Số phận long đong của những dự án trụ sở ngân hàng
VietinBank mới thông tin ngân hàng vẫn đang tích cực chuyển nhượng trụ sở tại khu đô thị Ciputra. Thực tế, trên thị trường, không chỉ VietinBank Tower, một số trụ sở ngân hàng khác cũng có số phận khá long đong.
VietinBank tích cực bán dự án trụ sở 10.000 tỷ
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) thông tin về việc thực hiện tái cơ cấu dự án toà nhà trụ sở chính VietinBank (VietinBank Tower) tại Khu đô thị Ciputra.
Theo thông tin công bố, VietinBank ưu tiên và đang thực hiện theo phương án chuyển nhượng toàn bộ tài sản dự án. Ngân hàng sẽ thuê mua lại tháp 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Hết thời hạn thuê, ngân hàng sẽ mua lại tài sản với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể.
VietinBank Tower được xây dựng trên diện tích khu đất gần 30.000 m2 gồm 2 tòa tháp 48 và 68 tầng nằm tại Khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Theo kế hoạch, dự án có tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng.
Ảnh phối cảnh Vietinbank Tower.
Được khởi công từ 2010 nhưng đến nay dự án mới được hoàn thiện phần móng, khối đế và một số tầng của của hai tòa tháp. Sau khi lỡ hẹn vào năm 2014, dự án được dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 nhưng khó khăn về vốn đầu tư đã khiến VietinBank quyết định tái cấu trúc dự án.
Dự án trụ sở mới của SHB chờ cấp phép xây dựng
Theo kế hoạch của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), ngân hàng này sẽ xây dựng trụ sở làm việc mới tại mảnh đất số 31-33-35 Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên, theo lời ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB - tại phiên họp ĐHCĐ thường niên năm 2017, sở dĩ SHB chưa xây trụ sở được là do yếu tố khách quan do trung tâm thành phố khống chế chiều cao. Nếu vượt thẩm quyền của TP thì phải xin ý kiến của Thủ tướng. Nếu chỉ xây 8 tầng tại khu "đất vàng" là rất lãng phí. Thành phố đang báo cáo với Thủ tướng xây dự kiến 14-15 tầng.
Đến đầu năm 2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề xuất điều chỉnh quy hoạch 2 khu đất “vàng” trên tuyến phố Lý Thường Kiệt để triển khai 2 dự án trụ sở văn phòng cao tầng, trong đó có dự án trụ sở của SHB.
Khu đất dự kiến xây trụ sở mới của SHB. Ảnh: Lâm Tùng.
Cụ thể, trong báo cáo gửi Thủ tướng đầu năm, TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh quy hoạch 2 dự án theo hướng tăng chiều cao so với quy định. Tại khu đất dự kiến xây trụ sở văn phòng của SHB, Hà Nội đề xuất cho xây cao 45m, quy mô 14 tầng + 1 tum.
Hiện khu đất 2.000 m2 vẫn được quây kín, chờ quyết định.
NCB bán trụ sở cũ trung tâm TP HCM
Cuối năm 2018, ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB) đã thông qua phương án bán tài sản tại số 3-3A-3B-5 Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM.
Tài sản dự kiến chuyển nhượng bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 3-3A-3B-5 đường Sương Nguyệt Ánh với tổng diện tích 914,3 m2. Tại thời điểm này, khu đất là nơi tọa lạc của tòa cao ốc văn phòng từng là trụ sở cũ của NCB với trên 7.100 m2 diện tích mặt sàn.
Theo NCB, đơn vị này sẽ tổ chức chào bán cạnh tranh với giá tối thiểu bằng 665 tỷ đồng. Mục đích của việc bán trụ sở được cho là cơ cấu lại danh mục tài sản, thu hồi vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh khác có hiệu quả hơn của ngân hàng này.
Trước khi đưa ra phương án chuyển nhượng, khu đất 3-3A-3B-5 Sương Nguyệt Ánh đã từng là trụ sở của NCB (khi đó vẫn đang lấy tên là Ngân hàng TMCP Nam Việt - Navibank) dưới thời nắm quyền chi phối của nhóm cổ đông có liên quan đến ông Đặng Thành Tâm.
Trụ sở cũ của NCB hiện là khách sạn Fusion Suites, nằm ở trung tâm quận 1, TP HCM. Ảnh: Kinh Tế & Tiêu Dùng.
Năm 2011, Navibank bị buộc phải tái cơ cấu do là một trong 9 ngân hàng yếu kém, nhóm cổ đông cũ của ông Đặng Thành Tâm đã rút lui nhường chỗ cho nhóm cổ đông mới.
Sau khi nhà băng này đổi chủ, Navibank được đổi tên thành NCB và chuyển trụ tới địa chỉ số 28C-28D Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Từ đó, khu đất tại số 3-3A-3B-5 Sương Nguyệt Ánh đã được phát triển thành khách sạn 4 sao.
Người đồng hành