MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số phận của công ty Trung Quốc từng dính lệnh cấm của Mỹ như Huawei

21-05-2019 - 15:14 PM | Tài chính quốc tế

Huawei nằm trong danh sách “đen” của Mỹ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh. Trong quá khứ, từng có một công ty Trung Quốc dính phải lệnh cấm như vậy.

Google được cho là đã rút giấy phép Android của Huawei, nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách “đen” thương mại. Quyết định của Google có thể gây ảnh hưởng lớn đến bộ phận di động Huawei. Nếu không được tiếp cận Google Play Store và các dịch vụ độc quyền như YouTube, Gmail, tìm kiếm, smartphone Huawei tương lai không thể gọi là “thông minh” đối với người dùng.

Tuy nhiên, Huawei không phải công ty công nghệ Trung Quốc đầu tiên bị cho vào danh sách “Entity List” của Mỹ. Tháng 5/2018, chính quyền Tổng thống Trump đã cấm bán linh kiện Mỹ cho ZTE, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc với doanh thu 17 tỷ USD năm 2017.

Lệnh cấm là kết quả của cuộc điều tra vào hoạt động bán hàng của ZTE vào Triều Tiên và Iran mà Mỹ cho là vi phạm lệnh trừng phạt. ZTE dựa vào đối tác Mỹ với một số linh kiện nhất định, do đó lệnh cấm về cơ bản làm đóng băng hoạt động của ZTE và dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy. Công ty nói lệnh cấm đã đe dọa tới sự tồn tại của mình.

Sau hàng loạt cuộc đàm phán căng thẳng các tháng tiếp đó, chính quyền Tổng thống Trump đã đạt được thỏa thuận với ZTE để dỡ bỏ lệnh cấm. Đổi lại, ZTE phải nộp phạt 1 tỷ USD và ký quỹ 400 triệu USD đề phòng vi phạm lần nữa. ZTE cũng bị buộc phải thay đổi ban giám đốc, cho phép một nhóm từ Mỹ giám sát các hoạt động.

Dù vậy, Thượng viện Mỹ bác bỏ thỏa thuận của ông Trump với ZTE trong việc dỡ bỏ lệnh cấm và quyết định cấm bán smartphone ZTE tại Mỹ. Sau cùng, một thỏa hiệp mới chỉ cấm ZTE ký hợp đồng nhà thầu chính phủ.

Năm 2018, ZTE ghi nhận doanh thu 12,7 tỷ USD, giảm 4 tỷ USD so với năm 2017. Vết thương của ZTE còn tiếp diễn đến năm 2019. Một cuộc điều tra liên bang nhằm xác định ZTE có phải nguy cơ an ninh hay không đang được tiến hành. Tháng 4/2019, Đại học công nghệ MIT tham gia cùng các trường đại học hàng đầu khác cắt đứt hợp tác với ZTE và Huawei.

Về phía Huawei, nhà sáng lập kiêm CEO Nhậm Chính Phi trả lời báo chí Nhật Bản rằng lệnh trừng phạt của Mỹ có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng nhưng không đáng kể. Ông khẳng định "sẽ không thay đổi quản trị theo yêu cầu của Mỹ hay chấp nhận giám sát như ZTE đã làm".

Theo Du Lam

ICTnews

Trở lên trên