Soi khả năng sinh lời của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam
Khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ suất sinh lợi trên nguồn vốn đạt cao nhất nhưng có xu hướng giảm dần qua các năm.
- 31-07-2023Hé lộ tài sản HAGL thu về sau khi “xóa nợ” hơn 3.300 tỷ đồng với Lê Me
- 31-07-2023Hé lộ số tiền đại gia Kido phải bỏ ra để mua lại "ông trùm bánh bao" Thọ Phát
- 31-07-2023Thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ, Gemadept bão lãi quý 2/2023 gấp gần 6 lần cùng kỳ
Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (khu vực FDI) là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, cả nước thu hút 17.612 doanh nghiệp FDI, gấp 1,7 lần so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, thu hút 15.210 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chiếm 86,4% tổng số doanh nghiệp FDI và 2.402 doanh nghiệp liên doanh, chiếm 13,6%.
Doanh nghiệp FDI hoạt động ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng. Hầu hết các ngành kinh tế đều có các doanh nghiệp FDI đầu tư nhưng nhiều nhất trong khu vực công nghiệp và xây dựng.
Tỷ suất lợi nhuận trên nguồn vốn phản ánh khả năng sinh lợi của nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Theo số liệu Tổng Cục Thống kê công bố trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021 về Kết quả hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 2016 - 2020, tỷ suất lợi nhuận trên nguồn vốn của doanh nghiệp FDI có xu hướng giảm trong giai đoạn 2016 - 2020.
Năm 2016, tỷ suất lợi nhuận trên nguồn vốn đạt 6,9%; tăng nhẹ vào năm 2017 với 7,0%; có xu hướng giảm dần giai đoạn 2018 - 2020 tương ứng với 5,8%, 5,4% và 5,2%; bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,8%/năm.
So với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước thì doanh nghiệp FDI có tỷ suất lợi nhuận trên nguồn vốn đạt cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 gấp 2,7 lần doanh nghiệp nhà nước và gấp 4,4 lần doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Năm 2016, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có tỷ suất sinh lợi trên nguồn vốn đạt 5,9%, thấp hơn doanh nghiệp liên doanh đạt 11,5%; đến năm 2020, tỷ suất sinh lợi trên nguồn vốn của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh gần tương đương nhau lần lượt đạt 5,2% và 5,1%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ suất sinh lợi trên nguồn vốn đạt cao nhất nhưng có xu hướng giảm dần qua các năm, năm 2016 đạt 9,3%, đến năm 2020 đạt 6,6%. Khu vực dịch vụ là khu vực kinh tế có mức ổn định về tỷ suất sinh lợi trên nguồn vốn trong giai đoạn 2016 - 2020, tuy nhiên thấp hơn nhiều khu vực công nghiệp và xây dựng, năm 2016 đạt 2,6%, đến năm 2020 vẫn chỉ đạt 2,6%, chưa có sự cải thiện đáng kể.
Các doanh nghiệp FDI đang kinh doanh lời lãi như thế nào?
Tỷ lệ doanh nghiệp FDI kinh doanh lỗ ở mức cao trong giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2016, số doanh nghiệp này chiếm 47,9% tổng số doanh nghiệp FDI, có xu hướng giảm nhẹ qua các năm. Tuy nhiên, đến năm 2020 tỷ lệ này vẫn chiếm 43,4% tổng số. Giá trị lỗ bình quân 14,8 tỷ đồng/doanh nghiệp vào năm 2016, đến năm 2020 tăng lên 16,1 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Tỷ lệ kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp FDI giai đoạn 2016 - 2020 tương đương với doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 47,2%, nhưng cao hơn rất nhiều doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 17,4% tổng số doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài kinh doanh lỗ chiếm tỷ lệ cao hơn doanh nghiệp liên doanh. Năm 2016, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài kinh doanh lỗ chiếm 48,7%, đến năm 2020 chiếm 43,8%. Doanh nghiệp liên doanh kinh doanh lỗ chiếm 43,4% năm 2016, chiếm 41,5% năm 2020. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, doanh nghiệp liên doanh kinh doanh lỗ chiếm 42,0%; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 45,5%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ doanh nghiệp FDI kinh doanh lỗ cao nhất, chiếm 60,5% năm 2016, có xu hướng giảm dần, còn 45,0% năm 2020. Tiếp theo là khu vực dịch vụ với 52,9% doanh nghiệp kinh doanh lỗ năm 2016, giảm còn 45,1% năm 2020. Khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ kinh doanh lỗ thấp nhất, chiếm 44,3% năm 2016, có xu hướng giảm dần qua các năm, đến 2020 chiếm 41,8%. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ doanh nghiệp FDI kinh doanh lỗ cao nhất chiếm 52,1%; khu vực dịch vụ chiếm 48,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 42,5%.
Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng doanh nghiệp FDI kinh doanh có lãi cơ bản tăng dần theo từng năm, luôn chiếm tỷ lệ lớn hơn số lượng doanh nghiệp FDI kinh doanh lỗ. Cụ thể, năm 2016 chiếm 51,4% tổng số doanh nghiệp FDI; năm 2017 chiếm 51,0%; năm 2018 chiếm 51,5%; năm 2019 chiếm 52,6%; năm 2020, cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc chịu lỗ nặng nhưng khu vực FDI vẫn có 10.558 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 47,5%. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, doanh nghiệp FDI kinh doanh có lãi chiếm 50,6%.
Doanh nghiệp liên doanh kinh doanh có lãi chiếm tỷ lệ cao hơn doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Năm 2016, doanh nghiệp liên doanh kinh doanh có lãi chiếm 55,0%; năm 2020 chiếm 47,6%, gấp 1,3 lần số doanh nghiệp kinh doanh có lãi năm 2016. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 50,8% năm 2016; năm 2020 chiếm 47,5%, gấp 1,5 lần số doanh nghiệp kinh doanh có lãi năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, doanh nghiệp liên doanh kinh doanh có lãi chiếm 52,9%, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 50,2%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ doanh nghiệp FDI kinh doanh có lãi cao nhất 3 khu vực kinh tế, chiếm 55,3% năm 2016, đến năm 2020 chiếm 52,6%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ doanh nghiệp FDI kinh doanh có lãi thấp nhất, chiếm 39,5% năm 2016, tăng nhẹ qua các năm, năm 2020 chiếm 39,6%. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020 chiếm 43,5%.
Nhịp sống thị trường