Số phận TikTok treo lơ lửng
Giám đốc điều hành (CEO) Shou Zi Chew của TikTok phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 23-3 trong bối cảnh Washington gây áp lực buộc ByteDance (công ty mẹ) bán lại ứng dụng này cho công ty Mỹ.
- 22-03-2023'Kẻ thua cuộc', 'Facebook sắp hết thời' chỉ là nhận định sáo rỗng: Mark Zuckerberg vẫn nắm trong tay vũ khí siêu lợi hại, vài năm nữa TikTok cũng chưa chắc đuổi kịp
- 20-03-2023Mỹ muốn TikTok ‘bay màu’ nhưng quên rằng người dân đang mê mệt 1 thứ cũng của Bytedance: Mỗi tháng có 200 triệu lượt tải, nhiều sức hút hơn cả TikTok
- 19-03-2023TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ
Báo The Straits Times (Singapore) cho biết trong phiên điều trần trên, ông Chew bị đặt câu hỏi về khả năng TikTok gây hại cho trẻ em thông qua các bài đăng nguy hiểm và khả năng gây nghiện của ứng dụng này.
Các nghị sĩ Mỹ cũng chất vấn ông Chew rằng liệu TikTok có cung cấp dữ liệu của khoảng 150 triệu người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc hay không do ByteDance đặt trụ sở tại đại lục. Đáp lại, ông Chew lưu ý "TikTok không hoạt động ở Trung Quốc mà đặt trụ sở chính tại TP Los Angeles - Mỹ và Singapore".
Giới chức chính phủ và nghị sĩ Mỹ nhiều lần bày tỏ lo ngại ByteDance chuyển dữ liệu người dùng cho Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi bán ứng dụng này cho công ty Mỹ, nếu không, cần xóa nó khỏi kho ứng dụng trực tuyến.
Tuy nhiên, ông Chew khẳng định TikTok không chia sẻ dữ liệu hay có bất kỳ mối liên hệ nào với Bắc Kinh và cho biết họ "thu thập lượng dữ liệu tương tự các mạng xã hội phổ biến như Facebook hoặc Twitter".
CEO người Singapore nhấn mạnh nền tảng này "đã làm mọi thứ để bảo đảm sự an toàn của người dùng Mỹ". Bằng chứng là hơn 2 năm qua, Tiktok đã xây dựng "tường lửa" giúp người dùng Mỹ không bị nước ngoài truy cập dữ liệu của họ.
CEO Shou Zi Chew của TikTok ra điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 23-3 Ảnh: REUTERS
Lý do chính khiến ông Chew điều trần trong 4 giờ rưỡi trước Quốc hội Mỹ ngày 23-3 đó là ngăn chặn nguy cơ TikTok bị Washington "cấm cửa" hoặc phải bán mình cho công ty Mỹ.
Theo Reuters, một số nhà quảng cáo đã yêu cầu nền tảng này bảo đảm dữ liệu của họ. Ít nhất một công ty trong số đó vừa thảo luận với đại diện của TikTok nhằm tìm hiểu thêm về cơ chế bảo mật dữ liệu.
Reuters nhận định phiên điều trần của ông Chew vẫn chưa làm hài lòng Washington. Các nghị sĩ Mỹ cho rằng ông Chew lảng tránh câu hỏi và trả lời mơ hồ. Trường hợp của ông Chew gợi nhớ đến phiên điều trần của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg của Facebook - mạng xã hội phổ biến thế giới - hồi năm 2018.
Ông Zuckerberg bị các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ Mỹ chất vấn về bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư của người dùng, kiểm duyệt thông tin, lọc nội dung xấu, cách đối phó với quảng cáo liên quan tới hàng lậu, chất cấm...
Việc không bước qua được trở ngại Quốc hội Mỹ dự kiến khiến TikTok gặp thêm khó khăn trong thời gian tới. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác đã cấm TikTok vì lo ngại ứng dụng này đe dọa an ninh quốc gia.
Trong số đó bao gồm Ấn Độ (cấm TikTok giữa năm 2020); Anh, Bỉ và New Zealand (cấm ứng dụng TikTok cài trên thiết bị của chính phủ từ tháng 3 năm nay); lãnh thổ Đài Loan - Trung Quốc (cấm sử dụng TikTok trong lĩnh vực công vào tháng 12-2022)...
Một số chuyên gia chính trị dự báo lệnh cấm TikTok có thể gây thiệt hại cho các đảng viên Dân chủ của Mỹ sau khi họ sử dụng nền tảng này để tiếp cận những cử tri trẻ tuổi. Ngày 22-3, 3 đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đã cùng với các nhà sáng tạo nội dung TikTok tới Điện Capitol để phản đối lệnh cấm của Washington. Ước tính có khoảng 150 triệu cử tri tiềm năng Mỹ, nhiều người là giới trẻ, ưa thích app TikTok.
Trong một nỗ lực vận động hành lang cho TikTok, Công ty ByteDance vừa đưa hơn 30 ngôi sao TikTok đến Washington. Nhóm này ăn tối với ông Chew hôm 21-3 và chia sẻ trải nghiệm của bản thân khi sử dụng TikTok theo hướng có lợi cho nền tảng này.
Người Lao động