Số lượng người trên 100 tuổi tại Pháp tăng lên mức kỷ lục
Viện Nghiên cứu nhân khẩu học quốc gia Pháp cho biết số người sống trên 110 tuổi ở nước này đang tăng nhanh, trong đó phụ nữ chiếm ưu thế.
- 30-04-2024Bất chấp lệnh trừng phạt, khí đốt của Nga vẫn chảy vào châu Âu: Lý do không chỉ là giá rẻ
- 30-04-2024Elon Musk có chiến thắng ‘bước ngoặt’ trong chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc, cổ phiếu Tesla lập tức tăng vọt
- 29-04-2024GDP giảm tốc, lạm phát neo cao làm dấy lên quan ngại mới về kinh tế Mỹ: Lạm phát đình trệ
Trong một báo cáo, Viện Nghiên cứu nhân khẩu học quốc gia Pháp (INED) nhận định hiện tượng này chưa từng xảy ra ở Pháp cho đến cuối những năm 1980. Tuy nhiên, vào năm 2022, Pháp đã ghi nhận 39 trường hợp người từ 110 tuổi trở lên tử vong.
INED cho biết Pháp đã chứng kiến sự gia tăng số lượng một cách "ngoạn mục" những người trên 100 tuổi, từ khoảng 1.000 người vào năm 1970 lên 8.000 người vào năm 2000 và 31.000 người vào đầu năm nay. Theo xu hướng hiện nay, 200.000 người ở Pháp sẽ sống trên 100 tuổi vào năm 2070.
Bà France Mesle - một trong những tác giả của báo cáo - nói với AFP: "Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng ngoạn mục của những người rất già". Tổng dân số của Pháp là khoảng 68 triệu người, với hơn 20% từ 65 tuổi trở lên.
Số liệu thống kê phù hợp với một phát hiện trước đó cho thấy xác suất đạt 100 tuổi trở lên ở Pháp cao hơn 15 quốc gia châu Âu khác.
Theo Viện Thống kê quốc gia Pháp (Insee), phụ nữ Pháp có tuổi thọ trung bình cao nhất Liên minh châu Âu với 85,2 tuổi vào năm 2022. Pháp cũng có số lượng người trên 100 tuổi cao nhất EU vào năm 2023.
Hai trong số bốn người được thế giới công nhận là đã sống hơn 118 tuổi là phụ nữ Pháp. Đó là cụ bà Jeanne Calment - người được ghi nhận là người già nhất qua đời ở tuổi 122 năm 5 tháng - và cụ bà Lucile Randon - qua đời ngay trước sinh nhật thứ 119 của cụ.
Khoảng 2.000 người ở Pháp từ 105 tuổi trở lên vào năm 2023. Trong số 39 người qua đời ở tuổi 110 trở lên vào năm 2022, có 38 người là phụ nữ.
Laurent Toussaint - một chuyên gia về người "siêu 100 tuổi" - cho biết họ thường làm những công việc chân tay như trồng trọt và có chế độ ăn uống lành mạnh.
Trong khi số lượng những người "siêu 100 tuổi" trải đều khắp vùng đô thị nước Pháp, con số trung bình có thể được ghi nhận ở các lãnh thổ hải ngoại của Pháp là Guadeloupe và Martinique.
Báo cáo cho biết chưa có lời giải thích rõ ràng cho hiện tượng này. Tuy nhiên, người ta nói rằng dân cư trên đảo - chủ yếu là hậu duệ của những người sống sót sau chế độ nô lệ - có thể đã thừa hưởng những gen mạnh mẽ hơn để kéo dài tuổi thọ của họ so với những nhóm dân cư chưa bao giờ tiếp xúc với chế độ nô lệ.
Cụ bà Marie-Rose Tessier được cho là người già nhất ở Pháp, thọ 113 tuổi 11 tháng.
Theo Nhóm Nghiên cứu Lão khoa Mỹ, người già nhất thế giới là cụ bà Maria Branyas Morera, thọ 117 tuổi, sống ở Tây Ban Nha.
VTV