"Sốc": Sẽ tái cấp thủ tục lưu hành cho các sản phẩm thức ăn thủy sản được “cấp khống” giấy phép lưu hành
Đó là thông tin được bà Phan Thị Huệ - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Pháp chế Thanh tra (Tổng cục Thủy sản – Bộ NNPTNT) khẳng định với chúng tôi chiều 5.8.2016.
- 03-08-2016Tổng cục Thủy sản nói gì về vụ 800 giấy phép thủy sản khống?
- 25-07-2016Vì sao Tổng cục Thủy sản chưa công bố sản phẩm bị thu hồi?
- 23-07-2016'Động trời' ở Tổng cục Thủy sản: 800 loại sản phẩm cấp khống đi đâu?
Chưa thể thu hồi hết các sản phẩm vi phạm
Về trường hợp 347/802 sản phẩm đã được sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam để lưu hành , bà Phan Thị Huệ cho biết: Các sản phẩm nhập khẩu thì không đáng ngại, vì theo quy định, trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, các sản phẩm này sẽ phải được kiểm tra, kiểm định kỹ từng lô, nếu đạt tiêu chuẩn mới được thông quan nhập khẩu vào nước ta, những lô hàng không đạt yêu cầu sẽ bị trả lại. Còn các sản phẩm sản xuất trong nước, các DN sản xuất sẽ phải tự chịu trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm đã được chính DN sản xuất ra sản phẩm công bố.
Tuy nhiên, bà Phan Thị Huệ đã không trả lời được câu hỏi của PV về số lượng sản phẩm được cấp khống trái quy định đã được thu hồi? Còn lại bao nhiêu tấn sản phẩm đang trôi nổi trên thị trường? “Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục tổng hợp số liệu từ các địa phương. Đến thời điểm này chúng tôi chưa thể công bố vì chưa có số liệu chính xác. Công việc thanh tra, th hồi và niêm phong sản phẩm vẫn đang tiếp tục được thực hiện” – Bà Phan Thị Huệ cho biết.
Trong khi đó, ngoài 347 sản phẩm trái quy định đã được lưu thông trên thị trường, 157 sản phẩm mới tiến hành sản xuất thử, chưa bán ra thị trường, 210 sản phẩm chưa sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam, thì vẫn có 88 sản phẩm đến ngày 5.8.2016 chưa xác định được tình trạng lưu hành do các Cty có các sản phẩm vi phạm không còn hoạt động hoặc thay đổi địa chỉ. Điều này đồng nghĩa với việc 88 sản phẩm này sẽ bị lọt lưới, khó có khả năng bị thu hồi.
“Cấp khống” giấy phép để lưu hành sản phẩm kém chất lượng?
Người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi đó, khi có tới 802 sản phẩm thức ăn nuôi trồng thủy sản được các cán bộ bất chấp pháp luật, liều mạng tiếp tay cho 72 đơn vị sản xuất. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng 802 sản phẩm này “có vấn đề”, được sản xuất không đảm bảo chất lượng, không đủ hàm lượng, hoặc có chứa chất cấm?
Bà Phan Thị Huệ cho rằng, một số sản phẩm đã được mang đi phân tích, xét nghiệm, kết quả ban đầu cho thấy sản phẩm đạt chất lượng, chưa phát hiện ra chất cấm. “Đối với những sản phẩm đạt chất lượng, nhưng thủ tục cấp phép sai quy trình, Tổng cục Thủy sản sẽ yêu cầu DN thực hiện mọi thủ tục để cấp phép lại theo đúng quy định”.
Dư luận thật sự kinh ngạc, khi các sản phẩm đã được cấp phép khống – tang vật của sự vi phạm không những không bị tịch thu, tiêu hủy, mà còn sẽ được Tổng cục Thủy sản “hợp thức hóa” bằng việc cấp lại giấy phép.
“Cho đến thời điểm này, xác minh cho thấy các sản phẩm chỉ sai ở chỗ đã được cấp khống giấy phép để lưu hành, tức là chỉ sai về thủ tục hành chính. Chúng tôi chưa phát hiện sản phẩm nào vi phạm quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh” – Bà Phan Thị Huệ khẳng định.
Tuy nhiên, tuyên bố đó của bà Phan Thị Huệ có vội vàng không, khi vẫn còn 88 nhãn sản phẩm chưa thể xác minh được tình trạng lưu hành, hàng chục, hàng trăm, thậm chí nhiều tấn sản phẩm đã được sản xuất ra từ 347 mặt hàng vẫn chưa được thu hồi và kiểm định đầy đủ.
Lao động