Sóc Trăng: Nông dân giàu có nhờ trồng cây đặc sản, trái cây mọng ngọt ngon còn bán được sang Mỹ
Sự kiện trái vú sữa tím của xã Trinh Phú huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng được xuất khẩu sang thị trường Mỹ là một bước tiến lớn trong việc trồng vú sữa tím gắn với tiêu thụ trái đặc sản này của Hợp tác xã HTX Nông nghiệp Trinh Phú.
- 27-10-2020Đồ hóa trang Halloween càng ma quái càng hút khách
- 26-10-2020Nông sản chủ lực được giá, lợi nhuận cao
- 26-10-2020Tuyệt chiêu sử dụng số “tàng hình” trên biển quảng cáo của những người bán hàng ở Sài Gòn
Để có được kết quả này, ngoài sự hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương, không thể không nhắc đến những nỗ lực của tập thể HTX Nông nghiệp Trinh Phú (xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) trong việc trồng cây vú sữa tím theo hướng an toàn.
Thời gian qua, Giám đốc HTX Nông nghiệp Trinh Phú Hồ Văn Hội và các thành viên trong HTX (xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), trong trồng vú sữa tím luôn chú trọng nâng cao giá trị trái vú sữa. Ảnh: HẢI HÀ
HTX Nông nghiệp Trinh Phú ở Ấp 2, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) được thành lập vào năm 2012, với ngành nghề chính là kinh doanh trái vú sữa, cung cấp cây vú sữa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện nay, HTX có 43 thành viên, chủ yếu là nông dân trên địa bàn ấp. Từ khi được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn hỗ trợ, HTX đã thay đổi tập quán canh tác từ truyền thống sang áp dụng quy trình VietGAP cho hơn 32ha trồng vú sữa tím.
Khi áp dụng quy trình VietGAP, tuy có mất nhiều thời gian hơn so với lối sản xuất cũ nhưng nhiều thành viên HTX cho rằng, việc thay đổi này là tất yếu, bởi để phù hợp với nhu cầu thị trường và phát triển bền vững thì nhà vườn trồng vú sữa tím phải chịu khó tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Hơn hết, quy trình VietGAP còn giúp trái vú sữa tím bán ra có giá cao và không tốn chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó dùng các loại chế phẩm sinh học, an toàn sức khỏe của bản thân nhà vườn và cả người tiêu dùng.
Với những bước đi bài bản, hiện nay, trái vú sữa tím của HTX Nông nghiệp Trinh Phú đã được liên kết với các công ty xuất khẩu để có giá cao hơn.
Trung bình, nhờ trồng vú sữa tím, mỗi thành viên HTX có thu nhập 250 triệu đồng/năm. Đặc biệt, nhiều thành viên đã vươn lên khá, giàu do bán vú sữa tím xuất khẩu có giá cao hơn bên ngoài từ 18.000 đồng - 20.000 đồng/kg. Bình quân mỗi hécta trồng vú sữa tím theo quy trình VietGAP có lãi cao hơn mô hình bình thường đến 90 triệu đồng/năm.
Anh Tạ Tấn Tài, thành viên HTX cho biết: "Sau khi chuyển 5.000m2 trồng bưởi năm roi sang trồng vú sữa tím, tôi được tập huấn canh tác theo hướng VietGAP. Hội đồng quản trị của HTX còn hướng dẫn kỹ thuật trồng vú sữa tím để có năng suất cao.
Từ đó, tôi có thu nhập ổn định hơn do được bao tiêu đầu ra của trái vú sữa tím, ổn định hơn so với trồng bưởi".
Theo ông Hồ Văn Hội - Giám đốc HTX Nông nghiệp Trinh Phú, trong giai đoạn 2017 - 2020, HTX đã được Công ty TNHH XNK Vina T&T hỗ trợ cấp 2 mã code vùng trồng vú sữa tím với diện tích 32,4ha và giao hàng cho công ty xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tổng cộng hơn 40 tấn, với giá 31.000 đồng/kg.
Mặc dù sản lượng xuất khẩu trái vú sữa tím chưa nhiều nhưng đây là động lực để tạo niềm tin cho HTX trong việc sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cũng trong giai đoạn này, HTX đã được Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 2 mã code vùng trồng vú sữa tím với diện tích 11,4ha.
Cũng theo ông Hồ Văn Hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh được thuận lợi là do các thành viên của HTX luôn đồng lòng vượt khó để tuân thủ quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và xuất khẩu.
Ông Hội nói: "Nhà vườn trồng vú sữa tím chúng tôi thấy được vị trí và vai trò của kinh tế tập thể trong việc xây dựng phát triển nền nông nghiệp.
Đồng thời, nhờ cùng nhau trồng một loại vú sữa tím để quản lý tốt sâu bệnh nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, sản phẩm chất lượng và bán được giá cao hơn so với hộ dân khác, góp phần giúp các thành viên giảm nghèo bền vững...".
"Thành viên HTX luôn nhắc nhở nhau phương pháp trồng vú sữa tím, tạo trái vú sữa đẹp, không sâu bệnh, tạo được sự đồng nhất về sản phẩm, tạo được sự đoàn kết về giá để tránh tình trạng thương lái ép giá" - ông Hội cho biết thêm.
Trong công tác quản lý, hội đồng quản trị của HTX đã đặt quyền lợi của thành viên HTX lên trên. Qua đó, HTX đã giới thiệu cho các thành viên nhiều thương lái uy tín, thu mua vú sữa tím với số lượng lớn và giá ổn định, cao hơn bên ngoài nên thời gian qua các thành viên HTX rất yên tâm và phấn khởi.
Không chỉ có đóng góp trong phát triển kinh tế, nâng cao giá trị nông sản, HTX Nông nghiệp Trinh Phú còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội ở địa phương.
Ông Hồ Văn Hội cho biết thêm, HTX đã đóng góp kinh phí làm một số đường ở nông thôn, đóng góp vào quỹ khuyến học ở xã để hỗ trợ cho các em học sinh nghèo hiếu học có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với những hộ làm vườn có hoàn cảnh khó khăn, khi muốn cải tạo vườn, HTX cho trả chậm tiền cây vú sữa giống, đồng thời hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trồng vú sữa tím. Ngoài ra, HTX còn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương bằng cách ký hợp đồng thu hoạch trái vú sữa.
Bằng những nỗ lực và sự đoàn kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, HTX Nông nghiệp Trinh Phú, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả trồng vú sữa tím, nhất là thực hiện tốt việc liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho trái vú sữa tím. Từ đó, góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển.
Báo Sóc Trăng