Soi Hóa chất Đức Giang "hứa" thưởng 500 triệu cho tuyển bóng đá nữ: Doanh thu 6.000 tỷ/năm, hơn 500 tỷ tiền gửi ngân hàng
Trên sóng truyền hình quốc gia, 30s quảng cáo trong trận chung kết có giá cả tỷ đồng, nên việc công ty chi 500 triệu để được nhắc đến tên trên sóng và trên truyền thông, đó cũng là một "khoản đầu tư". DGC muốn minh bạch là một yêu cầu chính đáng, nhưng cách làm và cách phát ngôn có thể gây phản cảm với đội tuyển.
- 13-01-2020Gây phản cảm, nhà tài trợ đến trao 500 triệu đồng song nữ Việt Nam nhất quyết từ chối
- 13-01-2020Bị tố "xù" tiền thưởng, chủ tịch Hóa chất Đức Giang nói chưa trả vì “muốn đảm bảo minh bạch”
- 02-02-2019Hậu sáp nhập, Hóa chất Đức Giang (DGC) lãi năm 2018 lên tới 882 tỷ đồng cao gấp 7 lần cùng kỳ
Đội tuyển từ chối nhận tiền thưởng
"Của cho không bằng cách cho", thái độ của lãnh đạo CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) trong vụ việc hứa thưởng 500 triệu đồng cho tuyển nữ Việt Nam đã làm dậy sóng cộng đồng mạng trong hai ngày vừa qua. Theo đó, sau huy chương vàng Sea Games 30, DGC hứa thưởng 500 triệu đồng cho tuyển nữ Việt Nam, thậm chí đã tặng "tượng trưng" và chụp ảnh ầm ĩ trên truyền thông tuy nhiên đến thời điểm này công ty vẫn chưa chuyển tiền. Lý do được đưa ra là lãnh đạo công ty yêu cầu phải được đội cung cấp danh sách chia thưởng thì mới giao tiền, trong khi Ban lãnh đạo đội tuyển cho rằng như vậy là "xúc phạm".
"Tôi là người cho tiền, tôi có quyền quyết định. Tôi đề nghị công khai, anh Chung bao nhiêu, các VĐV bao nhiêu. Còn họ không tuân thủ, tôi không gửi. Tôi là người bỏ tiền ra, tôi có quyền yêu cầu. Đức Giang không phải thiếu gì 500 triệu đấy, thế thôi", lãnh đạo DGC trả lời Thanh Niên.
Những người ủng hộ cho rằng, việc làm này là chính đáng, bởi doanh nghiệp minh bạch muốn tiền được trao tận tay cho các cầu thủ. Tuy nhiên có thể cách nói và cách làm của lãnh đạo DGC gây phản cảm, khiến đội tuyển đã từ chối nhận khoản tiền này. HLV Mai Đức Chung đã chia sẻ: "Của cho không bằng cách cho. Chúng tôi cũng cảm thấy bị tổn thương và như bị xúc phạm nếu phải nhận cách cho như kiểu ban ơn. Tôi xin cảm ơn công ty ĐG vì đã có ý định thưởng nhưng giờ, chúng tôi xin không nhận khoản thưởng này nữa".
Việc ủng hộ đội tuyển bóng đá nam và nữ, một mặt là tấm lòng của lãnh đạo các doanh nghiệp vì yêu quý đội tuyển bóng đá nước nhà nhưng mặt khác cũng là cách đánh bóng tên tuổi của công ty mình. Trên sóng truyền hình quốc gia, 30s quảng cáo trong trận chung kết có giá cả tỷ đồng, nên việc công ty chi 500 triệu để được nhắc đến tên trên sóng và trên truyền thông, đó cũng là một "khoản đầu tư". DGC muốn minh bạch là một yêu cầu chính đáng, nhưng cách làm và cách phát ngôn có thể gây phản cảm với đội tuyển.
Hóa chất Đức Giang không thiếu tiền
Ông Đào Hữu Huyền khởi nghiệp trong ngành hóa chất từ những năm thập kỷ 90, khi ông có thời gian làm việc tại Nhà máy hóa chất Đức Giang, khi đó còn là nhà máy của nhà nước. Ông Huyền được cử đi học ở Áo, sau đó về Việt Nam lập công ty riêng là công ty Văn Minh, chuyên nhập hóa chất từ Trung Quốc về bán cho thị trường trong nước.
Năm 2007, khi Đức Giang tiến hành cổ phần hóa, ông Huyền và vợ đã mua lại cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Năm 2018, Hóa chất Đức Giang sáp nhập Hóa chất Đức Giang Lào Cai và các công ty con, doanh thu lên tới 6.000 tỷ/năm trong đó hơn 90% đến từ xuất khẩu, lợi nhuận đạt 900 tỷ.
Các nhà máy của Hóa chất Đức Giang
Đã từng có thời điểm, ông Huyền nằm trong top 30 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán. Hiện nay giá trị tài sản đứng tên riêng của ông này khoảng hơn 700 tỷ, còn của chung gia đình gần 1.000 tỷ. Con trai của ông Huyền, du học sinh ở UK, về làm Phó Giám đốc công ty, người đang sở hữu giá trị tài sản hơn 100 tỷ.
Doanh thu công ty 6.000 tỷ/năm
Lợi nhuận 900 tỷ/năm
Nhìn vào năng lực tài chính của công ty và bản thân Chủ tịch Đào Hữu Huyền có thể thấy Hóa Chất Đức Giang không thiếu tiền và 500 triệu đồng là rất nhỏ so với quy mô doanh nghiệp. Tuy nhiên sau lùm xùm trên mặt báo, doanh nghiệp mang 500 triệu đến trao cho đội tuyển đã bị từ chối khiến hình ảnh của công ty đã bị tổn hại trên truyền thông.
Trí Thức Trẻ