài Thanh - Giám đốc Sở LĐTBXH chuẩn bị nghỉ hưu theo chế độ. Để tránh “tăng” thêm việc cho nhiệm kỳ tiếp quản, UBND tỉnh Gia Lai nên có động thái can thiệp, xử lý.
Lao động