Sớm báo cáo Thủ tướng suất đầu tư cho 1km đường cao tốc
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải ưu tiên xác định suất đầu tư của 1 km đường cao tốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định làm cơ sở áp dụng, vận dụng trong triển khai Dự án Đường cao tốc Bắc-Nam.
- 04-08-2017Xây dựng tuyến đường cao tốc nối Ấn Độ và Việt Nam
- 29-07-2017Gãy dầm cầu đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn
- 27-06-201712.500 tỷ xây đường cao tốc đi qua Nam Định - Ninh Bình - Thái Bình
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu như vậy tại phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải ngày 17/8.
Danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải hiện gồm 37 công trình, với tổng mức đầu tư khoảng 1.090.000 tỷ đồng.
Trong đó, đường bộ có 23 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 489.034 tỷ đồng, gồm 13 dự án đã hoàn thành và 10 dự án đang được triển khai.
Đường sắt có 7 dự án với tổng mức đầu tư 195.444 tỷ đồng. Cả 7 dự án này đều đang trong quá trình triển khai thực hiện, riêng tiểu Dự án Đường sắt Hạ Long-Cái Lân, tổng mức đầu tư 1.511 tỷ đồng thuộc Dự án Đường sắt Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Hàng hải, đường thuỷ nội địa có 4 dự án, tổng mức đầu tư 49.422 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự án Cảng Lạch Huyện (tổng mức đầu tư 1.515 tỷ đồng) đang được triển khai.
Ngành hàng không có 3 dự án trong danh mục công trình trọng điểm, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 356.000 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án đã hoàn thành là Cảng Hàng không Phú Quốc và Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài.
Tại cuộc họp, Bộ GTVT đã báo cáo chi tiết tiến độ triển khai, đặc biệt là những vướng mắc cần tháo gỡ của từng dự án, công trình giao thông trọng điểm.
Phát biểu thảo luận, các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực và kết quả đạt được của ngành giao thông vận tải đối với các công trình dự án trọng điểm trong thời gian qua. Nhìn chung, các công trình thực hiện trong thời gian qua đều đạt tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu thiết kế.
Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng Dự án Đường cao tốc Thái Nguyên-Chợ Mới, 1 dự án thành phần của đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL 2 đến Hương Nộn, nâng cấp mở rộng QL 32 đoạn Cổ Tiết-cầu Trung Hà; một phần Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (65 km đoạn sử dụng vốn vay của JICA) và thông xe cầu Thành Cổ, tỉnh Quảng Trị (dự án thành phần sử dụng vốn dư lần 1 của Dự án Mở rộng QL1). Đồng thời, đôn đốc tiến độ các công trình, dự án trọng điểm để sớm hoàn thành đưa vào khai thác theo đúng tiến độ yêu cầu.
Tuy nhiên, một số công trình do công tác giải phóng mặt bằng không đáp ứng nên tiến độ còn chậm, các dự án ODA thiếu vốn đối ứng, kế hoạch vốn nước ngoài thiếu cho các dự án ODA, vốn ngân sách năm 2017 cho các dự án còn chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu cát xây dựng, giá cát tăng đột biến đang ảnh hưởng lớn tới tiến độ thi công các công trình giao thông.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án (thiết kế kỹ thuật, thi công, tiến độ, chi phí…) để kịp thời kiến nghị các giải pháp khắc phục hiệu quả.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu bổ sung Dự án Cao tốc Bắc Nam và Dự án Mở rộng Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, nhà thầu thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong triển khai các công trình dự án, nhất là đối với công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ.
Đồng thời, giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành để kiểm soát giá thành công trình.
Đối với các kiến nghị về cân đối vốn, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông thực hiện trong kế hoạch đã giao. Việc bổ sung sẽ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch.
Ngành giao thông cũng được giao khẩn trương hoàn thiện phương án đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam (phía đông), đặc biệt là phương án đầu tư các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XIV; chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, đáp ứng tiến độ yêu cầu như: Đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện; cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Hòa Lạc-Hòa Bình; hầm đường bộ Đèo Cả và 17 dự án thành phần sử dụng vốn dư (lần 1) của dự án mở rộng QL 14; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường dẫn; đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị để khởi công 17 dự án thành phần sử dụng vốn dư (lần 2); đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng sớm triển khai Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng” để nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình xây dựng nói chung và công trình giao thông nói riêng, chống thất thoát, lãng phí. Phối hợp với Bộ GTVT ưu tiên xác định suất đầu tư của 1 km đường cao tốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định làm cơ sở áp dụng, vận dụng trong triển khai Dự án Đường cao tốc Bắc-Nam.
Giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định nguồn mỏ vật liệu xây dựng; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thay thế nhằm ổn định giá vật liệu cát xây dựng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xem xét, tổng hợp nhu cầu vốn trung hạn cho các dự án công trình giao thông; đặc biệt là nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án thuộc danh mục nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Quốc hội; phối hợp với Bộ Tài chính để bố trí vốn đối ứng và triển khai kế hoạch vốn cho các dự án ODA.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải giải quyết nhanh chóng các vướng mắc trong công tác giải ngân; công tác tạm ứng hợp đồng, bố trí vốn đối ứng, kế hoạch vốn vay cho các dự án ODA, tăng cường quản lý công tác kiểm soát vốn đầu tư theo quy định.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp ổn định nguồn cung và ổn định giá vật liệu cát, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công các công trình xây dựng. Đồng thời, chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ các dự án.
Cũng tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, công trình trọng điểm hiện đang triển khai.
BizLive