MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Soi quỹ đất "khủng” của Saigontourist

29-05-2021 - 09:20 AM | Bất động sản

Soi quỹ đất "khủng” của Saigontourist

Với lợi thế là doanh nghiệp "ruột" của TP HCM hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, du lịch lữ hành, Saigontourist còn được mệnh danh là "vua đất" với loạt bất động sản khủng trải dài từ Bắc vào Nam.

Theo tim hiểu của phóng viên, Saigontourist Group là doanh nghiệp nhà nước đang quản lý hơn 100 đơn vị khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, công ty lữ hành, khu vui chơi giải trí, trường đào tạo du lịch, khu triển lãm hội nghị, sân golf, truyền hình cáp… ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó có thể kể đến các dự án hạng sang như Rex, Caravelle, New World Sài Gòn, Sheraton, Pullman, Intercontinental...

Soi quỹ đất khủng” của Saigontourist - Ảnh 1.

Saigontourist sở hữu khối khách sạn khổng lồ với những thương hiệu lâu đời bậc nhất TP HCM và Hà Nội

Đặc biệt, 4 khách sạn gồm Bến Thành - Rex Hotel, Majestic Hotel, Continental Hotel và khách sạn Kim Đô có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cần được bảo tồn và có vị trí tại trung tâm thành phố, mang tính đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Không những vậy, Saigontourist có trên 50 phần vốn góp tại các doanh nghiệp khác đang hoạt động trong ngành du lịch và các công ty đang sử dụng đất tại vị trí trung tâm, đắc địa tại địa phương. Có thể kể đến như 14,44% tại CTCP Quê hương Liberty, 3,61% tại CTCP Bông Sen.

Một thành viên khác của Saigontourist là CTCP Du lịch Sài Gòn – Quảng Bình hiện cũng đang là chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn – Bảo Ninh (Quảng Bình), tên thương mại là Melia Park Hotel and Resort Quảng Bình.

Được biết, dự án có quy mô lên tới 4,25 ha kế ngay bên Quảng trường biển Bảo Ninh, được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư và cho thuê đất từ năm 2009.

Tuy nhiên, sau khi được giao đất, Công ty con của Saigontourist đã "đắp chiếu đất vàng" hàng chục năm, đến tháng 10.2018, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình có thông báo chủ trương tiếp tục triển khai đầu tư dự án.

Đến tháng 11.2018, Sở KH-ĐT cấp giấy chứng nhận điều chỉnh lần thứ nhất cho dự án với diện tích 4,25 ha, tổng vốn đầu tư gần 425 tỉ đồng, thời gian hoàn thành tháng 9.2020. Song đến hiện tại dự án vẫn chưa thể hoàn thiện đưa vào sử dụng.

Soi quỹ đất khủng” của Saigontourist - Ảnh 2.

Melia Park Hotel and Resort Quảng Bình

Cuối năm 2018, trong khi vướng lùm xùm chậm tiến độ hàng chục năm tại Melia Park Hotel and Resort Quảng Bình thì Saigontourist cũng bắt đầu vận hành và kinh doanh khách sạn 4 sao Sài Gòn - Phú Thọ.

Theo báo cáo tài chính của Saigontourist, trong giai đoạn 2014 - 2018, hoạt động kinh doanh của đơn vị này khá ổn định khi lãi trước thuế hợp nhất lên tới 1.100 tỷ đồng mỗi năm.

Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản doanh nghiệp này đạt 11.903 tỉ đồng, giảm nhẹ so với 1/1/2018. Trong đó, đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết 3.639 tỉ đồng, chiếm 31% tổng tài sản.

Cũng trong năm này, Saigontourist đã đưa vào khai thác khách sạn 4 sao Sài Gòn - Vĩnh Long gồm 84 phòng nghỉ, 2 sảnh tiệc City Hall và Centrall Hall sức chứa lên đến 1.600 khách còn nhà hàng Mekong sức chứa 400 khách.

Theo tìm hiểu của PV, ngoài các dự án kể trên, Saigontourist cũng từng dự kiến đầu tư xây dựng khu du lịch Sài Gòn – Ba Bể (Bắc Kạn), xin chủ trương đầu tư dự án khu du lịch Sài Gòn – Suối Ớt (Côn Đảo), Công viên Cảng Bạch Đằng tại quận 1 TP. HCM, cao ốc văn phòng Saigontourist Tân Sơn Nhất, vốn đầu tư 228 tỷ đồng…

Đáng chú ý, ngoài quỹ bất động sản kể trên, Saigontourist cũng từng vướng vào tai tiếng với thương vụ bán 50% vốn điều lệ tại Công ty CP Sài Gòn Gôn, Saigontourist dẫn đến việc Khu đô thị dân cư Nông trường Dừa rơi vào tay tư nhân một cách khó hiểu.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 11/2018, sau khi các cơ quan chức năng chỉ ra sai phạm của việc thoái vốn của Saigontourist tại Công ty Sài Gòn Gôn, tổng công ty này đã hủy việc thoái vốn.

Mặc dù đã được xác định lộ trình cổ phần hóa là vào năm 2018. Theo chủ trương chung, trong giai đoạn đầu, Saigontourist (gồm cả lữ hành) giữ lại 65% cổ phần. Tuy nhiên, với quỹ tài sản lớn trải dài từ Bắc vào Nam, việc định giá doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hóa Saigontourist vẫn gặp không ít gian nan.

Báo cáo tài chính hợp nhất 2020 của Saigontourist ghi nhận doanh thu thuần của đơn vị này đã giảm 74% so với năm 2019, còn gần 1.312 tỷ đồng và công ty lỗ ròng hơn 87 tỷ đồng.

Mới đây, UBND TP HCM cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không thực hiện cổ phần hóa Saigontourist hoặc thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP để tiếp nhận, quản lý 4 khách sạn: Rex, Majestic, Continental và Kim Đô.

Theo Thanh Trang

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên