Soi lại màn gọi vốn của VuFood trên Shark Tank sau khi CEO bị tố lừa đảo: Du học sinh Trung Quốc ‘gạ’ Shark Hưng đầu tư chục máy cà phê, lãi thừa tiền cho con đi học!
Trên Shark Tank 2 năm trước, CEO VuFood Lê Tuấn Vũ giới thiệu VuFood như một món hời đầu tư khi tỷ suất lợi nhuận đạt tới 55%/máy. Năm đó, vị CEO sinh năm 1984 này còn ‘gạ’ Shark Hưng đầu tư chục máy sẽ thừa tiền cho con đi học. Còn hiện nay, CEO này đã không còn liên lạc được sau khi bị hàng trăm nhà đầu tư tố lừa tiền.
- 21-12-2021[Độc quyền] Startup từng lên Shark Tank bị tố "giam vốn" hàng chục tỷ đồng của 140 nhà đầu tư, CEO mất tích, nhân viên tự nghỉ việc?
- 16-11-2021Founder mắm Lê Gia bật mí bí kíp gọi vốn, ‘thi đậu’ Shark Tank: Biết tạo điểm nhấn ấn tượng, nắm chắc vấn đề tài chính và đặc biệt phải ăn no bụng
2019 là một năm phất danh của VuFood, khi cái tên này vừa được xướng trong Top 3 cuộc thi "Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch", vừa xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam gọi vốn thành công 350.000 USD (cam kết trên truyền hình).
Trên sóng Shark Tank Việt Nam năm đó, VuFood định vị mình là một doanh nghiệp bán lẻ, chứ không phải quảng cáo. Sản phẩm mang đến Shark Tank là máy pha chế tự động VuFood, được giới thiệu là sáng kiến máy pha chế cà phê và trà sữa tích hợp bán hàng tự động, mang lại nhiều lựa chọn đồ uống cho khách hàng trong một chiếc máy.
Shark Hưng - vị cá mập duy nhất tỏ ra hứng thú với startup này – đã dò hỏi về tiềm năng kinh doanh: "Nếu tôi là một hộ kinh doanh cá thể, tôi mua chục cái máy có đủ tiền cho con đi học không?"
"Shark Hưng hỏi thì em xin trả lời là: THỪA TIỀN để con đi học!", Lê Tuấn Vũ quả quyết.
Về bài toán lợi nhuận, vị CEO từng du học ở Trung Quốc 6 năm cho biết Shark chỉ cần bỏ ra 180 triệu đồng đầu tư. Một ly cà phê có lợi nhuận khoảng 30% - 49%/doanh thu sau khi trừ hết chi phí.
Vufood được đặt tại các trường Đại học và Bệnh viện dưới hình thức thuê địa điểm cố định hoặc chia sẻ doanh thu khoảng 15%. Doanh số tại các vị trí cao điểm rơi vào khoảng 50 triệu đồng, tự doanh thì tỉ suất lợi nhuận có thể đạt tới 55%.
Thời điểm đó, Shark Hưng đánh giá sơ bộ sản phẩm tương đối tốt, công nghệ IOT cần cải tiến, phần mềm phải cập nhật thường xuyên.
Đối tượng kinh doanh, Shark Hưng gợi ý nên là các hộ kinh doanh cá thể, người mua vài máy của VuFood là đủ tiền cho con ăn học, chứ không phải đối tượng kinh doanh là người đến mua ly cà phê.
Mặc dù không được Shark Hưng rót vốn sau bể cá mập, VuFood vẫn "mượn danh" ông kêu gọi đầu tư khắp nơi với lãi suất hấp dẫn.
VuFood là sản phẩm của CTCP giải pháp kinh doanh Lê Vũ, được thành lập vào đầu năm 2019 với vốn điều lệ trên giấy tờ là 19,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, CEO sinh năm 1984 thổ lộ vốn thực góp mới có 7 tỷ đồng.
Sau Shark Tank Việt Nam, Lê Tuấn Vũ thành lập CTCP Truyền thông VuMedia Việt Nam vào năm 2021, liên tục kêu gọi đầu tư "với Shark Hưng", hứa hẹn lãi suất khủng. Cụ thể, fanpage VuFood cho biết nhà đầu tư chỉ cần bỏ vốn ban đầu 15 triệu đồng, mỗi tháng thu về 1 triệu đồng mà chẳng phải làm gì.
Để tăng uy tín, Fanpage này còn mượn tên Shark Hưng kêu gọi: "Đầu tư theo Shark Hưng, đầu tư an toàn, hạn chế rủi ro, đảm bảo lợi nhuận, không cần vận hành".
Trước sự việc này, phía Shark Hưng và CENGroup đã phải lên tiếng gọi đây là vụ việc "mạo danh để gọi vốn". Sự thật là Shark không hề đầu tư vào VuFood sau DD, đồng thời cảnh báo mọi người không bị dụ dỗ.
Mới đây, VuMedia bị hàng trăm nhà đầu tư tố "giam vốn" hàng chục tỷ đồng, sau khi nhận tiền vốn góp thì đã "lặn mất tăm", văn phòng đóng cửa, CEO không liên lạc được...
Doanh nghiệp và tiếp thị