MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sớm mở lại bay quốc tế thường lệ để tăng lợi thế cạnh tranh

Sớm mở lại bay quốc tế thường lệ để tăng lợi thế cạnh tranh

Gần 2 năm bị tạm dừng bay quốc tế, các hãng hàng không nội địa chỉ được phép bay: Giải cứu công dân; chở chuyên gia; thuê chuyến kèm cách ly và bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế, với phí chi trả đắt đỏ và phải xin phép nhiều thủ tục phức tạp. Thực tế này sẽ làm mất lợi thế cạnh tranh của hàng không Việt với quốc tế.

Nhu cầu cấp thiết

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép sớm mở lại đường bay quốc tế, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết, trên cơ sở thực hiện mục tiêu kép về phòng chống dịch và phát triển kinh tế, việc mở cửa dần cho khách quốc tế từ các khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine cao, kiểm soát dịch bệnh tốt là cần thiết. Vì nếu chậm triển khai, Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch, mà còn với các nhà đầu tư.

Hiện nay, các doanh nghiệp hàng không, du lịch đang tiến thoái lưỡng nan, suy yếu nguồn thu, có thể dẫn đến phá sản, khiến việc phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch khó khăn. Tính chung 11 tháng năm 2021, tổng thị trường vận tải hàng không chỉ đạt 13,4 triệu lượt khách, bằng 22,5% so với trước đại dịch (năm 2019). Riêng giai đoạn dịch lần thứ 4 bùng phát từ tháng 5-10/2021, tổng khách vận chuyển chỉ đạt 2,1 triệu lượt khách, bằng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế chỉ bằng 1%, khách nội địa đạt 10%.

Đại diện Vietjet cũng cho rằng, nhu cầu mở lại các đường bay quốc tế hiện nay là cầp thiết, đặc biệt là với các quốc gia đã và đang hoàn thành việc tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19.

Sớm mở lại bay quốc tế thường lệ để tăng lợi thế cạnh tranh - Ảnh 1.

Sớm mở lại bay quốc tế thường lệ để tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng không và du lịch Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, hàng không Việt Nam vẫn phải tích cực chuẩn bị để có thể triển khai ngay khi Bộ Y tế có những quy định cụ thể về cách ly cũng như đàm phán xong với các quốc gia có đường bay đến. Với biến chủng Omicron, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ từ 10 quốc gia châu Phi đến Việt Nam. Các chuyến bay đến từ các nước khác vẫn triển khai bình thường.

Trong văn bản mới nhất gửi Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho hay, Bộ GTVT đã làm việc với các hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và đại diện các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Công an, Văn hóa-Thể thao và Du lịch để xây dựng các phương án khôi phục khai thác hàng không quốc tế. Theo đó, tất cả các hãng hàng không nội địa đều kiến nghị nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các nước và vùng lãnh thổ, trên cơ sở đề xuất dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.

Bộ GTVT cũng đã đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu nới lỏng tối đa quy định về cách ly đối với hành khách nhập cảnh phù hợp với chính sách “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” hiện nay, tiến tới xem xét thời điểm dỡ bỏ quy định cách ly để thông báo tới các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách.

Mở bay quốc tế để mở cửa nền kinh tế

Theo các chuyên gia kinh tế, việc mở bay quốc tế đối với những quốc gia đã kiểm soát dịch tốt, nhằm cứu nền kinh tế vốn đang cần phục hồi qua duy trì đầu tư, du lịch và giao thương với nước ngoài. Trong đó, hàng không là ngành có sức lan tỏa rộng, là cầu nối quan trọng nhất với thế giới. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, không thể để thế giới sôi động còn mình thì "đóng cửa".

Đại diện các hãng hàng không cho rằng, việc mở bay thương mại quốc tế định kỳ và không buộc cách ly đối với khách sẽ khiến giá vé bay lập tức giảm, tạo điều kiện cho kiều bào, đặc biệt là những người đi làm việc, du học có cơ hội được về nước. Vì các chuyến bay quốc tế thường lệ muốn khởi động phải lên kế hoạch đưa lịch bay và mở bán vé trước ít nhất 6 tháng.

Nếu không công bố sớm và không quy định rõ ràng, khách sẽ không đủ thời gian đăng ký bay. Cần khuyến khích hãng hàng không thực hiện test miễn phí cho khách trước khi lên tàu bay, đảm bảo có thể bịt được “lỗ hổng” 72 giờ từ khi nhận kết quả âm tính đến lúc lên máy bay (sau khi có kết quả âm tính, khách vẫn đi lại, làm việc, vô tình bị dương tính mà không biết) cho hành khách.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định, việc mở các đường bay là nhu cầu thực tế khách quan, không phải chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng có việc xem xét mở lại các chuyến bay để phát triển kinh tế xã hội, đi lại, giao thương, phát triển du lịch. Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch mở đường bay quốc tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa ra các quốc gia dự kiến, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 quốc gia khác.

Việc mở đường bay quốc tế phải dựa trên điều kiện để mở được chuyến bay như xem xét khả năng phòng chống dịch, tiêm vaccine cho người dân, trên hết là sự đồng thuận của các quốc gia mà ta kết nối. Hộ chiếu vaccine là công cụ để Việt Nam mở các chuyến bay. Do điều kiện dịch bệnh, xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, nên đây cũng là một yếu tố tác động tới việc mở đường bay quốc tế, các nước cũng sẽ xem xét thận trọng hơn, đánh giá kỹ.

Theo kế hoạch, lộ trình và dự kiến mở lại đường bay quốc tế từ tháng 12/2021 và đầu năm 2022 có thể có những chuyến bay quốc tế, nhưng do biến chủng mới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát và làm việc với các quốc gia để có thể nối lại các chuyến bay sớm nhất, từ đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo Đăng Sơn

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên