MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sôi động M&A bất động sản, quỹ đầu tư ngoại khấy động thị trường địa ốc Việt

06-10-2017 - 10:40 AM | Bất động sản

Hàng tỷ đô la đã và đang rót vào thị trường bất động sản thông qua các hoạt động mua tài sản, dòng vốn sở hữu tư nhân (private equity - PE) trong những tháng qua.

CBRE Việt Nam, cho biết theo thống kế của DealStreetAsia, tổng dòng vốn PE đổ vào bất động sản Việt Nam giai đoạn 2016-2017 đạt trên 613 triệu USD, mức cao nhất trong tất cả các ngành như tiêu dùng, tài chính, công nghệ thông tin, giải trí…Bên cạnh đó, hoạt động M&A cũng rất sôi động, với 27 giao dịch tài sản/ đất dự án thành công với giá trị gần 900 triệu USD trên khắp Việt Nam.

Đáng chú ý đó là dòng vốn này chủ yếu được rót từ các nhà đầu tư nước ngoài. Với dòng tiền dồi dào từ các quỹ đầu tư nước ngoài mà các chủ đầu tư trong nước đã phát triển nhanh chóng. Các giao dịch đầu tư nổi bật nhất trong Quý 3/2017 là từ Vincom Retail, Dragon Capital and Quốc Lộc Phát.

Samsung Securities cùng với Caldera Pacific, một quỹ đầu tư PE từ Hồng Kông đã mua 40% cổ phần của Dragon Capital và trở thành cổ đông lớn thứ hai. Cuối cùng, Keppel Land đã mua 20% cổ phần của Quốc Lộc Phát, chủ đầu tư của khu phức hợp Sóng Việt tại Thủ Thiêm, Quận 2, TP.HCM.

Bên cạnh hoạt động đầu tư của dòng vốn PE, thì thị trường cũng đã ghi nhận nhiều thương vụ lớn, giao dịch sôi động mua bán dự án bất động sản.

VinaCapital liên tục thoái vốn

Trong đó, đáng chú ý là việc thoái vốn tại các dự án bất động sản của quỹ đầu tư VinaCapital. Được biết quỹ này hiện đang sở hữu 14 tài sản có tổng trị giá 244 triệu USD tính đến tháng 6/2017, quỹ đang trong giai đoạn thoái các dự án này và không đầu tư mới.

Điển hình như Dự án khu đô thị Mỹ Gia (Nha Trang), quỹ thành viên VinaLand của VinaCapital đã bán dự án mà họ đã mua từ 2008 thu về 5,9 triệu USD.

Hồi tháng 4/2017 các quỹ thành viên của VinaCapital đã thoái vốn ở nhiều dự án lớn. Cuối tháng 5 vừa qua, VinaLand cũng thông báo sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi dự án Times Square nằm trên đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho Công ty Elite Capital Resources Limited sau gần 1 thập kỷ gần như bất động và thu về số tiền 41 triệu USD.

Ngoài ra, VinaCapital cũng đã bán phần vốn của mình tại dự án khu phức hợp VinaSquare tại khu đất vàng 152 Trần Phú, có 3 mặt tiền hướng ra đường Trần Phú, Lê Hồng Phong và Trần Nhân Tôn quận 5.

Đây là khu đất nhà máy thuốc là Sài Gòn cũ, năm 2008 được di dời để đầu tư khu phức hợp VinaSquare tổng vốn đầu tư 210 triệu USD, trong đó tính đến 1/2017 thì VinaCapital vẫn nắm cổ phần chi phối là 62%, tuy nhiên, sau đó dự án có cổ đông mới là Công ty TNHH bất động sản Trí Đức mua lại 62% cổ phần.

Đại gia Singapore, Nhật liên tục rót vốn vào địa ốc

Bên cạnh việc thoái vốn của VinaCapital thì những đại gia địa ốc đến từ Singapore, Nhật lại gia tăng sở hữu những dự án “đất vàng” tại Tp.HCM. CapitaLand đã lập quỹ đầu tư 500 triệu USD để nhắm tới các tài sản thương mại ở Việt Nam, trong đó đáng chú ý là thương vụ mua lại khu đất dự án thương mại 0,6ha ở vị trí đắc địa trong khu vực trung tâm Tp.HCM gần đây.

Ngoài ra, CapitaLand cũng đã công bố mua lại 90% cổ phần của một dự án rộng 0,8 ha ở Thảo Điền để phát triển dự án hơn 300 căn hộ.

Một nhà phát triển khác của Singapore là Keppel Land đã chi 846 tỷ đồng, tương đương khoảng 37 triệu USD để tăng cổ phần lên 16% trong dự án Saigon Centre của họ tại trung tâm Tp.HCM.

Một quỹ đầu tư của Nhật là Creed Group cũng đã liên tục rót vốn vào các dự án tại Tp.HCM như River Panorama , River City, rót hơn 40 triệu USD mua lại dự án La Casa hay Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad (hợp tác với Nam Long phát triển dự án căn hộ Flora Anh Đào, Fuji Residences ở quận 9)…

Nhiều thương vụ đình đám khác: Có thể kể tới như hồi tháng 3 vừa qua là Hongkong Land đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) trong việc khai thác các dự án nhà ở trên quỹ đất nhận được tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Berjaya Land (Malaysia) đã thành công chuyển nhượng lại toàn bộ 70% cổ phần đang nắm giữ trong một dự án khu nghỉ mát 4 sao trên đảo Phú Quốc cho Sulyna Hospitality với tổng giá trị 14,65 triệu USD.

Nhật Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên