MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số phận của những người 'thừa học vấn' ở Hàn Quốc: Sau đại học còn vượt qua hàng chục kỳ thi, 30 tuổi mới đi xin việc và thất bại cay đắng

16-11-2019 - 12:32 PM | Sống

Không ít người trẻ xứ kim chi băn khoăn về giá trị thật sự của các kỳ thi, khi cuộc đời đâu phải là những câu hỏi trắc nghiệm với đáp án bày sẵn. Biết là thế, nhưng họ vẫn đâm đầu vào học hành, thi cử theo hàng triệu bạn bè đồng trang lứa. Đó chính là một bi kịch thật sự.

Suneung - kỳ thi đại học hàng năm là một áp lực lớn không chỉ với nửa triệu thí sinh mà còn đè nặng lên toàn bộ Hàn Quốc. Ngày 14/11, lúc kì thi diễn ra, các hoạt động tài chính ngân hàng đã hoãn lại 1 giờ so với thường lệ, trong khi xe buýt và tàu điện ngầm tăng chuyến để phục vụ cho cuộc chạy đua nước rút của thí sinh. 

Số phận của những người thừa học vấn ở Hàn Quốc: Sau đại học còn vượt qua hàng chục kỳ thi, 30 tuổi mới đi xin việc và thất bại cay đắng - Ảnh 1.

Suneung - kỳ thi đại học được chuẩn bị từ năm 13 tuổi.

Học sinh Hàn Quốc thường lao vào khổ luyện từ lúc mới 13-14 tuổi. Mười sáu giờ 1 ngày, các em dành thời gian cho việc học chính rồi lại đến các lớp học thêm. Rất nhiều người trẻ muốn được chạm tay lên "bầu trời" SKY - viết tắt của 3 trường đại học hàng đầu xứ kim chi là ĐH Quốc gia Seoul, ĐH Hàn Quốc và ĐH Yonsei. 

Tuy nhiên 16 tiếng mỗi ngày vẫn chưa đủ để đảm bảo tấm vé vào SKY. Thực tế cho thấy, chỉ 2% thí sinh lọt vào trường danh giá nhất; 70% khác vẫn tiếp tục bước chân vào trường đại học - cao đẳng. Và rồi các tân sinh viên lại lao vào một cuộc chiến để đạt tới vị trí mình mong muốn, với đối thủ là những bạn đồng môn và kỳ thi là nơi phân định thắng thua, khốc liệt như chiến trường

Một xã hội thừa học vấn và thi cử

Lee Jin-hyeong, cũng như hàng triệu bạn trẻ cùng trang lứa, vẫn miệt mài con đường học vấn sau cấp III. Năm 35 tuổi, Lee tốt nghiệp ngành khoa học máy tính và lại lao vào học luyện thi để chuẩn bị cho kỳ thi công chức, hi vọng gia nhập đội ngũ cảnh sát. Trước đó, anh chưa hề làm việc toàn thời gian.

Ở Hàn Quốc, nhiều lĩnh vực công chức nhà nước, thiết kế, báo chí… yêu cầu phải có kỳ thi đầu vào. Đó là chưa kể tới các bài thi "ác mộng" để bước chân vào nhóm tập đoàn tài phiệt hàng đầu như Samsung, LG hay Hyundai.

Số phận của những người thừa học vấn ở Hàn Quốc: Sau đại học còn vượt qua hàng chục kỳ thi, 30 tuổi mới đi xin việc và thất bại cay đắng - Ảnh 2.

Hàn Quốc là 1 xã hội phân tầng rõ rệt. Muốn có tiền bạc, địa vị, được tôn trọng; nhất định phải có bằng cấp cao, bước chân vào công ty danh giá.

Suốt 29 năm nay, Minji Kim (tên nhân vật đã thay đổi) miệt mài vượt qua khoảng 50 bài thi "quyết định số phận", bao gồm thi đại học, thi bằng cấp đặc biệt và thi ứng tuyển vào tòa soạn.

"Vào tháng 8/2015, tôi thi đầu vào trong ngành báo. Tôi nộp đơn ứng tuyển, viết bài luận và làm kiểm tra kiến thức về xã hội, kinh tế, chính trị và tiếng Trung. Thậm chí có cả bài kiểm tra ‘uống rượu’ - bạn sẽ nâng ly với phía nhà tuyển dụng và được chấm điểm cách ứng xử" - Kim nói.

Cô cho biết, những bài kiểm tra có thể tốn từ vài ngày đến vài tuần và khiến người ta xáo trộn mọi sinh hoạt hàng ngày. "Vài người bạn của tôi ở nơi khác phải đến Seoul trước 1 ngày, ngủ lại khách sạn chỉ để tham dự kì thi. Nhiều người thi trượt và đến cuối tuần họ lại lên Seoul tìm kiếm cơ hội. Việc này rất tốt kém nhưng dĩ nhiên, các công ty không trả chi phí nào".

Đối với những công việc yêu cầu chuyên môn cao, người Hàn còn phải thi các bài kiểm tra thăng chức, lên lương hoặc bổ sung chứng chỉ. Hàn Quốc đã trở nên vô cùng ưa chuộng các bài kiểm tra được chuẩn hóa, lấy nó làm thước đo năng lực và phẩm chất của cá nhân - theo nhận định của giáo sư Shin Gi-wook, chuyên về xã hội và Hàn Quốc học tại ĐH Stanford.

Số phận của những người thừa học vấn ở Hàn Quốc: Sau đại học còn vượt qua hàng chục kỳ thi, 30 tuổi mới đi xin việc và thất bại cay đắng - Ảnh 3.

2/3 người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 đến 34 có bằng cấp cao đẳng trở lên - tỷ lệ cao hàng đầu thế giới nhưng sự đánh đổi cũng không đơn giản!

"Người Hàn hướng tới sự thống nhất, quy củ và cảm thấy thoải mái khi tất cả mọi người đều được đánh giá dựa trên khung tiêu chuẩn chung; rất ít khi nào diễn ra tranh biện hay ý kiến chủ quan" - giáo sư Shin cho biết. "Vai trò của các bài kiểm tra trong xã hội Hàn Quốc, là số điểm sẽ cộng thêm độ xác tín cho năng lực của mỗi cá nhân. Nó dường như trở thành cách thức dễ dàng và đơn giản nhất để đảm bảo tương lai trong 1 xã hội phân tầng rõ rệt".

2/3 người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 đến 34 có bằng cấp cao đẳng trở lên, đây là tỷ lệ cao nhất trong các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Nó dẫn đến tình trạng gọi là "over-educated" (thừa học vấn) - quá nhiều người sở hữu bằng cấp cao nhưng không có việc làm, trong khi nhiều công việc lao động chân tay lại thiếu nguồn nhân lực.

Khi những kỳ thi rút cạn ý chí và ném người trẻ vào "địa ngục Joseon" 

Xã hội Hàn có học vấn cực kỳ cao, nhưng cái giá phải trả là đa phần người trẻ chọn cách tạm hoãn các hoạt động xã hội, hẹn hò, kết hôn, và cả những nghĩa vụ của người trưởng thành… cho đến khi nào họ tìm được công việc đầu tiên! Thật đáng buồn, quá trình này có thể tốn đến 1 thập kỉ và nó dẫn tới chuỗi tình huống ngặt nghèo kế tiếp.

Số phận của những người thừa học vấn ở Hàn Quốc: Sau đại học còn vượt qua hàng chục kỳ thi, 30 tuổi mới đi xin việc và thất bại cay đắng - Ảnh 4.

Nhiều người Hàn đắm chìm trong những kì thi, đến lúc cần đến 1 phương án khác cho cuộc đời thì chẳng còn kịp nữa

"Xã hội Hàn Quốc rất coi trọng tuổi tác và nhiều công ty giới hạn độ tuổi của ứng viên" - giáo sư Shin nói. "Những ai đã thất bại trong việc chứng minh giá trị của mình ở độ tuổi 20-30 sẽ trải qua khoảng thời gian còn kinh khủng hơn trong các năm về sau".

Lee Jin-hyeong hoàn toàn đồng ý với nhận định này, bản thân anh đã thi trượt công chức 4 lần. "Rất nhiều người từ 20 đến 30 tuổi cũng đến thư viện hàng ngày như tôi, ôn luyện cho kì thi vào chính phủ, sở cảnh sát, cứu hỏa… Tôi dám nói 80% trong số họ thất bại. Từng năm tháng trôi đi, chúng tôi càng ôn luyện thì áp lực càng tăng thêm gấp bội" - anh nói.

Nhiều người trẻ nói rằng họ sống trong "địa ngục Joseon" - mô tả về xã hội thiếu tính uyển chuyển, thiếu cơ hội việc làm, khiến người ta mất đi niềm hi vọng vào cuộc sống.

Nửa đầu năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc độ tuổi 15-29 đã tăng lên mức 11,9% - cao kỷ lục kể từ năm 2015. Điều này khiến một câu hỏi khó được đào xới lần nữa: Liệu văn hóa "cuồng" thi cử có thật sự cần thiết hay không?

Giáo sư Shin Gi-wook cho rằng các kì thi khiến người trẻ đánh mất sự chuẩn bị cần thiết để bước vào cuộc đời bên ngoài sách vở. Ông nói: "Rất nhiều bạn trẻ dành 25-30 năm đầu tiên để rèn luyện cho các bài kiểm tra. Nhưng đến khi họ khỏi chiếc kén của mình, họ sẽ nhận thấy rằng cuộc đời không phải là một bài thi trắc nghiệm và cũng không có câu trả lời ngắn gọn nào cho mỗi vấn đề. Điều đó khiến họ vừa thoát khỏi sự nghiệp học tập thì đã rơi vào khủng hoảng tuổi trung niên. Thế hệ thanh niên sẽ bị hủy hoại cả về vật chất lẫn tinh thần, nếu cứ làm hết bài thi này đến bài thi khác".

Theo Jayden

Helino

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM