Số phận bi thảm của người di cư
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8-11 công bố kế hoạch giảm đáng kể khả năng xin tị nạn của người nhập cư.
- 27-11-2017Giấc mộng đổi đời tan vỡ và thảm cảnh người di cư sống kiếp nô lệ thời hiện đại
- 10-12-2015Malaysia bắt đầu đón người di cư Syria
- 05-12-2015Italy cứu hơn 1.500 người di cư ngoài khơi biển Libya
Theo quy định hiện hành, người di cư được phép xin tị nạn ở Mỹ bất kể họ nhập cư qua cửa khẩu biên giới hay vượt biên trái phép. Giờ đây, đề xuất trên sẽ cấm người nhập cư trái phép xin tị nạn.
Washington cho rằng bước đi cứng rắn trên là cần thiết để ngăn hàng ngàn di dân Trung Mỹ đang di chuyển về phía biên giới Mexico - Mỹ. Dù vậy, một số tổ chức gọi quy định trên là bất hợp pháp và đặt tính mạng hàng ngàn người vào cảnh nguy hiểm. Hầu hết người xin tị nạn muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo đói và đầy bạo lực ở quê nhà.
Thi thể một người di cư nằm tại bãi biển trên đảo Lesbos - Hy Lạp hồi năm 2015 Ảnh: AP
Tranh cãi về vấn đề nhập cư ở Mỹ diễn ra giữa lúc số lượng di dân đang tăng khắp thế giới, kéo theo sự gia tăng của những số phận kém may mắn. Theo thống kê mới nhất của hãng tin AP vào đầu tháng 11, hơn 56.800 người thiệt mạng hoặc mất tích trong hành trình gian khổ này trên thế giới kể từ năm 2014. Con số trên được cho là cao gấp đôi số liệu được Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) của Liên Hiệp Quốc đưa ra (hơn 28.500 người tính đến ngày 1-10). AP cho biết con số 28.300 nạn nhân tăng thêm đến từ số liệu của các tổ chức quốc tế khác, hồ sơ pháp y, báo cáo về người mất tích và dữ liệu từ hàng ngàn cuộc phỏng vấn người di cư.
Đáng chú ý là con số bổ sung vẫn chưa phản ánh đầy đủ thực tế bi thảm của người di cư. Chẳng hạn, có không ít thi thể nạn nhân bị chôn vùi dưới cát sa mạc hoặc nằm dưới đáy đại dương. Ngoài ra, có những gia đình không trình báo người thân mất tích bởi họ di cư trái phép hoặc rời nhà mà không nói đi đâu. Trong khi đó, nỗ lực thống kê số người di cư thiệt mạng của Liên Hiệp Quốc gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí do xu hướng chống người nhập cư trỗi dậy ở nhiều nơi, bao gồm ở Mỹ và châu Âu.
Người Lao động