“Soi” thực lực nhóm Win Energy: DN năng lượng Trung Quốc tham vọng chơi lớn ở Việt Nam
Tổng công suất các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng trị mà Win Energy Development đề xuất đầu tư lên đến 2.288 MW – đây là con số khổng lồ đối với một doanh nghiệp còn khá mới mẻ trong lĩnh vực này.
UBND tỉnh Quảng Trị vừa có buổi làm việc với CTCP Phát triển Win Energy (Win Energy Development) để nghe báo cáo đề xuất các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Tại đây, Win Energy Development đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chấp thuận thông qua và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 2 tại Khu Kinh tế Đông Nam.
Theo Win Energy Development, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 2 được xây dựng trên địa bàn xã Hải Khê với công suất thiết kế 2.000 MW, tổng mức đầu tư 2,18 tỷ USD. Theo kế hoạch, dự án dự kiến được xây dựng trong 42 tháng và vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2028.
Trước đó, doanh nghiệp này cũng báo cáo về cụm dự án Nhà máy điện gió Quảng Trị 1-6 dự kiến được thực hiện trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông. Cụm dự án này gồm 6 nhà máy điện gió với công suất mỗi nhà máy đạt 48 MW, tổng mức đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng. Tiến độ dự án dự kiến sẽ đi vào vận hành thương mại trong giai đoạn 2021 – 2022.
Tuy nhiên, hiện do lưới điện 220 kV theo quy hoạch đến năm 2021 không có khả năng giải tỏa thêm công suất nên Win Energy Development đề xuất xây dựng 1 trạm biến áp có công suất 610kVA nhằm truyền tải điện lên đường dây 500 kV.
Như vậy, tổng công suất các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng trị mà Win Energy Development đề xuất đầu tư lên đến 2.288MW – đây là con số khổng lồ đối với một doanh nghiệp còn khá mới mẻ trong lĩnh vực này.
Soi tiềm lực nhóm Win Energy
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, năm 2018, Win Energy Development không phát sinh doanh thu. Sang năm 2019, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 103,4 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ở mức 12,4 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 178 triệu đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 114,3 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu cũng tăng hơn 4 lần lên mức 27,26 tỷ đồng.
Với loạt dự án có tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng mà Win Energy Development đề xuất, trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng khiến dư luận không khỏi hoài nghi về năng lực thực sự của chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Win Energy Development được thành lập vào giữa năm 2018, trụ sở chính tại tầng 6, tòa nhà Toserco, số 273 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, có ngành nghề kinh doanh chính là lắp đặt hệ thống điện.
Vốn điều lệ ban đầu của Win Energy Development đạt 6,6 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là Công ty TNHH Phát triển Năng lượng Asean (Asean Energy, nắm giữ 98% VĐL), Công ty TNHH Tường Hân (nắm giữ 1% VĐL) và bà Nghiêm Thị Hoàn (nắm giữ 1% VĐL).
Tháng 2/2019, công ty này tăng vốn lên 50 tỷ đồng, Asean Energy vẫn nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 97,56% VĐL. Thời điểm này, Chủ tịch HĐQT là ông Duan YongBin (SN 1964, quốc tịch Trung Quốc), còn Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật do ông Trịnh Hồng Quân (SN 1980) đảm nhiệm.
Asean Energy được thành lập vào tháng 3/2017 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 triệu đồng. Trải qua nhiều lần nâng vốn, tính đến ngày 7/2/2020, Asean Energy có vốn điều lệ hơn 176 tỷ đồng. Ông Duan YongBin được ủy quyền đứng tên cho khoản vốn góp này.
Về kết quả kinh doanh, năm 2018, Asean Energy không phát sinh doanh thu. Sang năm 2019, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 520 triệu đồng; lỗ sau thuế ở mức 1 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 20,9 tỷ đồng.
Mặt khác, tài sản và nguồn vốn của Asean Energy vẫn tăng trưởng đều đặn trong vài năm trở lại đây. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Asean Energy đạt 113,53 tỷ đồng, tăng 22% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 92,81 tỷ đồng lên 103,32 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một pháp nhân khác cũng liên quan đến ông Duan YongBin là CTCP Win Energy (Win Energy). Doanh nghiệp này được thành lập cuối tháng 11/2015, trụ sở chính đặt tại tầng 3, tòa nhà Toserco, số 273 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.
Win Energy có vốn điều lệ ban đầu 510 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: bà Lại Như Ý, bà Nghiêm Thị Hoàn và ông Trịnh Hồng Quân, mỗi người nắm giữ 33,33% VĐL. Chủ tịch HĐQT thời điểm này do bà Lại Như Ý (SN 1982) đảm nhiệm.
Đến tháng 7/2019, Asean Energy trở thành cổ đông lớn nhất của Win Energy với việc nắm giữ 99,755% VĐL, đồng thời Chủ tịch HĐQT lúc này cũng được chuyển giao cho ông Duan YongBin nắm giữ.
Tính đến ngày 24/7/2020, Win Energy có vốn điều lệ 330 tỷ đồng, trong đó Asean Energy nắm giữ 45% VĐL. Còn 2 cổ đông khác là những doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc, gồm Central Southern China Electric Power Design Institute Investment (nắm giữ 4% VĐL) và Sunon International Company Limited (nắm giữ 51% VĐL). Chủ tịch HĐQT do ông He XinWen (SN 1977, quốc tịch Trung Quốc) đảm nhiệm.
Win Energy hiện là chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Win Energy Chính Thắng tại xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Dự án này có tổng công suất 50 MW, quy mô diện tích hơn 8ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng, được quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 12/2017 và đã khởi công vào tháng 4/2019.
Do đang trong quá trình phát triển dự án, trong 4 năm trở lại đây, Win Energy chưa phát sinh doanh thu, theo sau đó là khoản lỗ vài tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh nghiệp này lỗ sau thuế lần lượt 1,5 tỷ đồng và 6 tỷ đồng.
Năm 2019, lỗ sau thuế của Win Energy ở mức 61,9 triệu đồng, trong khi đó năm 2018 khoản lỗ này lên đến 13 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Win Energy đạt 79,16 tỷ đồng, giảm 44,87% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ từ 65,3 tỷ đồng lên 79,15 tỷ đồng.
Ngoài các doanh nghiệp kể trên, hệ sinh thái liên quan đến vị doanh nhân gốc Hoa – ông Duan YongBin – còn có Công ty TNHH Đầu tư Hồng Diệu, CTCP Đầu tư Năng lượng Tái tạo Win Quảng Trị, CTCP New Enegry Quảng Trị, Công ty TNHH Win Enegry LP, Công ty TNHH Điện gió Chính Thắng./.
Viettimes