Sớm triển khai 3 tuyến đường và 2 cầu vượt trọng điểm
Sáng 20/1, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm việc với quận ủy Hai Bà Trưng.
- 19-01-2017Thông xe một nhánh cầu vượt ngã sáu Gò Vấp
- 18-01-2017TP. HCM dành cơ chế đặc thù xây cầu vượt giải quyết ùn tắc giao thông
- 18-01-2017TPHCM áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư 2 cầu vượt giảm ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất
- 27-12-2016Người dân lo đi làm muộn vì cấm xe máy lên cầu vượt tuyến BRT đi qua
Báo cáo tại cuộc làm việc, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam cho biết, quận có mật độ dân số cao, hơn 34 nghìn người/km2. Những năm gần đây, kinh tế quận phát triển và chuyển dịch mạnh sang phát triển dịch vụ, thương mại, theo đó trên địa bàn quận có nhiều trung tâm thương mại lớn, các dịch vụ ăn uống, nhà hàng phát triển mạnh, có xu hướng hình thành các phố ăn uống tập trung.
Tại quận Hai Bà Trưng có 7 trường đại học lớn, 67 trường công lập trong hệ thống giáo dục phổ thông, 8 bệnh viện công lập, 8 bệnh viện ngoài công lập và gần 600 cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Hệ thống hạ tầng giao thông của quận khá đồng bộ và thuận lợi theo hướng Đông - Tây, song giao thông theo hướng Bắc - Nam còn nhiều khó khăn.
Do dân số đông, hệ thống đường thấp, hẹp nên giao thông theo hướng Bắc - Nam của quận Hai Bà Trưng rất khó khăn, thường xảy ra ùn tắc vào các giờ cao điểm, không thuận lợi cho phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch của quận. Trong đó, 3 tuyến đường giao thông theo hướng Bắc - Nam quận là Võ Thị Sáu - Minh Khai, Ngô Thì Nhậm - Trần Khát Chân, Mai Hắc Đế - Bạch Mai tuy đã có trong quy hoạch của UBND thành phố nhiều năm nhưng vẫn chưa có trong kế hoạch đầu tư từ nay đến năm 2020.
Cầu vượt tại các nút Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, Trần Hưng Đạo - Lương Yên đã được thành phố đưa vào danh mục công trình trọng điểm và là 2 trong số 7 dự án giao thông cấp bách cũng chưa được thành phố bố trí kế hoạch triển khai. Quận Hai Bà Trưng kiến nghị thành phố quan tâm, đưa các công trình trên vào đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020; trước mắt triển khai dự án đường Võ Thị Sáu kéo dài theo hình thức BT.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 200.000 dân và phải giải quyết nhà ở, trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa cho người dân. Thành phố đang xin Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế đặc biệt để giải quyết một số việc bất cập, nhất là sức ép về cơ sở hạ tầng, cả hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng văn hóa, hạ tầng giáo dục, hạ tầng y tế.
Các trường hợp cấp bách, khẩn cấp, cần có cơ chế riêng. Trên cơ sở UBND thành phố đã có chủ trương quy hoạch 3 tuyến đường giao thông nói trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế để triển khai bởi nó khai thông kết nối với nhiều tuyến đường lớn khác nên cần kiên quyết thực hiện.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Giao thông vận tải báo cáo Sở đã có kế hoạch, đang xem xét thiết kế, tính phương án giao thông phù hợp đối với hai cây cầu vượt tại các nút Bạch Mai – Lê Thanh Nghị, Trần Hưng Đạo – Lương Yên.
TTXVN