MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sôi động thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ, vừa mừng vừa lo

23-09-2018 - 21:43 PM | Thị trường

Thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ với sự xuất hiện của một số hãng mới và đang rất sôi động, hứa hẹn một cuộc cạnh tranh gay gắt.

Hiện nay, trên thị trường đang có rất nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ. Có thể kể đến sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của Go – Việt hay như mới nhất là sự gia nhập của ứng dụng Go - Ixe từ ngày 12/9, cộng với những Grab, Vato, Aber, Mai Linh Bike…

Theo ông Nguyễn Chí Luận, Tổng Giám đốc Go - Ixe Việt Nam, để có thể gia nhập cuộc chơi, Go – Ixe đã chuẩn bị kỹ càng trong 2 năm và có trải qua thực tế tại một số địa phương như: Bắc Giang, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cần Thơ… Go - Ixe có nhiều tính năng khác nhau, phù hợp với địa lý và tâm lý khách hàng như có mức tính giá khác nhau ở từng địa phương, kết nối được tất cả các phương tiện vận tải với nhau, tài xế được đào tạo, qua sát hạch nên tạo được sự an toàn cho hành khách. Theo ông Luận, đây là phần mềm nằm trong chương trình quốc gia về khởi nghiệp, sử dụng công nghệ thuần Việt, do người Việt Nam khởi xướng nhằm hưởng ứng chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

“Những em sinh viên đang học trong nhà trường khi rảnh có thể bật app để chạy. Hoặc những em mới ra trường chưa có việc làm và đặc biệt là quân nhân xuất ngũ chưa có việc làm thì về phía ngân hàng chúng tôi liên kết có thể cho vay đến 85% để khởi nghiệp”, ông Luận nói.

Sôi động thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ, vừa mừng vừa lo - Ảnh 1.

Gọi xe công nghệ hứa hẹn một cuộc cạnh tranh gay gắt. (Ảnh: Techbike.vn)

“Do đặc thù công việc nên mình thường xuyên đi bằng xe công nghệ. Trước kia mình hay đi grab do không có nhiều lựa chọn nhưng bây giờ thì có rất nhiều lựa chọn nên mình ủng hộ việc có nhiều hãng xe để khách hàng tiện lợi hơn trong di chuyển” – chị Thanh chia sẻ.Nhờ có sự tham gia sôi động này mà nhiều người dân thường xuyên di chuyển bằng xe ôm công nghệ có thêm sự lựa chọn. Vốn chỉ thường xuyên sử dụng Grab để di chuyển sau khi Uber rút đi, thời gian gần đây, chị Trần Bích Thanh, nhân viên văn phòng ở TPHCM chuyển sang dùng nhiều ứng dụng gọi xe khác, tùy từng thời điểm.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, việc có nhiều hãng tham gia thị trường xe ôm công nghệ có mặt tốt là sẽ có cạnh tranh nâng cao chất lượng phục vụ, người dùng có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp, tránh được các yếu tố độc quyền.

“Khi có nhiều người vào trong một thị trường như thế thì sẽ tạo ra sự canh tranh rất lớn. Cạnh tranh về xe đến đúng giờ, chất lượng, dịch vụ, di chuyển tốt…Đồng thời sẽ đẩy giá cả xuống. Vì thế về mặt lợi sẽ đem lại nhiều cái lợi cho thị trường, giúp rất nhiều cho người dân”- TS Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng tỏ ra lo lắng trước sự phát triển không có “giới hạn” của loại hình này. Điều này rất có thể sẽ tạo ra sự hỗn loạn và các cơ quan chức năng có liên quan cần phải có giải pháp quản lý hiệu quả. Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu đề nghị trong khi chờ các quy định mới của Nghị định 86 sửa đổi thì có thể thành lập Hiệp hội những người lái xe ôm công nghệ. Hiệp hội này có thể bảo vệ quyền lợi của tài xế khi xảy ra các sự cố, đồng thời đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi xảy ra các tranh chấp.

Về phía cơ quan quản lý, đã có sự lúng túng khi chưa có những quy định cụ thể từ phía Bộ Giao thông vận tải làm căn cứ để xử lý. Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ, Sở Giao thông vận tải TPHCM, hiện nay khung pháp lý vẫn chưa rõ ràng bởi  Bộ Giao thông vận tải mới cho một số đơn vị được thí điểm như Grab, V-Car, Mai Linh Car, Go– Car… Những đơn vị còn lại như Aber, Go Việt, Vato…chưa được Bộ chấp thuận thí điểm nhưng vẫn đang hoạt động.

Ông Hải cho biết thêm, tại TPHCM, loại hình hợp đồng điện tử cho các xe ô tô dưới 9 chỗ đang bão hòa ở con số khoảng 34.000 xe…Còn loại hình xe ôm công nghệ hiện chưa có quy định cụ thể và con số này đang phát triển từng ngày trong khi thành phố vẫn đang chờ quy định mới.

“Trong lúc chờ hành lang pháp lý thì Bộ GTVT cũng yêu cầu các phương tiện xe đó chạy đúng theo luật Giao thông đường bộ bởi hiện nay xuất hiện tình trạng mất an toàn. Còn quản lý thì sẽ có sau khi thí điểm đánh giá, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sẽ tham mưu chính phủ ban hành Nghị định thì chúng ta sẽ có công cụ để đánh giá, kiểm soát” - ông Hải nói.

Rõ ràng, sự sôi động của thị trường xe ôm công nghệ đã và đang tạo ra rất nhiều sự thuận lợi cho khách hàng nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ không thể kiểm soát. Vì thế các ngành chức năng cần sớm có những quy định để quản lý./.


Theo Hà Khánh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên