Sơn La được định hướng thành trung tâm sữa của Việt Nam, Mộc Châu Milk thêm lực đẩy để tiếp cận thị trường trong nước?
Ban lãnh đạo GTNfoods cũng như Mộc Châu Milk đều có niềm tin rằng chúng tôi sẽ gặt hái được thành quả tại thị trường Trung Quốc. Để một thị trường mới thực sự đón nhận thì thời gian là yếu tố cần thiết.
Nhiều tin vui đến với Mộc Châu Milk. Sau thông tin là một trong ba công ty Sữa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tại chuyến làm việc tại Công ty, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kỳ vọng các chiến lược và đề án lớn giữa nhà nước và doanh nghiệp sẽ biến Sơn La trở thành trung tâm của ngành bò – sữa cả nước, yêu cầu các đơn vị phối hợp tập huấn, phổ biến các thủ tục cần thiết, giới thiệu bạn hàng để Mộc Châu Milk tiếp cận và sớm đưa các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này.
Ngày 5/5/2019 vừa qua, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã tới thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, cùng đại diện UBND tỉnh, các Sở, Ban, ngành của tỉnh và huyện Mộc Châu. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã bày những vui mừng và đánh giá cao mô hình phát triển của Mộc Châu Milk trong nhiều khía cạnh – một điển hình về liên kết chuỗi sản xuất: đột phá trong ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ quy trình chăn nuôi bò sữa, từ đó đạt được kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội… Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ đồng hành cùng Mộc Châu Milk và bà con nông dân để phát triển ngành sữa tại đây.
Thời gian tới cũng sẽ là thời điểm đánh dấu bước ngoặt lớn cho ngành sữa Việt Nam khi thị trường Trung Quốc sẽ chính thức đón nhận sữa Việt sau hơn 10 năm. Trong chuyến thăm Trung Quốc do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao tham dự Diễn đàn hợp tác "Vành đai và con đường", Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã được ký kết, theo đó Ngày hội sữa Việt Nam tại Trung Quốc sẽ được chủ trì vào khoảng tháng 5-6.2019, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Sữa Việt Nam quảng bá sản phẩm của mình. Như vậy, trong năm 2019, các mặt hàng sữa của Việt Nam sẽ có mặt tại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp sữa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn có nhiều cơ hội xuất khẩu chính ngạch.
Mộc Châu Milk là một trong ba Công ty Sữa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc từ năm 2019.
Để đánh giá về cơ hội và định hướng của Mộc Châu Milk tại các thị trường mới, cụ thể là thị trường Trung Quốc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Anh, lãnh đạo GTNfoods - công ty mẹ của Mộc Châu Milk. Ông chia sẻ rằng, cơ hội tại thị trường Trung Quốc đã được GTNfoods và Mộc Châu Milk nghiên cứu và đang xúc tiến việc xuất khẩu sang thị trường này.
Thưa ông, trước cơ hội thị trường Trung Quốc, GTNfoods nói chung và Mộc Châu Milk nói riêng đã chuẩn bị những gì?
Hiện nay, cũng nằm trong hệ thống GTNfoods, trà nguyên liệu của Vinatea đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – Đài Loan năm 2018 là 1000 tấn, dự kiến trong năm 2019, khối lượng xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi tại thị trường này. Về mảng kinh doanh sữa, GTNfoods cũng đã nghiên cứu để có thể sớm tiếp cận thị trường Trung Quốc và chúng tôi có đủ niềm tin khi Mộc Châu Milk là một trong ba Công ty Sữa hàng đầu có chất lượng sản phẩm cao được Bộ NN&PTNT công nhận và cho phép thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Ông đánh giá như thế nào về khả năng thành công của mảng sữa khi đến thị trường Trung Quốc?
GTNfoods xác định thị trường Trung Quốc là cơ hội lớn cho Tập đoàn. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng để thành công ở thị trường này không dễ dàng và nhanh chóng vì:
Thứ nhất: Thị trường Trung Quốc tiềm năng nên sự cạnh tranh sẽ rất gay gắt. Các tập đoàn lớn, đa quốc gia đã sớm vào được thị trường này. Họ có điểm mạnh về sản phẩm, tiềm lực tài chính và sức mạnh phân phối.
Thứ hai: Sữa Việt sẽ phải chứng minh chất lượng và cần thời gian để người tiêu dùng chấp nhận. Sau bê bối sữa melamine năm 2008, người tiêu dùng Trung Quốc trở nên e ngại với các sản phẩm sữa trong nước, thay vào đó họ tìm kiếm các sản phẩm nước ngoài. New Zealand, Úc, EU, Mỹ là những nước xuất khẩu các sản phẩm nhiều nhất sang Trung Quốc, do đó, các sản phẩm sữa từ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những tên tuổi đáng kể như Nestlé, Mead Johnson…Dù Mộc Châu Milk nói riêng và các doanh nghiệp sữa Việt nói chung đã đủ tiêu chuẩn được xuất khẩu vào Trung Quốc nhưng tiêu chuẩn là một chuyện, người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm của mình lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Thứ ba: Đặc thù của sản phẩm sữa tươi là hạn sử dụng ngắn. Muốn thành công, bắt buộc công ty phải có hệ thống phân phối mạnh và quản trị tốt các điểm bán.
Mộc Châu Milk có kế hoạch tiếp cận thị trường Trung Quốc ra sao?
Hiện nay, chúng tôi đã tập trung vào viêc xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc và coi đây là định hướng chiến lược trong thời gian tới, gia tăng hiện diện tại thị trường này . Công ty đang làm việc với các đối tác Trung Quốc để sản xuất thử các sản phẩm theo yêu cầu và tiêu chuẩn của họ, từ đó nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng và hy vọng những sản phẩm Sữa chất lượng của Mộc Châu Milk sẽ có được niềm tin của khách hàng. .
Lợi thế của Mộc Châu Milk là đã được thị trường Trung Quốc biết đến, Mộc Châu là một trong những vùng chăn nuôi bò sữa lớn của Việt Nam bên cạnh Đà Lạt, các sản phẩm sữa của Mộc Châu Milk đã được xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc từ trước nên thương hiệu Mộc Châu Milk không còn quá xa lạ đối với thị trường này .Hơn nữa, Mộc Châu là tỉnh miền núi phía Bắc giáp Trung Quốc nên có nhiều thuận lợi trong việc giao thương và phát triển sản phẩm.
Về các bước triển khai, trước tiên Chúng tôi muốn định vị thương hiệu Mộc Châu Milk trong nhận thức tiêu dùng của khách hàng, đồng thời đánh giá phản ứng của thị trường đối với các sản phẩm của mình, từ đó nắm bắt được nhu cầu họ, dần đáp ứng và nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thương hiệu; tạo niềm tin của người tiêu dung vào chất lượng các sản phẩm sữa Việt, giới thiệu tới nước bạn về vùng nguyên liệu thức ăn chất lượng cho bò sữa, điều kiện chăn nuôi, các chứng chỉ chất lượng đạt chuẩn quốc tế.
Hiện tại, Mộc Châu Milk có hơn 40 loại sản phẩm được cung cấp ra thị trường, trong đó có nhiều sản phẩm không thuộc danh mục cấm xuất khẩu sang Trung Quốc, chúng tôi sẽ tiếp cận thị trường và tiến hành mở các điểm bán, các kênh phân phối rộng rãi hơn.
Mộc Châu Milk có tự tin sẽ đạt được thành quả ở thị trường Trung Quốc?
Ban lãnh đạo GTNfoods cũng như Mộc Châu Milk đều có niềm tin rằng chúng tôi sẽ gặt hái được thành quả tại thị trường Trung Quốc. Để một thị trường mới thực sự đón nhận thì thời gian là yếu tố cần thiết.
Mộc Châu được kỳ vọng sẽ phát triển thành trung tâm bò sữa lớn nhất của Việt Nam.
Mộc Châu Milk là doanh nghiệp có bề dày lịch sử hoạt động 61 năm, đi tiên phong trong chăn nuôi bò sữa đã vươn lên mạnh mẽ, chứng minh rằng chúng ta không chỉ làm tốt ngành sữa mà tới đây, Việt Nam sẽ là một trong những cường quốc trong khu vực về sữa.
Việc Vinamilk dự kiến tham gia đầu tư vào GTNfoods có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động và định hướng phát triển của Mộc Châu Milk?
Cả Vinamilk và Mộc Châu Milk đều theo đuổi chiến lược sản xuất sữa tươi Sạch và nguyên chất; các vùng chăn nuôi bò sữa đều đã đạt được những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới. Tôi cho rằng Vinamilk khi tham gia vào GTNfoods có thể trở thành một cổ đông chiến lược và tác động tích cực vào các kế hoạch phát triển của Mộc Châu Milk và Tập Đoàn. Bên cạnh đó, GTNfoods cũng luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư khác tiềm năng có thể đóng góp cho sự phát triển của GTNfoods.
Trí Thức Trẻ