Số phận các Công chúa Nhật từ bỏ tước hiệu vì tình yêu: Người hạnh phúc viên mãn, người ngậm ngùi tủi hổ nhưng chẳng còn đường trở về
Trước Mako, đã có 6 Công chúa Nhật Bản cùng lựa chọn trở thành thường dân để kết hôn, nhưng số phận mỗi người lại mỗi khác.
- 18-10-2021Công chúa Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ hoàng gia cuối trước khi trở thành thường dân, phò mã ra mắt bố mẹ vợ trong diện mạo mới
- 02-05-2021Công chúa Charlotte lớn phổng phao, rạng rỡ trong bức ảnh mừng sinh nhật 6 tuổi, được nhận xét là "bản sao" y đúc bố
- 19-04-2021Hôn phu của Công chúa Nhật Bản bị dân chúng ví như “Meghan Markle nước Nhật”, vì sao “chàng trai vàng” một thời lại bị phản đối đến vậy?
Ngày 26/10, Công chúa Mako, cháu nội lớn nhất của Thượng hoàng Akihito đã lên xe hoa về nhà chồng trong một đám cưới chưa từng có tiền lệ: không của hồi môn, không tiệc mừng và không được dân chúng đồng tình. Với loạt scandal liên miên suốt 4 năm, Kei Komuro bị dư luận nhận xét là một phò mã không tương xứng và nhiều người tỏ ý nghi ngại về tương lai của cặp đôi.
Theo quy định, mọi thành viên nữ hoàng gia Nhật sẽ phải từ bỏ tước hiệu, trở thành dân thường sau khi kết hôn với thường dân và không còn đặc quyền gì. Tuy nhiên, với bối cảnh giới quý tộc, hoàng gia đã bị cắt bỏ trong thời hiện đại thì gần như mọi nàng công chúa đều không có lựa chọn nào khác. Kể từ thời hậu chiến, mọi công chúa kết hôn đều chọn đối tượng là dân thường. Trừ Mako, họ đều được nhận khoản tiền hồi môn tối thiểu 1 triệu USD tùy tước vị để "giữ gìn phẩm giá" khi trở thành người thường. Thế nhưng không phải nàng công chúa nào cũng có câu chuyện cổ tích của mình và sống bình yên mãi về sau.
Trước Mako, đã có 6 Công chúa Nhật Bản khác bỏ tước hiệu để cưới thường dân
Từ công chúa cao quý trở thành bà nội trợ
Những vị phò mã hoàng gia Nhật dù là thường dân nhưng đều có địa vị xã hội nhất định. Năm 2005, Công chúa Sayako - em gái Nhật hoàng đương nhiệm Naruhito đã kết hôn với Kuroda Yoshiki, một viên chức thành phố. Ông cũng là bạn học lâu năm của Thân vương Akishino - anh trai công chúa. Năm 2014, Công chúa Noriko chọn nên duyên với giáo sĩ Kunimaro Senge hơn cô 15 tuổi. Ông hiện là người đứng đầu ngôi đền Izumo Taisha nổi tiếng tại Tokyo - một vị trí được người dân vô cùng trọng vọng. Hay như Công chúa Ayako, người kết hôn gần đây nhất năm 2018 thì gả cho một doanh nhân thành đạt tên Kei Moriya.
Công chúa Ayako với người chồng doanh nhân
Cuộc sống của các cựu công chúa kể trên đều được cho là sung túc, thoải mái dù không còn ở trong cung điện. Thế nhưng họ vẫn phải thay đổi lối sống để có thể lui về sau làm một bà nội trợ như bao người. Công chúa Sayako phải đi học thi lấy bằng lái xe, học cách tự đi siêu thị trước khi về nhà chồng. Hiện nay, bà thường xuyên được người dân địa phương bắt gặp đi chợ hằng ngày với hình ảnh hoàn toàn khác biệt với ngày xưa.
Theo chia sẻ của các công chúa, dù mang danh nghĩa rời hoàng tộc nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến mối liên hệ của họ với gia đình mình. Trong một cuộc phỏng vấn, Công chúa Noriko cho biết cô thường xuyên về Tokyo thăm mẹ dù sinh sống ở tỉnh thành khác. Họ cũng được mời đến tham dự nhiều sự kiện của gia đình, chỉ không xuất hiện trước truyền thông nữa mà thôi.
Ngay cả khi không mang tước hiệu, các thành viên nữ hoàng gia cũng có thể đảm nhận các vị trí mang tính chất truyền thống. Công chúa Sayako hiện đang là Trưởng nữ tư tế Thần cung Ise, thay thế cho người cô ruột của mình cũng từng là cựu công chúa đi lấy thường dân. Công chúa Noriko thì cùng chồng quản lý ngôi đền thờ Izumo - một điểm tham quan và có giá trị tâm linh quan trọng tại xứ sở hoa anh đào.
Công chúa Noriko và chồng trong họp báo tuyên bố đính hôn
Những nàng công chúa không có câu chuyện cổ tích
Lịch sử đã chứng minh không phải bất kỳ cựu công chúa nào cũng trải qua cuộc đời êm đềm và câu chuyện lãng mạn "bỏ tước hiệu vì tình yêu" không chắc chắn tạo ra cái kết viên mãn. Tiêu biểu trong số đó chính là Công chúa Sayako - người mang tước hiệu cao nhất khi là con gái của Nhật hoàng ở thời điểm đi lấy chồng.
Suốt nhiều năm qua, truyền thông Nhật Bản đưa tin đồn rằng Công chúa và chồng Kuroda Yoshiki đã sống ly thân và hôn nhân có trục trặc, mâu thuẫn. Cặp đôi cũng không có con dù đã kết hôn 16 năm. Thậm chí còn có nguồn tin cho biết nguyên nhân cuộc hôn nhân không hạnh phúc là do phò mã đã ngoại tình. Tuy nhiên, vì công chúa đã trở thành người thường nên những tin tức này không bao giờ được xác nhận. Và theo các chuyên gia hoàng gia nhận định, dù có hạnh phúc hay không, ly hôn dường như là việc chưa bao giờ có trong từ điển vì lựa chọn đó ảnh hưởng quá lớn đến danh dự của hoàng tộc. Kể cả không hạnh phúc, các công chúa vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn sống kín tiếng và âm thầm chịu đựng.
Cuộc hôn nhân không con cái của Công chúa Sayako dính nhiều tin đồn đổ vỡ
Một trường hợp khiến công chúng xót xa khác là Công chúa Atsuko - cô ruột của Sayako, em gái Thượng hoàng Akihito. Năm 1952, bà khiến dân chúng ngỡ ngàng khi chịu từ bỏ tất cả về vùng nông thôn hẻo lánh để kết hôn với Takamasa Ikeda, trưởng tộc thứ 16 của một gia đình quý tộc cũ nhưng đã lụi tàn. Việc Công chúa "vàng ngọc" của Thiên hoàng về quê làm nông dân là một chủ đề nóng vào thời điểm đó.
Thế nhưng lựa chọn làm nông dân của cựu công chúa không hề suôn sẻ. Bà phải quán xuyến trang trại của gia đình chồng trong muôn vàn khó khăn. Hằng năm, công chúa đều phải tự bỏ tài sản riêng, trong đó có của hồi môn của mình để bù đắp cho các khoản thâm hụt và làm trụ cột nuôi gia đình chồng. Đến khi chồng qua đời, bà lại lựa chọn trở về làm Trưởng nữ tư tế Thần cung Ise theo truyền thống hoàng gia sau hàng chục năm vất vả làm nông dân.
Công chúa Mako sẽ phải đối mặt với một tương lai còn khác biệt và khó khăn hơn những thành viên nữ trước đó trong gia đình mình. Cô đã từ chối khoản tiền hồi môn để xây dựng cuộc sống ban đầu và cũng là người đầu tiên rời quê hương sang định cư ở Mỹ. Thêm vào đó, căn bệnh Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) do áp lực quá lớn từ dư luận càng khiến mọi người lo lắng cho tương lai bất định của Mako hơn.
Nguồn: Bunshun, JPrime
Doanh nghiệp và tiếp thị