SOM 3: Chưa bao giờ vấn đề ngân sách cho y tế được đề cập sâu như tại Việt Nam
Kết thúc 2 ngày làm việc, Hội nghị cấp cao lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế đều nhấn mạnh vai trò của đầu tư ngân sách cho y tế với sự phát triển của nền kinh tế.
- 23-08-2017SOM 3 ngày thứ 6: 14 hoạt động song song trong một ngày
- 23-08-2017Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực Y tế tại SOM 3
- 23-08-2017Kết thúc chương trình nghị sự kéo dài 4 ngày về Công nghiệp ô tô tại SOM 3 APEC 2017
- 18-08-2017SOM 3 và các cuộc họp liên quan bước vào ngày làm việc đầu tiên
Kéo dài trong 2 ngày 23 và 24/8, Cuộc họp Cấp cao APEC lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu đến từ 20 nền kinh tế APEC trong đó có các Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Y tế của nhiều nền kinh tế thành viên cũng như đại diện các cơ quan như Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực….
Y tế được đánh giá là một trong những chủ đề quan trọng nhất của APEC 2017 nên trong vai trò nước chủ nhà APEC 2017, phái đoàn Việt Nam có sự tham dự của các đại biểu là Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Lãnh đạo Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc cùng các nhà nghiên cứu, các chuyên gia của các trường đại học, viện nghiên cứu và một số doanh nghiệp….
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và phát biểu khai mạc cuộc họp.
Sau 2 ngày làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, cho biết các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về 5 nội dung lớn và đạt được sự đồng thuận cao, trong đó nhấn mạnh nội dung “Đầu tư cho y tế chính là đầu tư cho phát triển”. Nội dung của cuộc họp lần này sẽ được đệ trình lên các nguyên thủ tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 6-11/11 tới.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và PGS.TS.Trần Thị Giáng Hương - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế, sau khi kết thúc hội nghị. Ảnh: Linh Anh
Dù thời gian làm việc ngắn ngủi nhưng cuộc họp cấp cao của về Y tế và Kinh tế đã bàn thảo được nhiều nội dung quan trọng:
1: Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) nhằm đảm bảo mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải đối mặt với các khó khăn về tài chính. Đây là mục tiêu đã và đang được thực hiện rộng rãi trên toàn cầu và các nền kinh tế thành viên APEC. Tuy nhiên, một số nền kinh tế APEC đang phát triển có mức chi tiêu công cho y tế còn thấp.
Một số thách thức chung được chỉ ra như chi tiêu tiền túi cho chăm sóc y tế còn cao, hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn; hệ thống tập trung vào bệnh viện, hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho chăm sóc y tế chưa cao…. Các bộ trưởng Y tế APEC đã thảo luận những quan điểm về đổi mới tài chính y tế, tạo môi trường pháp lý và chính sách phù hợp để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả.
2: Cuộc họp khẳng định đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho phát triển, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ là động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế. Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe cần được xác định là một ưu tiên trọng tâm để tăng năng suất lao động xã hội. Từ các lợi ích kinh tế cũng cần đầu tư lại cho chăm sóc sức khỏe. Cuộc họp đã thảo luận và khuyến nghị một số công cụ đo lường lợi ích kinh tế và năng suất lao động bằng mô hình kinh tế y tế.
3: Nguồn tài chính công từ ngân sách nhà nước và Bảo hiểm y tế xã hội được coi là nền tảng để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trong bối cảnh nguồn tài chính công còn hạn chế ở một số nền kinh tế thành viên APEC, cần có các cơ chế để huy động nguồn tài chính bổ sung để mở rộng bao phủ chăm sóc sức khỏe cho mọi nhóm dân cư.
4: Ngoài huy động các nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe, cần nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực nhằm tiết kiệm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng các dịch vụ y tế. Tiết kiệm cũng có nghĩa là có nhiều nguồn lực hơn cho chăm sóc sức khỏe. Một số kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo đã chứng minh điều đó.
5: Các nền kinh tế thành viên APEC tái khẳng định cam kết thực hiện Sáng kiến vì một châu Á – Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020, được khởi xướng từ năm 2014, trong đó kêu gọi xây dựng theo hướng tiếp cận sức khỏe với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và khu vực.
Cuộc họp cũng thảo luận một số sáng kiến và hợp tác đang được triển khai để đạt được các mục tiêu đề ra trên cơ sở các khuyến nghị, đề xuất từ các đối thoại chính sách về phòng chống các bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tinh thần, sức khỏe phụ nữ, vị thành niên và thanh niên, phòng chống ung thư cổ tử cung, già hóa khỏe mạnh và tích cực, kháng thuốc kháng sinh, phòng chống lao….
Phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị, bà Kathryn Clemans, đồng chủ tọa Diễn đàn Đổi mới Khoa học đời sống (LSIF) do APEC tổ chức, nhấn mạnh cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế do Việt Nam tổ chức thành công nhất từ trước tới nay khi các đại biểu thảo luận với nhiều tính sáng tạo cũng như được đạo diễn bởi những cán bộ tài năng của ngành y tế Việt Nam.
“Tôi hoàn toàn đồng ý với kết quả của hội nghị. Các đại biểu đã tập trung bàn thảo những vấn đề liên quan tới huy động tài chính cho Y tế. Đây là lần đầu APEC thảo luận sâu về vấn đề này cũng như những tác động của nó với Y tế nói chung. Việc thảo luận cũng giúp mọi người hiểu vì sao đầu tư vào y tế là xứng đáng”, bà Clemans nói.