So sánh khả năng sinh lời giữa Vinhomes và Novaland của 2 tỷ phú bất động sản giàu nhất Việt Nam
Hai chiến lược kinh doanh khác nhau giữa 2 ông lớn này được phản ánh ra sao trên kết quả kinh doanh qua các năm?
- 18-05-2022Vinhomes IZ tăng vốn điều lệ lên 18.500 tỷ đồng
- 16-05-2022Chân dung ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT VinHomes
Trên thị trường bất động sản Việt Nam, Vinhomes và Novaland có thể được xem là hai doanh nghiệp dẫn dắt. Đây cũng là 2 công ty bất động sản đang niêm yết sở hữu giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán.
Chiến lược kinh doanh của Vinhomes là phát triển các siêu dự án quy mô hàng nghìn héc-ta sau thành công của những đại đô thị như Times City, Vinhomes Ocean Park. Trong khi đó, Novaland chủ động và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo tình hình thị trường, đưa ra các dòng sản phẩm phân khúc trung và cao cấp với gói tài chính phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng. Nhà sáng lập 2 doanh nghiệp này là 2 tỷ phú bất động sản giàu nhất Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng và ông Bùi Thành Nhơn.
Hai chiến lược kinh doanh khác nhau giữa 2 ông lớn này được phản ánh ra sao trên kết quả kinh doanh qua các năm? Chúng ta hãy thử đặt Vinhomes và Novaland lên bàn cân so sánh về khả năng sinh lời cơ bản như Biên lợi nhuận.
Biên lợi nhuận gộp
Biên lợi nhuận gộp là cấp độ đầu tiên và quan trọng đánh giá khả năng sinh lợi của một doanh nghiệp. Chỉ tiêu này cho biết với mỗi đồng doanh thu tạo ra thì doanh nghiệp thu về được bao nhiêu đồng lợi nhuận gộp, sau khi trừ đi giá vốn hàng bán.
Biên lợi nhuận gộp càng cao thì doanh nghiệp làm ăn càng có lãi và hiệu quả. Nhưng cũng không có nghĩa biên lợi nhuận gộp thấp thì doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Do đó, để đánh giá được chỉ tiêu này bao nhiêu là tốt chúng ta cần phải đặt trong bối cảnh riêng của mỗi doanh nghiệp và mỗi ngành.
Nhìn chung, các doanh nghiệp đều có xu hướng duy trì biên lợi nhuận gộp ổn định qua các thời kỳ. Một doanh nghiệp có chỉ số này tăng qua các thời kỳ là tín hiệu tích cực.
Xét trong giai đoạn từ năm 2013-2021, biên lợi nhuận gộp của Vinhomes và Novaland đều đã tăng gấp đôi. Chỉ số này của Vinhomes tăng từ mức 26% lên 57%, Novaland tăng từ 20% lên 41%. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của Vinhomes biến động cao hơn, trong khi Novaland khá ổn định và xu hướng đi lên đều đặn.
Có một quy luật chung (và cũng có ngoại lệ) là các công ty có tỷ suất lợi nhuận gộp là 40% hoặc cao hơn có xu hướng là những công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững. Các công ty có tỷ suất thấp hơn 40% thường thuộc ngành có tính cạnh tranh cao. Chỉ số này thấp hơn hoặc bằng 20% cho thấy ngành có sự cạnh tranh gay gắt, khi không công ty nào có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững hơn các đối thủ.
Trung vị biên lợi nhuận gộp của Vinhomes và Novaland lần lượt ở mức 34% và 28% cũng cho thấy ngành bất động sản có mức độ cạnh tranh cao tuy nhiên không đến mức gay gắt.
Mức độ biến động cũng cho phản ánh tính chu kỳ của ngành bất động sản. Ví dụ năm 2018 và 2020 khi thị trường bất động sản gặp khó khăn thì biên lợi nhuận gộp của Vinhomes cũng sụt giảm.
Biên lợi nhuận hoạt động
Biên lợi nhuận hoạt động (Operating margin) là chỉ tiêu tài chính cho biết doanh nghiệp thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận hoạt động, sau khi đã trừ hết tất cả chi phí phục vụ hoạt động sản xuất. Chỉ số này cho ta thấy cái nhìn bao quát hơn khi đề cập tới cả các chi phí để vận hành doanh nghiệp như chi phí bán hàng, chi phí quản lý chung,…
Biên lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp cao và tăng trưởng trong dài hạn sẽ cho chúng ta một tín hiệu rất tích cực. Khi không chỉ giá vốn hàng bán, mà các chi phí vận hành doanh nghiệp cũng đang được kiểm soát tốt.
Chỉ tiêu này có sự khác biệt đáng kể giữa Vinhomes và Novaland. Xét trong giai đoạn từ 2018-2021, biên lợi nhuận gộp của Vinhomes luôn duy trì mức hơn 50%. Trong khi đó con số này của Novaland rơi xuống 5% vào năm 2019 sau đó bật lên 100% vào năm 2020.
Điểm khác biệt ở đây từ năm 2018 Vinhomes giảm đáng kể chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp khi chỉ ở mức 6-8% so với doanh thu thuần trong khi đó Novaland tốn kém từ 8-29%. Ngoài ra Novaland còn có chi phí tài chính cao hơn so với Vinhomes. Trung vị giai đoạn 2013-2021, Novaland có chi phí tài chính chiếm khoảng 14% doanh thu thuần, trong khi Vinhomes chỉ ở mức 6%.
Biên lợi nhuận ròng
Biên lợi nhuận ròng (Biên lãi thuần) là tỷ lệ phần trăm lợi nhuận sau thuế mà công ty thu được từ mỗi đồng doanh thu. Nghĩa là với 1 đồng doanh thu, công ty thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.
Biên lợi nhuận ròng cho thấy khả năng sinh lời của doanh nghiệp sau khi đã loại bỏ toàn bộ chi phí phát sinh trong kỳ. Một doanh nghiệp có chỉ số biên lợi nhuận ròng cao và tăng trưởng trong nhiều năm liền là một dấu hiệu tốt.
Tương tự biên lợi nhuận hoạt động, Vinhomes duy trì chỉ số này ổn định ở mức cao trên 38% trong vài năm gần đây. Trong khi đó Novaland có biên lợi nhuận ròng biến động mạnh trong khoảng từ 0-78%. Với mức trung vị đều trên 20% có thể thấy bất động sản là ngành kiếm tiền rất tốt cho cả 2 tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Bùi Thành Nhơn.
Nhịp sống kinh tế