Sôi động thị trường M&A ngành bất động sản
Nửa đầu năm, nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập ngành bất động sản diễn ra dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp hoặc mua quỹ đất. Chuyên gia đánh giá thị trường sẽ tiếp tục diễn ra nhiều giao dịch quy mô lớn và kỳ vọng bùng nổ ở mảng bất động sản khu công nghiệp.
Nhiều thương vụ đình đám
Trong nửa đầu năm, thị trường bất động sản chứng kiến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) sôi động về quỹ đất, vốn cổ phần doanh nghiệp. Mới đây, công ty Phát Đạt ( HoSE: PDR ) công bố hoàn tất mua 99,5% cổ phần CTCP Bất động sản Đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương. Qua đó, Phát Đạt có quyền sở hữu và phát triển dự án chung cư Bình Dương Tower, TP Thuận An, diện tích 4,5 ha, cách TP HCM khoảng 20 km.
Thương vụ khác là công ty May Tiến Phát, thành viên của Tập đoàn TTC Land ( HoSE: SCR ) tiếp tục mua 11% vốn CTCP Đầu tư xây dựng Long An Idico ( UPCoM: LAI ), qua đó nâng sở hữu lên 40,62%. Long An Idico là công ty bất động sản xây dựng, đang phát triển nhiều dự án với tổng quy mô 130 ha tại Long An.
An Gia ( HoSE: AGG ) gần đây cũng thực hiện thương vụ M&A dự án 27 ha tại Bình Chánh, TP HCM. Ông Nguyễn Đình Trường, Giám đốc khối đầu tư công ty cho biết kế hoạch phát triển dự án với quy mô 7.000 – 8.000 sản phẩm căn hộ và nhà thấp tầng. Công ty đang hoàn thiện pháp lý, dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường vào đầu năm 2022.
Một dự án của An Gia tại Bình Dương được triển khai sau khi hoàn tất M&A. Ảnh: AGG |
Mới đây, thông tin Novaland ( HoSE: NVL ) đang đàm phán chuyển nhượng một dự án quy mô lớn tại TP HCM với giá trị thương vụ khoảng 40.000 tỷ đồng cũng gây chú ý trên thị trường. Nguồn tin cho biết dự kiến lợi nhuận có thể đem lại khoảng 8.000 tỷ đồng, giao dịch hoàn tất trong năm nay và thanh toán toàn bộ trong 2021 - 2022. Đối tác tham gia chuyển nhượng được tiết lộ là một tập đoàn bất động sản lớn ở phía Bắc và một tập đoàn kinh tế đa ngành hoạt động trên khắp cả nước, nhưng có trụ sở đặt tại TP HCM.
Đối với bất động sản khu công nghiệp, Savills chỉ ra nhiều thương vụ mới được thực hiện trong năm nay. Điển hình, thương vụ Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong CTCP Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại KCN Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD. ESR Cayman Limited và CTCP Phát triển Công nghiệp BW (BW) công bố hợp tác thành lập liên doanh mới với mục tiêu sở hữu và cùng phát triển 240.000 m2 tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4, Bình Dương.
Triển vọng 6 tháng cuối năm
Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch M&A với giá trị thương vụ hàng tỷ đồng. An Gia dự kiến chi 3.000 - 5.000 tỷ đồng để tìm kiếm quỹ đất làm dự án trong 3 năm tới thông qua M&A, ưu tiên quỹ đất sạch, có pháp lý rõ ràng, thời gian triển khai nhanh. Nam Long (HoSE: NLG) dự kiến mỗi năm sẽ dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho việc mở rộng quỹ đất. Những vị trí chiến lược mà Nam Long hướng đến ngoài mảng lõi ở TP HCM và vùng ven thì còn đẩy mạnh tại các thành phố khác như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ. Hay như Novaland, doanh nghiệp đặt mục tiêu bổ sung quỹ đất thêm 10.000 ha trong 10 năm tới, hiện tại đang sở hữu khoảng 5.400 ha...
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của JLL cho rằng thị trường bất động sản đang tăng trưởng mạnh ở nhiều mảng. Dù chịu ảnh hưởng từ Covid-19 nhưng các hoạt động M&A vẫn diễn ra sôi động, đặc biệt từ các chủ đầu tư lớn trong nước. Họ tập trung thu gom quỹ đất phát triển trong tương lai, ở nhiều phân khúc như nhà ở, khu dân cư, bất động sản thương mại.
Với nhà đầu tư nước ngoài, theo quan sát của đại diện JLL, Việt Nam vẫn thị trường chiến lược đầy tiềm năng tăng trưởng cho các hạng mục đầu tư. Một số quỹ, chủ đầu tư đang đầu tư ở Việt Nam như Keppel Land, Capital Land hay Gamuda... vẫn tiếp tục cam kết đầu tư và tìm kiếm các hạng mục mới. Trước đây, họ tập trung đầu tư chủ lực ở mảng thương mại, nhà ở nhưng đang có sự mở rộng qua mảng khu công nghiệp, logisitics. Thống kê của JLL cho thấy khoảng 4 tỷ USD vốn đầu tư phát triển các dự án nhà xưởng, kho bãi đã được nhà đầu tư nước ngoài rót vào Việt Nam tính đến thời điểm này.
Bà Trang dự báo nửa cuối năm, mảng khu công nghiệp, nhà xưởng kho bãi tiếp tục có những thương vụ M&A lớn. Bà Trang cũng lưu ý một vấn đề là do ảnh hưởng của dịch bệnh với chính sách giãn cách, hạn chế đi lại, việc thực hiện các thương vụ M&A với các quỹ nước ngoài có thể mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành, thay vì 3 - 6 tháng đàm phán như trước đây.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam đánh giá M&A là hoạt động rất tích cực trong những năm qua và mang lại nhiều lợi ích cho thị trường bất động sản. Trước đây, thị trường thường thấy các công ty, tổ chức nước ngoài mua bán, hợp tác ở các dự án, quỹ đất hoặc cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam. Còn trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã nổi lên và mua lại các dự án hoặc cổ phần của các doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam mua bán/hợp tác với nhau cũng ngày càng chiếm tỷ lệ gia tăng đáng kể trong các giao dịch M&A bất động sản. Cùng với đó là quy mô dự án, quỹ đất, giá trị cổ phần… cũng ngày càng lớn; có những dự án quy mô hàng trăm ha, giá trị M&A lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điều này thể hiện sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam cũng như sự chuẩn bị kỹ càng, bài bản, quy mô lớn hơn và lâu dài hơn cho sự phát triển sau này. Ông Hoàng cho rằng đây là xu hướng tiếp tục gia tăng và phát triển trong thời gian tới. M&A trong bất động sản luôn chiếm tỉ lệ hàng đầu trong thị trường M&A nói chung, vốn rất hấp dẫn.
Người đồng hành