MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Soi thời khóa biểu 1 ngày của học sinh ngôi trường có 36 em được 30 điểm đại học: Chăm thế này không đỗ mới lạ!

20-09-2021 - 15:13 PM | Sống

Em Lộc Thị Vân Anh, học sinh lớp 12A1 của trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 đã có những chia sẻ về môi trường học tập ở đây.

Mới đây, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An (xã Nghi Ân, thành phố Vinh) gây sốt dư luận vì thành tích quá xuất sắc trong kỳ thi Tuyển sinh Đại học 2021. Cụ thể, trường có 5 lớp, gồm 149 học sinh tham dự kỳ thi Tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, với điểm trung bình chung xếp thứ 2 tỉnh Nghệ An, sau trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Qua thống kê, có tới 36 học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An đạt điểm xét tuyển đại học từ 30 trở lên, sau khi tính điểm ưu tiên. Theo đó, hơn 95% học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số và được cộng 2,75 điểm ưu tiên. Tuy nhiên, nếu không tính điểm ưu tiên thì trường cũng có hơn 40 em đạt từ 27 điểm trở lên.

Soi thời khóa biểu 1 ngày của học sinh ngôi trường có 36 em được 30 điểm đại học: Chăm thế này không đỗ mới lạ! - Ảnh 1.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An.

Sau khi những thành tích của học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An được cả nước biết đến, rất nhiều người không khỏi tò mò: Làm thế nào mà một ngôi trường mới hơn 10 năm thành lập lại có thành tích sáng chói đến vậy?

Tự học đến 3h sáng nhưng vẫn luôn có thời gian tập thể thao, vui chơi bên bạn bè

Em Lộc Thị Vân Anh, học sinh lớp 12A1 của trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An đã có những chia sẻ về môi trường học tập ở đây. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Vân Anh tuy không giành trọn vẹn 30 điểm, nhưng cũng có mức điểm cực khủng. Theo đó, nữ sinh này đạt 29,04 điểm (tính cả điểm cộng), đỗ vào IT2 - Kỹ thuật máy tính, Viện CNTT và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Nói về thời khóa biểu học tập hàng ngày của học sinh nội trú, Vân Anh chia sẻ: "Sáng 5h30 - 6h30, chúng em dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân và ăn sáng. 6h30 - 11h10, học trên lớp. 11h10 - 13h30 ăn, ngủ, nghỉ. 13h30 - 16h lên lớp học. 

Soi thời khóa biểu 1 ngày của học sinh ngôi trường có 36 em được 30 điểm đại học: Chăm thế này không đỗ mới lạ! - Ảnh 2.

Nữ sinh Lộc Thị Vân Anh - học sinh lớp 12A1, thi đỗ Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC

Từ 16h - 18h30 về phòng vệ sinh cá nhân, ăn cơm tối. Từ 18h30 - 22h tự học trên lớp. Từ 22h - 23h về phòng, vệ sinh cá nhân. Khoảng thời gian 23h - 5h30 sáng hôm sau là thời gian ngủ".

Được biết, học sinh nội trú sẽ không được đi ra ngoài, không được sử dụng điện thoại và phải dọn dẹp phòng hàng ngày gọn gàng, ngăn nắp, nếu không sẽ bị phạt. Ngoài ra, vào cuối tuần, các em cũng có thêm những buổi lao động, rèn luyện thể chất.

Nói về cuộc sống tại trường nội trú, Vân Anh chia sẻ: "Chúng em học trường nội trú, sống xa nhà nên tính tự lập được đặt lên hàng đầu. Xa bố mẹ, từ việc nhỏ nhặt nhất bọn em đều phải tự làm. Nếu có khó khăn gì thì các bạn, thầy cô luôn sẵn lòng giúp đỡ. 

Còn việc tự học thì lúc mới vào trường, bọn em chưa thể vào nếp được. Lúc đó có các anh chị tình nguyện giúp đỡ, rồi tổ chức các câu lạc bộ tự học, các chương trình ngoại khóa. Ở đây, chúng em cũng chẳng nghĩ đến chuyện học thêm hay gì đâu, tự học và không hiểu gì có thể hỏi trực tiếp thầy cô, và thầy cô luôn luôn giúp đỡ hết mình".

Soi thời khóa biểu 1 ngày của học sinh ngôi trường có 36 em được 30 điểm đại học: Chăm thế này không đỗ mới lạ! - Ảnh 3.

Thành tích khủng lớp 12A1. Các em đều đỗ những ngôi trường đại học top đầu. Ảnh: NVCC

Trước kỳ thi quan trọng nhất của đời học sinh, Vân Anh và các bạn viết đơn xin ở lại trường để ôn luyện. Không ai bảo ai, các cậu học trò tự lên dây cót tinh thần, quyết tâm hết mình cho mục tiêu lớn. "Bạn nào cũng tay ôm tài liệu, tay ôm sách. Những ngày cuối, chúng em tự lập thời gian biểu phù hợp với bản thân, nhưng vẫn phải tuân theo giờ giấc quy định của nhà trường. 

Ví dụ, chúng em sẽ có 2 buổi học với thầy cô vào 7h - 9h sáng và 14h30 - 16h30 hàng ngày, trừ chủ nhật. Thời gian còn lại sẽ dành cho bọn em tự học và học nhóm. Nhà trường luôn tạo điều kiện cho học sinh không gian và thời gian tự học thoải mái và hiệu quả nhất", Vân Anh chia sẻ.

Soi thời khóa biểu 1 ngày của học sinh ngôi trường có 36 em được 30 điểm đại học: Chăm thế này không đỗ mới lạ! - Ảnh 4.

Lớp 12A1 chụp cùng thầy giáo chủ nhiệm Cao Hùng. Ảnh: NVCC

Tân sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng chia sẻ lịch ôn thi của mình và các bạn trước đó. Cụ thể như sau:

7h - 9h: Học ca 1.

9h15 - 11h15: Học thêm ca 2, lớp nâng cao nếu không có lịch, hoặc tự tìm chỗ tự học.

11h20 - 12h: Ăn cơm, rửa bát và dọn bàn ăn, nếu vào lịch trực của lớp.

12h - 14h: Ngủ, sau đó dậy dọn phòng.

14h30 - 16h30: Lên lớp học ca chiều.

16h30 - 18h00: Tìm chỗ để tự học, hoặc tham gia các hoạt động thể thao, giải trí.

18h - 19h: Tắm rửa, ăn tối, rửa bát, dọn dẹp nhà ăn và phòng ở.

19h15 - 22h30: Lên lớp tự học.

23h15: Tiếp tục tự học đến 1h sáng, hoặc 2h, 3h sáng, tùy từng hôm. Vân Anh cũng chia sẻ, khoảng 3h, 4h sáng sẽ có nhiều bạn bắt đầu dậy tự học.

Đến 5h30: Dậy tập thể dục, chạy bộ, tắm rửa, dọn phòng, ăn sáng, chuẩn bị cho một ngày mới.

Soi thời khóa biểu 1 ngày của học sinh ngôi trường có 36 em được 30 điểm đại học: Chăm thế này không đỗ mới lạ! - Ảnh 5.

Học sinh trường nội trú không chỉ học mà còn có nhiều hoạt động thể thao, giải trí. Ảnh: NVCC

Trước một số ý kiến cho rằng, học sinh nội trú không có tuổi thơ, chỉ biết học và học, Vân Anh cho hay: "Không đúng đâu vì ngoài học, chúng em có rất nhiều hoạt động. Vào mỗi buổi chiều, chúng em còn được bơi lội, đánh bóng, chơi cầu lông, đá cầu, về vườn nhổ lạc, hái rau để giải tỏa căng thẳng sau giờ học".

"Ở đây, thầy cô và học sinh tâm sự, nói chuyện như gia đình, bạn bè thân thiết"

Đó chính là cảm nhận của Vân Anh khi nói về những người thầy cô đã dìu dắt mình và các bạn trong suốt những năm học xa nhà. Cô bạn bồi hồi kể lại: "Thầy cô là người chỉ hướng và rèn luyện cho chúng em rất nhiều.

Khó có thể có ngôi trường nào mà thầy cô và học sinh có thể ngồi tâm sự và nói chuyện như bố mẹ, bạn bè thân thiết như ở đây. Để có được thành tích thi đại học tốt như bây giờ, chúng em phải cảm ơn trường rất nhiều. Không chỉ dạy kiến thức, thầy cô còn dạy chúng em các bài học cuộc sống, dạy chúng em làm người tử tế".

Vân Anh cũng chia sẻ về hai người thầy cô mà em không bao giờ quên: "Người thứ nhất là cô Phan Thị Hồng Hải, dạy môn Tin học. Chính cô đã hướng em đến đam mê máy tính, lập trình. Người thứ hai là thầy Cao Hùng - giáo viên chủ nhiệm của lớp, tuy lạnh lùng bên ngoài nhưng thực ra rất ấm áp, quan tâm đến học trò". 

Theo Thanh Hương

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên