Sốc phản vệ khi ăn đuông dừa, nhộng tằm: Ai cũng cần biết những điều này để bảo vệ sức khỏe, tính mạng
Thông tin có người bị sốc phản vệ do ăn đuông dừa gần đây đã khiến không ít người bị sốc.
Xuất hiện trường hợp sốc phản vệ do ăn đuông dừa, nhiều người kinh hãi với đặc sản này
Mới đây, thông tin một người đàn ông 32 tuổi (Vĩnh Long) phải nhập viện do bị sốc phản vệ sau khi ăn đuông dừa khiến nhiều người kinh hãi. Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng tím toàn thân, mẩn nổi khắp người gây ngứa, mạch nhanh, huyết áp không đo được.
Thông tin này khiến nhiều người phải sốc bởi lẽ, trước đây, chúng ta vẫn thường nghe nói ăn những loài côn trùng như đuông dừa, nhộng tằm vốn lành tính, không gây hại sức khỏe. Đó cũng chính là lời nhận định của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội).
Đuông dừa được xem là món ăn đặc sản khoái khẩu và được chế biến với nhiều món khác nhau nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong đó đáng kể nhất là nguồn đạm. Do đó, người dân thường săn lùng sản phẩm này như một cách để bồi dưỡng sức khỏe.
Tuy nhiên, thông tin có người bị sốc phản vệ do ăn đuông dừa gần đây đã khiến không ít người bị sốc. Vậy thực chất đuông dừa là đặc sản hay là thuốc độc gây hại sức khỏe con người?
Là thực phẩm bổ dưỡng nhưng đuông dừa vẫn có thể gây độc với một số người
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, thực tế thì côn trùng có thể ăn được nhưng cũng có thể gây ngộ độc. Điều này không phải là do côn trùng có tính độc mà là nguyên nhân từ bên ngoài.
Những loại côn trùng như đuông dừa, nhộng tằm đều có chứa một số chất gây dị ứng nên những người có cơ địa không hợp với chất nào có trong đó sẽ rất dễ gặp hiện tượng ngộ độc thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
"Những loại côn trùng như đuông dừa, nhộng tằm đều có chứa một số chất gây dị ứng nên những người có cơ địa không hợp với chất nào có trong đó sẽ rất dễ gặp hiện tượng ngộ độc thực phẩm, thậm chí là sốc phản vệ".
Biểu hiện thường gặp khi bị ngộ độc, dị ứng côn trùng là nổi mề đay, phát ban, cảm giác người nôn nao, khó chịu, buồn nôn và nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy, khó thở... ngay sau khi ăn hoặc vài giờ sau đó.
Chưa kể, bạn cũng có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải các loại côn trùng đã chết. Nhộng tằm, đuông dừa... khi chết đều tiết ra những chất có thể gây ngộ độc cho người ăn. "Cũng giống như bất cứ loại thịt động vật nào, nếu đã chết rồi vẫn đem chế biến thực phẩm và ăn bình thường thì đều có nguy cơ tiết ra chất gây độc", chuyên gia khẳng định.
Nhộng tằm, đuông dừa... khi chết đều tiết ra những chất có thể gây ngộ độc cho người ăn.
Thêm vào đó, đuông dừa, nhộng tằm... là nhóm côn trùng có thể được người bán hàng ngâm hóa chất, dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc hóa chất ngâm đuông dừa, nhộng tằm. Điều này cũng khiến người ăn có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm, thậm chí sốc phản vệ nhanh chóng.
Làm thế nào để phòng tránh nguy cơ ngộ độc, sốc phản vệ từ đuông dừa, nhộng tằm hay côn trùng nói chung?
Chuyên gia khuyến cáo, đối với những người có cơ địa dị ứng cần hết sức cẩn trọng nếu muốn ăn côn trùng như đuông dừa, nhộng tằm. Tốt nhất không nên ăn nếu thường xuyên dị ứng với biểu hiện nặng như khó thở, nổi mề đay, phát ban khắp người sau khi ăn thực phẩm lạ. Khi chọn mua, cần chú ý mua sản phẩm còn tươi sống thay vì đã chết, ngâm tẩm hóa chất quá nhiều.
"Tốt nhất chỉ nên mua sản phẩm ở những cửa hàng uy tín, thực phẩm khi mua còn đảm bảo tươi mới, không quá bóng bẩy, bắt mắt. Trước khi chế biến cần rửa sạch rửa kỹ và nấu chín kỹ thực phẩm rồi mới ăn, phòng tránh tối đa nguy cơ ngộ độc", chuyên gia nhấn mạnh.
Tốt nhất chỉ nên mua sản phẩm ở những cửa hàng uy tín, thực phẩm khi mua còn đảm bảo tươi mới, không quá bóng bẩy, bắt mắt.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thêm, sốc phản vệ vô cùng nguy hiểm, có thể gặp ở bất cứ ai và có thể thông qua ăn một thực phẩm nào đó. Sốc phản vệ qua đường ăn uống có nhiều biểu hiện đa dạng từ nhẹ đến nặng. "Một số người có biểu hiện sốc phản vệ với biểu hiện ngoài da như da mẩn đỏ, ngứa, phù nề mặt mũi, chân tay, mồm miệng. Nhiều người bị sốc phản vệ nặng hơn có thể xuất hiện bỏng nước, loét da, bong trợt da…", vị chuyên gia cho hay.
BS Dũng khuyến cáo: "Không ăn bất cứ loại thức ăn nào bạn từng dị ứng vì phản ứng lần sau có thể nặng hơn, gây sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng". Nếu chẳng may có dấu hiệu sốc phản vệ, bạn cần nắm rõ những bước sơ cứu ban đầu sau:
- Ngừng ngay đường tiếp xúc với dị vật nguyên.
- Cho bệnh nhân nằm tại chỗ.
- Gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Helino