Sớm bịt lỗ hổng thu thuế bán hàng online (*): Xác định nguồn thu từ các sàn
Việc xác định nguồn thu của các cá nhân, hộ kinh doanh hiện vẫn là vấn đề làm “đau đầu” các cơ quan thuế .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ để thúc đẩy sự minh bạch và công bằng với các chủ thể nộp thuế
- 15-08-2022Xử lý triệt để các bất cập của hệ thống thu phí không dừng
- 15-08-2022TP. Hồ Chí Minh: Triển khai hệ thống giải quyết thủ tục hành chính thống nhất vào tháng 10/2022
- 15-08-2022Cảnh giác chiêu dùng camera điện thoại soi đồ để trộm cắp
Sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) mang đến cơ hội kinh tế cho các chủ thể song cũng mở ra thách thức cho cơ quan quản lý trong việc xử lý những vấn đề về thuế đối với lĩnh vực kinh doanh không có sự hiện diện trực tiếp… Trong đó, thách thức lớn nhất đến từ việc xác định doanh thu, thu nhập của cá nhân, hộ kinh doanh TMĐT.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Thực tế công tác quản lý thuế chưa có các công cụ để kiểm soát khoa học để theo dõi lượng hàng hóa, cũng như doanh thu phát sinh từ các hoạt động này.
Từng bước giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã ký thỏa thuận, phối hợp công tác với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, xây dựng thỏa thuận phối hợp công tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an. Theo đó, các bộ, ngành đã thống nhất nguyên tắc phối hợp trong công tác quản lý TMĐT như chia sẻ cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin và phối hợp sửa đổi chính sách pháp luật để tăng cường công tác quản lý TMĐT và quản lý thuế nói riêng.
Thế nhưng, trên thực tế sự phối hợp của các bộ, ngành với cơ quan thuế thiếu sự ràng buộc trách nhiệm lẫn công tác giám sát của các bên. Các chuyên gia thuế từng đặt vấn đề sau khi ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của người bán hàng qua mạng, cơ quan thuế có phải thông báo cho ngân hàng biết thông tin đó đã được xử lý để tăng thu ngân sách hay không?
Theo ông Nguyễn Việt Anh, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), quản lý thuế đối với các hoạt động TMĐT và kinh doanh dựa trên nền tảng số là việc làm khá mới đối với nhiều cơ quan thuế trên thế giới. Gần đây mới đạt được một số thông lệ quốc tế tốt. Các nước thuộc khối EU cũng như Úc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã ban hành quy định cũng như chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng để quản lý thuế TMĐT. Việt Nam có thể tham khảo và chọn lọc cách làm từ các nước đã có kinh nghiệm, để tiến đến kiểm soát tốt nguồn thu từ thuế TMĐT.
PGS-TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), cho rằng bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ để thúc đẩy sự minh bạch và giám sát công bằng với các chủ thể nộp thuế. "Nên thành lập Trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao thuộc Tổng cục Thuế hoặc giao bổ sung chức năng này cho Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) để làm đầu mối triển khai hệ thống phần mềm quản lý thuế đối với TMĐT" - ông Trường gợi ý.
Phát huy vai trò của sàn giao dịch TMĐT
Còn với những người hằng ngày trực tiếp thực hiện công tác truy thu thuế với hộ kinh doanh có hoạt động TMĐT, nhiều cán bộ ngành thuế TP HCM mong muốn Chính phủ bổ sung thêm quy định phù hợp với thực tiễn hoạt động TMĐT. Ví dụ, Chính phủ có thể quy định sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn, trong đó nêu rõ về các mức ký quỹ, trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, trả hàng, đổi hàng, thời hạn chuyển tiền, tỉ lệ % chiết khấu…
Trước mắt, các sàn TMĐT lớn (Lazada, Tiki…) là những đơn vị tiên phong kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Bởi lẽ, chủ các sàn TMĐT này đều có bộ máy kế toán chuyên nghiệp, sử dụng ứng dụng điện tử để hạch toán kế toán, quản trị kế toán, kê khai thuế, nộp thuế; có hợp đồng với người bán hàng (cá nhân kinh doanh) nên việc tạm giữ nguồn tiền của người bán hàng hóa để nộp hộ thuế là khả thi.
Mặt khác, việc các sàn giao dịch TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán hàng sẽ giúp bảo đảm kê khai đủ doanh thu phát sinh của cá nhân, hộ kinh doanh. Đây là vấn đề nan giải mà cơ quan thuế mất nhiều nguồn lực trong việc khảo sát doanh thu nhưng vẫn không hiệu quả; phù hợp với xu hướng chung của quản lý thuế quốc tế và mục tiêu quản lý thuế đơn giản, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả theo Quyết định số 508/QĐ-TTg, ngày 23-4-2022, của Thủ tướng Chính phủ.
Vấn đề phát sinh tiếp theo là Tổng cục Thuế ban hành quy định cá nhân, hộ kinh doanh đăng ký, kê khai thuế tại cơ quan thuế địa phương phải xuất trình tài liệu, hồ sơ chứng minh phần doanh thu, thuế của mình đã nộp cho từng sàn giao dịch TMĐT; xây dựng quy trình, cơ chế chuyển xác nhận tiền thuế nộp thay… Tổng cục Thuế sẽ đứng ra hỗ trợ về công nghệ, con người…, giúp các chủ sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân, hộ kinh doanh. "Đặc biệt, Tổng cục Thuế có thể thiết lập tại cơ quan thuế địa phương bộ phận thu thập thông tin cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động TMĐT, phân loại dữ liệu, xác định rủi ro thuế để thực hiện quản lý thu thuế người bán hàng qua mạng hiệu quả; xây dựng tài liệu tuyên truyền về thuế đối với cá nhân kinh doanh TMĐT, nền tảng số bao gồm nghĩa vụ thuế, xử lý hình sự về thuế…" - một cán bộ ngành thuế đề xuất.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-8
Người Lao Động