MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sợ virus corona, người dân ùn ùn chuyển mua sắm qua mạng

10-02-2020 - 18:32 PM | Thị trường

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra vẫn đang diễn biến phức tạp, người dân tự bảo vệ mình bằng cách mua bán hàng qua mạng. Thậm chí, thay vì ăn tại quán, dân văn phòng gọi giao đồ ăn tận nơi.

Chị Nguyễn Liên (chuyên bán hải sản tại khu vực Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, khoảng 2 tuần nay, tôi nhận các đơn đặt hàng qua mạng online khá nhiều, trung bình 10 - 20 đơn/ngày, tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi có dịch.

Không chỉ các cửa hàng, người bán online có số lượng đơn hàng tăng vọt, mà ngay tại các hàng ăn có tiếng của Hà Nội, số lượng “đơn ship” thông qua các ứng dụng Grab, Foody, Aha... cũng tăng lên trông thấy.

Cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), do tâm lý lo ngại của người dân cùng với mưa rét liên tục trong những ngày qua, lượng hàng bán trong ngày của quán giảm đi rõ rệt, ước tính khoảng 30 - 40%. Tuy nhiên, đơn hàng từ việc bán online đã tăng lên đáng kể, từ 10 - 20 đơn/ngày, đã tăng lên 30 - 40 đơn/ngày. Hầu hết khách thanh toán bằng chuyển khoản.

Anh Nguyễn Thành, chạy đơn Foody cho hay, những ngày vừa qua, lượng đơn hàng từ các quán ăn, nhà hàng và cả những đơn vận chuyển hàng đều tăng rất mạnh. Nguyên nhân là một phần do người dân lo ngại dịch bệnh và mưa rét.

Đại diện trà sữa Tocotoco cho biết, mặc dù lượng khách đến cửa hàng uống trà sữa giảm nhưng những ngày qua, số lượng đơn hàng đặt mua qua mạng, giao tận nơi thông qua shipper đã tăng rõ rệt. Trong đó, có nhiều đơn hàng đặt mua số lượng lớn mang về nhà, công ty thay vì đến cửa hàng uống nước như trước đây.

Phó Tổng Giám đốc Central Retail Nguyễn Thị Phương (Đại diện siêu thị Big C và Go) cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, Big C đang tăng cường hình thức thương mại điện tử, mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ khiến thực phẩm giảm mất sự tươi ngon.

Tương tự, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đang triển khai hoạt động mua sắm online. Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trước khi diễn ra dịch viêm phổi cấp, tỷ lệ bán qua kênh online tại Co.opmart đạt khoảng 5 - 10%, nhưng hiện tại lượng khách hàng mua online đang tăng mạnh. "Hiện, tất cả các sản phẩm bán tại siêu thị Co.opmart đều được "lên mạng".

Khi Việt Nam công bố dịch kênh bán hàng online của siêu thị đã nhận số đơn đặt hàng tăng lên mỗi ngày. Để kích thích người dân mua sắm online, Co.opmart vận chuyển nội thành miễn phí với hóa đơn mua hàng trị giá trên 200.000 đồng" - bà Dung chia sẻ. Đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market khẳng định, hiện phần lớn khách hàng chọn đặt hàng qua email, điện thoại và giao hàng tận nơi. Vì vậy, hệ thống này cũng đang đầu tư chăm sóc mạnh kênh bán hàng online.

Trong khi đó, để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… lại chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mại lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2/2020. Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, việc mở rộng kênh bán hàng online, huy động các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics vào cuộc... cũng là một trong những kịch bản được Bộ Công Thương đưa ra, qua đó hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm nhưng vẫn hạn chế đến chỗ đông người trong thời kỳ dịch bệnh.

Sợ virus corona, người dân ùn ùn chuyển mua sắm qua mạng - Ảnh 3.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên