MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Soi' cách các nước nghỉ lễ trong đại dịch, người Việt Nam có thể làm gì trong dịp 2/9 này?

02-09-2021 - 07:46 AM | Tài chính quốc tế

'Soi' cách các nước nghỉ lễ trong đại dịch, người Việt Nam có thể làm gì trong dịp 2/9 này?

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách mọi người kỷ niệm các sự kiện và ngày nghỉ lễ lớn. Người Việt Nam có thể tham khảo để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại.

Các kỳ nghỉ và sự kiện đến rồi đi, rất nhiều người đã tìm cách ăn mừng ở xa, giao lưu với bạn bè và gia đình thông qua ứng dụng trực tuyến và mạng xã hội. Khác với những năm trước dịch, hoàn cảnh đặc biệt cần giải pháp đặc biệt, người dân các nước đã sáng tạo những cách ăn mừng để có thể tận hưởng một kỳ nghỉ lễ an toàn và vui vẻ.

1. Mỹ

Sinh nhật là một ngày kỉ niệm quan trọng trong năm, là thời điểm những người thân thiết tụ tập để ăn mừng sự xuất hiện của một sinh mệnh mới. Tuy nhiên, do dịch bệnh, nhiều người đã buộc phải bỏ lỡ thời khắc này.

Dù vậy, sự sáng tạo là vô hạn. Fred Jackson Brown, một cậu bé sống tại Virginia đã được cha mẹ tổ chức một bữa tiệc online.

Soi cách các nước nghỉ lễ trong đại dịch, người Việt Nam có thể làm gì trong dịp 2/9 này? - Ảnh 1.

Cậu bé Fred Jackson Brown thổi nến trong ngày sinh nhật của mình

Vì không thể đến nhà để chúc mừng, chủ nhân bữa tiệc và các khách mời đã tham gia bằng một cuộc trò chuyện trên ứng dụng Zoom. Gia đình cậu bé đã tự làm và trang trí những chiếc bánh nướng nhỏ để mọi thứ trở nên bình thường nhất có thể. Một số người tham dự thậm chí còn thổi những ngọn nến được thắp sáng trên bánh qua màn hình để chia sẻ trải nghiệm với Jackson.

Mặc dù không thể tổ chức sinh nhật theo cách thông thường nhưng Jackson vẫn có khoảng thời gian vui vẻ. Thay vì những món quà được đóng gói đủ màu sắc và thắt nơ, cậu bé đã vui vẻ mở những đơn hàng của Amazon.

2. Úc và New Zealand

Mỗi năm vào ngày 25/4, người Úc và người New Zealand lại cùng nhau kỷ niệm Ngày Anzac. Ngày này đánh dấu kỷ niệm cuộc đổ bộ của Quân đoàn Úc và New Zealand trên Bán đảo Gallipoli ở Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến tranh thế giới thứ nhất, được gọi là đội quân "Anzacs".

Đối với nhiều người, việc tham gia diễu hành Hừng Đông vào lúc 5 giờ 30 phút ở địa phương và các nghi lễ khác trong Ngày Anzac là một truyền thống quan trọng kéo dài qua nhiều thế hệ. Nhưng thật đáng tiếc, Ngày Anzac năm 2020 không giống như bất kỳ ngày lễ nào khác trong ký ức của người dân hai nước này, mọi người được yêu cầu ở nhà và hạn chế tiếp xúc xã hội.

Soi cách các nước nghỉ lễ trong đại dịch, người Việt Nam có thể làm gì trong dịp 2/9 này? - Ảnh 2.

Người dân đứng hai bên đường kỷ niệm Ngày Anzac, tưởng nhớ những binh lính Úc và New Zealand đã phục vụ tổ quốc.

Dù không thể kỷ niệm cùng nhau, trên các đường phố ven biển của New Zealand, bài quốc ca vẫn vang vọng trên đài và điện thoại di động của từng công dân. Mọi người đã nhẹ nhàng hát theo một cách tự giác trong ánh bình minh cùng với hàng xóm của mình.

Sau đó, bài quốc ca của Úc được tiếp nối, giống như điều mà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Cựu chiến binh Ron Mark của New Zealand gọi là "tình bạn" của hai quốc gia.

3. Trung Quốc

Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất theo lịch âm của Trung Quốc. Đối với nhiều người Trung Quốc phải rời quê hương để kiếm sống tại các thành phố lớn, đây là cơ hội để họ được trở về đoàn tụ với gia đình sau thời gian dài xa cách.

Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi đại dịch, rất nhiều người đã chọn ăn Tết xa nhà. Một người đàn ông 49 tuổi làm ăn xa đã chia sẻ: "Ban đầu tôi cũng muốn về nhà, nhưng cuối cùng lại thôi vì tôi muốn làm gương cho mọi người".

Soi cách các nước nghỉ lễ trong đại dịch, người Việt Nam có thể làm gì trong dịp 2/9 này? - Ảnh 3.

Đường phố Trung Quốc ngày Tết nguyên đán

Vicky Wang là một nhân viên công ty internet có trụ sở tại Thượng Hải, hàng năm, cô thường sẽ bay về với cha mẹ ở Thiểm Tây vào một tuần trước Tết Nguyên đán.

Nhưng năm vừa rồi, cô gái 25 tuổi đã tích trữ những món ăn nhẹ yêu thích như bánh gạo và sô cô la để chuẩn bị trải qua lễ hội quan trọng nhất trong năm một mình. Cô nói: "Chúng ta phải sống một cách an toàn hơn, phải loại bỏ mọi khả năng lây lan của dịch bệnh và phải hy sinh một chút cho mọi người đều được an toàn".

4. Hàn Quốc

Lễ hội Chuseok (Tết Trung thu) được coi là lễ hội lớn nhất của người dân Hàn Quốc. Vào ngày này hàng năm, hàng triệu người hối hả về quê để thực hiện các nghi thức cúng bái cổ truyền. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, điều này khó có thể thực hiện được.

Năm ngoái, hãng thông tấn Yonhap đưa ra kết quả khảo sát cho thấy, cứ trong bốn người dân sống tại thủ đô Seoul lại có ba người không có kế hoạch về quê hoặc đã hủy chuyến du lịch xa trong dịp Chuseok. Phần lớn người dân đều bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây lan dịch Covid-19.

Bà Lee và chồng đều là những người theo đạo Công giáo. Vào ngày lễ này năm vừa rồi, họ quyết định không tham gia buổi cầu nguyện vì người dân được khuyến khích ở nhà và không tụ tập trên 5 người.

Soi cách các nước nghỉ lễ trong đại dịch, người Việt Nam có thể làm gì trong dịp 2/9 này? - Ảnh 4.

Seomun, chợ truyền thống lớn nhất tại Daegu, nơi từng là ổ dịch tại Hàn Quốc vào dịp lễ Chuseok năm 2020

Theo phong tục Hàn Quốc, vào ngày Chuseok, các gia đình sẽ đến phần mộ của tổ tiên để cắt cỏ dại và dọn dẹp khu vực xung quanh mộ. Sau đó, họ sẽ dâng lên tổ tiên một mâm lễ nhỏ, bao gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm được thu hoạch để bày tỏ lòng biết ơn đối với đấng sinh thành.

Ngày Chuseok năm 2020 là lần đầu tiên các nghĩa trang quốc gia của Hàn Quốc đóng cửa trong kỳ nghỉ lễ. Thay vào đó, Bộ Y tế đã phát triển một chuyến viếng thăm ảo đến các nghĩa trang công cộng và những nơi chôn cất tro cốt. Những người đăng ký sẽ được cung cấp hình ảnh và video toàn cảnh về nơi yên nghỉ của người thân.

5. Thái Lan

Phật giáo chiếm vai trò rất quan trọng trong đời sống và tín ngưỡng của người dân Thái Lan. Tại quốc gia này, hơn 90% dân số theo đạo Phật. Theo đó, lễ Khao Phansa của Phật giáo là ngày lễ lớn không thể bỏ qua của nơi đây.

Vào ngày lễ Khao Phansa năm 2021 vừa qua, do tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, các nghi thức và truyền thống liên quan bao gồm Lễ hội Nến đã không được tổ chức trực tiếp mà qua hình thức online.

Thay vì hủy bỏ lễ hội và không làm gì, người đứng đầu tỉnh Ubon Ratchathani, tỉnh Đông Bắc, nơi nổi tiếng với Lễ hội Nến đã quyết định chuyển các hoạt động mừng lễ diễn ra tại Công viên Thung Si Mueang sang nền tảng trực tuyến. Trong đó, các tiết mục văn hóa khác bao gồm múa truyền thống và trang trí nến cũng cũng được phát sóng trên mạng.

Soi cách các nước nghỉ lễ trong đại dịch, người Việt Nam có thể làm gì trong dịp 2/9 này? - Ảnh 5.

Ngày lễ Khao Phansa được diễn ra theo hình thức trực tuyến

Lễ hội được truyền hình trực tiếp trên Facebook và người dân cũng có thể xem các hoạt động khác trên trang web các đối tác truyền thông của tỉnh.

Dù là online nhưng những người tổ chức cũng cố gắng hết sức tạo điều kiện để mọi người cùng tham gia, chẳng hạn như nhấn nút Like hoặc thả Tim để bình chọn cho ngôi chùa có cây nến đẹp nhất. Tỉnh sẽ quyên góp một baht cho mỗi biểu tượng cảm xúc và năm baht cho một lượt chia sẻ (tối đa 10.000 baht cho mỗi ngôi đền), ngôi đền được bình chọn nhiều nhất sẽ nhận được một khoản quyên góp trị giá 30.000 baht từ nhà các tài trợ.

Mọi người cũng có thể tham gia buổi đấu giá Thiên Phansa (nến) tuyệt đẹp trên Facebook. Ngoài ra, họ còn có thể tham quan Ubon Ratchathani, tất nhiên cũng theo hình thức online.

Linh Chi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên