Sớm xây cầu Bình Khánh qua huyện Cần Giờ
Việc xây cầu Bình Khánh nối trung tâm TPHCM hiện hữu với huyện đảo Cần Giờ giúp huyện Cần Giờ gần hơn, tháo được nút thắt quan trọng để phát triển kinh tế của địa phương.
Chiều 22/2, UBND TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa thường trực UBND thành phố và chủ tịch UBND 322 phường xã, thị trấn. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và các phó chủ tịch cùng chủ trì.
Tại hội nghị, ông Huỳnh Anh Tuấn, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) kiến nghị UBND TPHCM sớm xây dựng cầu Bình Khánh nối trung tâm TPHCM hiện hữu với huyện đảo Cần Giờ.
“Việc làm cầu sẽ giúp huyện Cần Giờ gần hơn với các quận trung tâm, đồng thời tháo được nút thắt đầu tiên, quan trọng để phát triển kinh tế; xây dựng khu đô thị lấn biển Cần Giờ”, ông Tuấn đánh giá.
Ông Tuấn cũng đề nghị thành phố triển khai thực hiện một số công trình tại huyện Cần Giờ đúng tiến độ.
Ngoài ra, tuy đảo Thanh An được TPHCM coi như một xã nhưng cơ quan hành chính chưa được Trung ương công nhận. Vì vậy, người dân xã đảo này kiến nghị thành phố đề nghị Trung ương sớm công nhận để có cơ chế vận hành như một xã.
Theo ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch UBND thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè), tổng kho xăng dầu (chiếm 223 ha) nằm trên địa bàn thị trấn nên tuyến đường chính Huỳnh Tấn Phát thường xuyên quá tải.
Vì vậy, TPHCM cần sớm đầu tư đường Đặng Nhữ Lâm xuyên tâm kết nối các xã và đi qua huyện Bình Chánh nhằm chia sẻ mật độ giao thông, đồng thời sớm đầu tư đường 25 B, cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các hẻm.
“Hiện nay, số nhà cửa tại thị trấn Nhà Bè có rất nhiều “xuyệt”. Nhà nhiều nhất có tới 7 “xuyệt”, cần cải tạo để giảm”, ông Tư nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, về giao thông, mục tiêu lớn nhất là kết nối xong đường vành đai 2 và sớm triển khai vành đai 3.
“TPHCM phải tính toán kinh phí. 1 km đường chi phí đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ; việc đầu tư sẽ rất cân nhắc”, ông Tuyến nói.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có văn bản đồng ý đề xuất của UBND TPHCM xây cầu Bình Khánh (nối huyện Nhà Bè - Cần Giờ) và bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020.
Theo đề xuất của UBND TP.HCM, cầu Bình Khánh kết nối trung tâm TPHCM với các khu vực phía Nam nhằm phá thế độc đạo của phà Bình Khánh đang quá tải.
Có cầu Bình Khánh cũng sẽ tăng thu hút hoạt động du lịch, tham quan vui chơi giải trí vùng biển Cần Giờ.
UBND TPHCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam - Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ nghiên cứu phương án đầu tư dự án xây dựng cầu Bình Khánh theo hình thức Hợp đồng BOT kết hợp BT.
Phương thức thanh toán cho phần theo hợp đồng BT sẽ ưu tiên dùng quỹ đất trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Dự kiến cầu thay phà Bình Khánh và đường dẫn vào cầu dài khoảng 5,8km; vận tốc thiết kế 60km/h, mặt cầu rộng 40m với 6 làn xe. Điểm đầu của cây cầu kết nối với đường 15B (Nguyễn Lương Bằng nối dài) và điểm cuối kết nối với đường Rừng Sác.
Ngoài cầu Cần Giờ, tuyến đường Rừng Sác cũng sẽ được nâng cấp mở rộng để kết nối. Tuyến đường này do Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư.
Năm 2017, tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đồng tình với kiến nghị của người dân về việc cần sớm xây dựng cầu Bình Khánh nối nối liền huyện Cần Giờ với các quận huyện trung tâm TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm "lì xì" đầu năm cho các chủ tịch phường xã
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tặng quà cho 24 chủ tịch phường xã xuất sắc
Tiền phong