MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sôi động giao dịch nội bộ khi cổ phiếu về vùng đáy một năm

Sôi động giao dịch nội bộ khi cổ phiếu về vùng đáy một năm

Thị trường chứng kiến nhiều giao dịch của cổ đông nội bộ và người liên quan tại các công ty khi chứng khoán Việt Nam liên tục biến động tiêu cực thời gian gần đây.

Chứng khoán Việt Nam liên tục biến động tiêu cực thời gian gần đây, áp lực bán trên diện rộng khiến nhiều cổ phiếu giảm về vùng đáy 1-2 năm. Trong bối cảnh này, thị trường chứng kiến nhiều giao dịch  của cổ đông nội bộ và người liên quan tại các công ty.

Từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) liên tục đi xuống. Sau khi đạt đỉnh 49.350 đồng/cp ngày 11/1, mã này giảm gần 63% về 18.400 đồng/cp ngày 22/6. Đặc biệt trong giai đoạn tháng 4, cổ phiếu này lao dốc mạnh khi trên thị trường xuất hiện những thông tin chưa xác thực về Gelex, dù sau đó, tập đoàn bác bỏ tin đồn thất thiệt.

Trong bối cảnh cổ phiếu này liên tục rớt giá, Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) - đơn vị liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Gelex, đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu GEX từ 24/6 đến 22/7. Nếu giao dịch thành công, doanh nghiệp sẽ trở thành cổ đông Gelex với 1,76% vốn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Tập đoàn Gelex, là em ruột bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VIX. Hồi tháng 5, ông Nguyễn Văn Tuấn cũng đã gom 10 triệu đơn vị GEX từ 4/5 đến 24/5, nâng lượng nắm giữ lên 202,3 triệu đơn vị (tỷ lệ 23,8%).

Con gái Chủ tịch Gelex Nguyễn Hoa Cương là bà Nguyễn Bích Hà cũng đăng ký mua 850.000 cổ phiếu GEX từ 23/6 đến 22/7 để tăng lượng sở hữu lên 1,1 triệu đơn vị (tỷ lệ 0,12%).

Sôi động giao dịch nội bộ khi cổ phiếu về vùng đáy một năm - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu GEX. Ảnh: TradingView.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch Đầu tư Phát triển Xây Dựng (DIC Corp, HoSE: DIG) vừa đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu DIG để tăng sở hữu lên 61,4 triệu đơn vị (tỷ lệ 12,3%). Thời gian thực hiện từ 30/6 đến 29/7 bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Hết phiên giao dịch ngày 22/6, cổ phiếu DIG tăng trần lên mức 33.700 đồng/cp sau 9 phiên giảm điểm liên tiếp. So với vùng đỉnh lịch sử 119.800 vào đầu tháng 1, thị giá DIG đã mất gần 72%, trong bối cảnh 2 cổ đông lớn là Him Lam và Thiên Tân liên tục thoái cổ phần.

Sôi động giao dịch nội bộ khi cổ phiếu về vùng đáy một năm - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu DIG. Ảnh: TradingView.


Trong khi đó, Hodeco (HoSE: HDC) muốn mua 3 triệu cổ phiếu quỹ để bình ổn giá thị trường. Giá mua theo giá thị trường nhưng không vượt quá 40.000 đồng/cp hoặc đến khi công ty sử dụng hết tiền từ nguồn mua cổ phiếu (thặng dư vốn cổ phần). Quyết định được đưa ra trong bối cảnh mã chứng khoán HDC có đà giảm giá mạnh từ vùng 106.000 đồng/cp về 30.150 đồng/cp, tức mất gần 72% giá trị trong vòng gần 3 tháng. Đặc biệt, 5 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu này giảm sàn từ vùng 39.680 đồng/cp về 29.75 đồng/cp (xét theo giá điều chỉnh, ngày 21/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 25%).

Sôi động giao dịch nội bộ khi cổ phiếu về vùng đáy một năm - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu HDC. Ảnh: TradingView.

Trong thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu tôn thép như HPG, HSG, hay NKG đều diễn biến tiêu cực. Sau khi đạt đỉnh năm nay tại 41.670 đồng/cp ngày 28/3 (xét theo giá điều chỉnh), thị giá cổ phiếu NKG liên tục lao dốc. Đóng cửa phiên 22/6, giá mã này giảm 60,4% còn 16.500 đồng/cp, về vùng đáy của một năm.

Ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch Tôn Nam Kim (HoSE: NKG) đã gom vào 3 triệu cổ phần NKG của từ 23/5 đến 1/6, nâng sở hữu lên 31,2 triệu cổ phần (tỷ lệ 14,2%). Ông Quang hoàn tất mua vào cổ phiếu NKG ngay trước ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức tiền mặt (10%) và cổ phiếu (20%) năm 2021 (3/6).

Sôi động giao dịch nội bộ khi cổ phiếu về vùng đáy một năm - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu NKG. Ảnh: TradingView.

Tại Tập đoàn Khải Hoàn Land (HoSE: KHG), Tổng Giám đốc Đinh Thị Nhật Hạnh đăng ký mua một triệu cổ phiếu KHG từ 22/6 đến 22/7, tăng sở hữu lên 5,45 triệu đơn vị (tỷ lệ 1,23%). 

VỊ CEO này đăng ký mua vào cổ phiếu KHG trong bối cảnh mã này có 4 phiên giảm sàn liên tiếp về vùng giá 7.350 đồng/cp ngày 16/6. Tuy nhiên sau khi thông tin công bố, thị giá mã này vẫn tiếp tục đi xuống, giảm về mức đáy một năm ở mức 6.580 đồng/cp kết phiên 22/6, tương đương mất hơn 60% giá trị so với đỉnh 16.470 đồng/cp giữa tháng 1.

Sôi động giao dịch nội bộ khi cổ phiếu về vùng đáy một năm - Ảnh 5.

Diễn biến giá cổ phiếu KHG. Ảnh: TradingView.

Bên cạnh đó, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Xây dựng Coteccons ( HoSE:CTD ) đăng ký gom 730.000 cổ phiếu CTD từ  3/6 đến 2/7 theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Nếu hoàn tất, vị lãnh đạo này sẽ nâng sở hữu lên 1,3 triệu cổ phần tương ứng 1,6% vốn điều lệ.

Vị Chủ tịch này đăng ký mua vào sau khi giá mã này chạm đáy 42.950 đồng/cp. Kết phiên 22/6, thị giá mã này tăng 17,8% lên mức 50.600 đồng/cp, song vẫn thấp hơn gần 55,5% so với mức đỉnh 113.600 đồng/cp ngày 7/1.

Sôi động giao dịch nội bộ khi cổ phiếu về vùng đáy một năm - Ảnh 6.

Còn tại Đông Hải Bến Tre (HoSE: DHC), ông Lê Bá Phương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc vừa thông báo hoàn tất mua vào 475.000 cổ phiếu DHC từ 2/6 đến 21/6, nâng lượng nắm giữ lên 15,3% vốn với 10,7 triệu cổ phần.

Ông Phương đăng ký mua vào lượng cổ phiếu trên sau khi thị giá mã này giảm kể từ giữa tháng 4, về vùng thấp nhất trong một năm với mức 71.500 đồng/cp ngày 27/5. Tuy nhiên, sau khi Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố thông tin, giá cổ phiếu này vẫn tiếp tục đi xuống và chạm đáy 62.100 đồng/cp ngày 14/6. Tới ngày 22/6, cổ phiếu DHC hồi gần 8% lên 67.000 đồng/cp.

Sôi động giao dịch nội bộ khi cổ phiếu về vùng đáy một năm - Ảnh 7.

Diễn biến giá cổ phiếu DHC. Ảnh: TradingView.


Ở chiều ngược lại, Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen – công ty của ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen ( HoSE:HSG ) vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 17,74 triệu cổ phiếu HSG từ 23/6 đến 22/7 để giảm tỷ lệ sở hữu từ 3,6% xuống 0%

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen kiêm Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, hiện đang sở hữu 84,3 triệu cổ phiếu HSG, tương đương tỷ lệ nắm giữ 17,09%.

Kết phiên giao dịch ngày 22/6, cổ phiếu HSG tăng trần lên mức 15.100 đồng/cp sau 8 phiên giảm điểm liên tiếp. Đây là mức thấp nhất trong một năm trở lại đây và giảm gần 70% so với mức đỉnh gần 50.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 10/2021.

Sôi động giao dịch nội bộ khi cổ phiếu về vùng đáy một năm - Ảnh 8.

Diễn biến giá cổ phiếu HSG. Ảnh: TradingView.

Theo Vy Anh

Người Đồng Hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên