Số người Việt mắc tiểu đường đang tăng nhanh: 6 dấu hiệu dễ biết cảnh báo bạn đã mắc bệnh
Đái tháo đường (tiểu đường) là căn bệnh không còn gói gọn ở những nước phát triển, bệnh đã đã trở thành căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới.
- 03-08-201810 dấu hiệu lạ trên da "tố cáo" bệnh tiểu đường, ung thư, viêm gan và tuyến giáp
- 31-07-2018Người mắc bệnh tiểu đường nên sửa ngay 5 thói quen này để điều trị bệnh hiệu quả hơn
Vài năm trở lại đây, tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ở các quốc gia có thu nhập trung bình tăng lên rõ rệt, trong đó có Việt Nam.
Nước ta được liệt vào nước có số người mắc bệnh đái tháo đường tăng nhanh nhất. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người chưa có nhận thức đúng về căn bệnh được coi là "kẻ giết người thầm lặng" này.
Bệnh đái tháo đường là gì?
TS, BS. Lê Quang Toàn – Trưởng khoa Đái Tháo Đường, Bệnh viện Nội tiết Trung Ương cho biết: "Đái tháo đường là căn bệnh có thể không gây ra những cái chết nhanh chóng như những bệnh cấp tính khác, tuy nhiên, bệnh âm thầm tiến triển dẫn đến người bệnh không thể qua khỏi. Trên thế giới coi đái tháo đường là một trong 77 nguyên nhân dẫn đến tử vong .
Theo số liệu của Liên đoàn đái đường thế giới, cứ 7 giây lại có một người tử vong do đái tháo đường. Đái tháo đường có thể tăng nguy cơ tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… Tuổi thọ có thể giảm từ 6 – 10 năm so với người không mắc đái tháo đường".
Đây là một bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.
Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể người bệnh không chuyển hóa các chất bột đường từ thực thẩm ăn vào hằng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Do đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu.
Người mắc đái tháo đường đường huyết xuống đến 3,6 mmol/l
Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao qua thời gian làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây ra tổn thương ở các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Đái tháo đường type 1: Người mắc bệnh bị thiếu insulin do tuyến tụy không sản xuất insulin. Đái tháo đường type 1 hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người trẻ chiếm dưới 10% số người mắc bệnh.
Đái tháo đường type 2: Những người bị đái tháo đường type 2 bị đề kháng với insulin. Nghĩa là cơ thể vẫn có thể sản xuất insulin nhưng nó không thể chuyển hóa được glucose. Khoảng 90% đến 95% người bị đái tháo đường trên thế giới là típ 2.
Tại sao bị đái tháo đường?
Trong cơ thể, tuyến tụy chịu trách nhiệm tiết ra hóc-môn insulin - một loại chất giúp kiểm soát lượng đường glucose trong máu để tạo ra năng lượng hoạt động hàng ngày. Vì vậy, khi cơ thể thiếu insulin hoặc insulin không chuyển hóa được đường, đường sẽ bị tồn đọng lại trong máu, đường huyết sẽ tăng cao.
Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các yếu tố bao gồm di truyền và lối sống không cân bằng, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, chất béo và hàm lượng bột đường cao, thừa cân béo phì... là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đái tháo đường type 1.
Nếu cha mẹ bị đái tháo đường thì con của họ sẽ dễ bị bệnh hơn; hoặc lối sống bao gồm chế độ ăn và tập luyện không điều độ cũng dễ gây ra đái tháo đường. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đái tháo đường type 2 diễn ra ở người thừa cân cao hơn những người bình thường.
Ngoài ra, bác sĩ Lê Quang Toàn cũng không quên nhấn mạnh yếu tố chủ quan. Đó là, trong đời sống hằng ngày, như dinh dưỡng dư thừa dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì, con người ít vận động.
Đây là 2 yếu tố chính dẫn đến sinh hoạt không hiệu quả. Bình thường tuyến tụy tiết ra rất nhiều Insulin để bù lại tình trạng enzim kém hoạt động, trong trường hợp tuyến tụy kém, không bù đủ tiết insulin không vượt qua kháng sinh đó, khi đó đái tháo đường xuất hiện.
Dinh dưỡng dư thừa dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì, con người ít vận động
6 dấu hiệu dễ nhận biết bản thân mắc đái tháo đường
Được coi là căn bệnh ngày càng trẻ hóa, song không phải ai cũng nhận biết được triệu chứng của bệnh để can thiệp sớm. Một số người có thể bị đái tháo đường trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm mà không nhận ra mình bị bệnh vì những dấu hiệu có thể xuất hiện một cách không đáng kể.
Việc biết rõ một vài dấu hiệu nghi ngờ bệnh đái tháo đường là cần thiết để từ đó tiến hành gặp bác sĩ chẩn đoán bệnh sớm nhất có thể. Dưới đây là 6 dấu hiệu dễ nhận biết bản thân mắc đái tháo đường:
Liên tục khát nước: Do khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể sẽ tự động tách phần nước có trong các tế bào rồi bơm trực tiếp vào máu để pha loãng lượng đường bị dư. Các tế bào lúc này thiếu nước sẽ kích thích não gây nên cảm giác khát nước không ngừng nghỉ.
Đi tiểu nhiều lần trong ngày: Nếu số lần đi tiểu trong một ngày lớn hơn số 7, có thể bạn đã bị đái tháo đường. Nguyên nhân là do cơ thể con người muốn loại bỏ lượng đường dư thừa, thận hoạt động mạnh hơn nên sẽ đi tiểu nhiều hơn.
Sụt cân bất thường: Đái tháo đường khiến cơ thể không thể chuyển hóa năng lượng từ thức ăn, nó buộc phải lấy năng lượng từ mỡ và các cơ. Thiếu insulin dẫn tới giảm tổng hợp protein và mỡ, tăng quá trình tiêu protein, tiêu mỡ tất yếu sẽ dẫn đến sụt cân.
Đói và mệt mỏi: Khi cơ thể không thể hấp thu lượng đường cần thiết trong máu để giải phóng năng lượng do sự thiếu hụt insulin, đường sẽ bị tích trữ dư thừa trong máu và ra khỏi cơ thể. Nhu cầu nạp thức ăn để lấy thêm năng lượng của cơ thể sẽ tăng cao để bù lại phần năng lượng bị thiếu, dẫn đến cảm giác đói và mệt mỏi thường xuyên.
Dễ bị nhiễm trùng và nhiễm nấm: Lượng đường trong máu cao và hệ thống miễn dịch bị ức chế, làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể, dẫn đến dễ bị nhiễm trùng và nấm.
Thị lực yếu đi: Lượng đường trong máu cao sẽ phá hủy mao mạch ở đáy mắt dẫn tới xuất huyết, phù nề đặc biệt phù ở hoàng điểm sẽ làm giảm thị lực mặc dù trước đó người bệnh không bị các bệnh về mắt.
Bác sĩ Toàn nhấn mạnh, các triệu chứng khác như vết thương chậm lành hay chân tay bị tê hoặc ngứa rân rân như kiến bò cũng có thể là dấu hiệu mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, dù cơ thể bạn chưa có biểu hiện bất thường nào, bạn vẫn có thể bị bệnh đái tháo đường.
Một số người có thể bị đái tháo đường vài năm mà không nhận ra mình bị bệnh
Biến chứng đái tháo đường
Đái tháo đường có thể biến chứng cấp tính, xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn, rất dễ tử vong nếu không được xử trí hay cấp cứu kịp thời như hạ đường huyết, xảy ra khi đường huyết xuống đến 3,6 mmol/l.
- Tổn thương dây thần kinh: Đây là biến chứng phổ biến và thường xuất hiện ở người bệnh đái tháo đương bao gồm: Bệnh thần kinh ngoại biên (có cảm giác đau, nóng), bệnh thần kinh tự chủ (ảnh hưởng đến nhịp tim, tuyến tiết).
- Bệnh về mắt: Đường huyết tăng cao làm tổn thương hệ thống mao mạch ở đáy mắt gây ra bệnh võng mạc tiểu đường, dần dần người bệnh suy giảm thị lực, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến mù lòa. Đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ một số bệnh về mắt như đục thủy tinh thể như tăng nhãn áp, phù hoàng điểm.
- Tổn thương hệ tim mạch: Có trên 65% số ca tử vong ở người bệnh tiểu đường do tim mạch và đột quy, sự xuất hiện và tiến triển của các bệnh về tim mạch và hệ lụy khó tránh khỏi đối với bệnh nhân đái tháo đường, bao gồm: Dễ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tái biến mạch máu não gây di chứng liệt hoặc tử vong. ‘
- Suy giảm chức năng thận: Lượng đường trong máu cao gây tổn thương tới hàng triệu vi mạch, mạch máu nhỏ tại thận, làm suy giảm chức năng lọc, bài tiết của thận, nặng hơn là dẫn đến suy thận không thể hồi phục.
- Nguy cơ nhiễm trùng: Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, rất dễ bị nhiễm trùng như nhiễm trùng răng lợi, tiết niệu hay sinh dục, vết loét lâu liền… Tình trạng viêm nhiễm thường kéo dài, dai dẳng và khó điều trị.
Ngoài các biến chứng kể trên, khi đường huyết tăng cao còn có thể làm tổn thương đến nhiều bộ phận khác như cơ xương khớp, não bộ, suy giảm trí nhớ, các bệnh về da…
Làm thế nào để kiểm soát đái tháo đường hiệu quả?
Chuyên gia cho rằng, tuy bệnh đái tháo đường hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Nhưng người bệnh có thể kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường bằng cách tuân thủ điều trị bằng thuốc, áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ cùng tập luyện thể dục hợp lý, kết hợp theo dõi đường huyết thường xuyên.
Phát hiện sớm đái tháo đường giúp con người gia tăng cơ hội phòng ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện của các biến chứng đái tháo đường.
"Để kiểm soát tốt đường trong máu, người bệnh phải có chế độ chăm sóc hợp lý qua việc tuân thủ điều trị, sống lành mạnh và đặc biệt là chế độ dinh dưỡng cân bằng, đặc biệt là việc thăm khám định kỳ sẽ giúp phát hiện bệnh sớm" – Bs Toàn nói.
Trí thức trẻ