MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sống chung với... không có lũ

21-09-2016 - 15:08 PM | Thị trường

Không còn mùa nước nổi trắng đồng, lũ không về sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy, tác động tiêu cực lên nông nghiệp và đánh bắt, nuôi thủy sản. Người dân ĐBSCL phải làm gì để sống chung với… không có lũ và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt?

Trong khi chờ các dự án của chương trình “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL” (ICRSL) đã được ngành nông nghiệp phê duyệt, nông dân ĐBSCL cũng tìm cách tự cứu mình bằng các mô hình đầy chất “hai lúa”.

“Hai lúa” thích ứng 
biến đổi khí hậu

Hết trồng mía, lúa đến nuôi tôm sú nhưng không khá lên được, ông Nguyễn Văn Đoàn (xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong mương vườn dừa và đã thành công ngoài mong đợi.

“Chỉ có cây dừa mới có thể trụ được ở đất này nên tui trồng và tận dụng các ao sâu bên dưới nuôi tôm càng xanh” - ông Đoàn cho biết.

Với thành công bước đầu, từ năm 2012 mô hình nuôi tôm càng xanh của ông Đoàn được Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đưa vào chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu để tài trợ, nhân rộng. Ông Đoàn và một số hộ dân tham gia được hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các chuyên gia từ Trường ĐH Cần Thơ và mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả.

Ông Võ Văn Ân - bí thư Đảng ủy xã Thới Thạnh - cho biết hiện 51 hộ có đất dọc với đất ông Đoàn đã tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa, nâng tổng diện tích nuôi theo mô hình này trong xã lên gần 60ha. Và trong năm 2015, mô hình này đã được Trung tâm Khuyến nông quốc gia bình chọn là một trong những mô hình đạt hiệu quả nhất trong 24 tỉnh, thành phía Nam.

Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú cũng đã thành lập tổ hợp tác tôm càng xanh nuôi xen trong mương vườn dừa, trong đó các tổ viên đều được tập huấn đầy đủ kỹ thuật, vay vốn (tối đa 50 triệu đồng/hộ, được hỗ trợ 100% lãi suất trong 6 tháng). Hơn 20 hộ nghèo (trước năm 2012) trong tổ này đều đã thoát nghèo và có cuộc sống tốt hơn.

“Cùng với mô hình nuôi xen tôm càng xanh trong ruộng lúa, mô hình nuôi xen trong mương vườn dừa sẽ được chúng tôi nhân rộng ra bởi rất hiệu quả trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn trên vùng đất nhiễm mặn Thạnh Phú” - ông Trương Thanh Hải, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú, khẳng định.

Vườn cây thay ruộng lúa

Tìm giải pháp giúp dân 
sống chung với 
biến đổi khí hậu

Trước bối cảnh thời tiết thay đổi ngày càng tiêu cực như biến đổi khí hậu, lượng mưa ít, lũ không về, hạn hán, mặn xâm nhập, hôm nay (21-9) báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) VN tổ chức buổi tọa đàm “Ứng phó ra sao khi lũ không về ĐBSCL?”, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia sẽ tập trung phân tích những tác động tiêu cực khi lũ không về đối với đời sống kinh tế - xã hội tại ĐBSCL cũng như giới thiệu các giải pháp “sống chung” với biến đổi khí hậu và lũ không về, các chính sách tài chính nhằm hỗ trợ người dân vùng hạn mặn chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu...

Theo PGS.TS Dương Nhựt Long - trưởng bộ môn thủy sản nước ngọt, khoa thủy sản Trường ĐH Cần Thơ, với diện tích gần 70.000ha dừa, nếu triển khai nuôi tôm càng xanh xen trong mương vườn dừa, Bến Tre sẽ có một sản lượng khá lớn tôm càng xanh thương phẩm. “Ngành nông nghiệp Bến Tre cần nhân rộng mô hình này” - ông Long đề nghị.

Trong khi đó do lũ ít, nhiều người dân tại An Giang đã xoay xở tìm cách thích nghi. Ông Huỳnh Văn Nhứt (xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang) cho biết thay vì tiếp tục trồng lúa, ông và người chị chuyển 50 công đất (1.000 m2/công) sang trồng xoài với thu hoạch rất tốt, khoảng 10 triệu đồng/công. Nhiều nông dân trong xã cũng chuyển sang trồng xoài, tạo ra phong trào chuyển từ lúa sang xoài.

Trong khi đó, ông Tống Văn Uôl (xã Vĩnh Trường, huyện An Phú) cũng “sống chung với không có lũ” bằng cách chuyển sang trồng sen. Với khoảng 13 công đất trồng sen, hiện nay cứ ba ngày ông Uôl cùng người hợp tác lại thu hoạch sen một lần với thu nhập khá ổn định, bởi chi phí bỏ ra trồng sen không lớn. Phong trào trồng sen ở vùng đầu nguồn không có lũ tại khu vực này cũng bắt đầu lan rộng.

Ông Phạm Thành Tâm, phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Phú, cho biết toàn huyện hiện có khoảng 400ha lúa chuyển sang trồng xoài, chủ yếu hai giống xoài keo và xoài Đài Loan, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 110ha. “Địa phương đang triển khai dự án thích ứng biến đổi khí hậu và kiểm soát lũ vùng thượng nguồn, trong đó khuyến khích nông dân chỉ sản xuất hai vụ lúa một vụ màu, hoặc một vụ lúa hai vụ màu” - ông Tâm cho biết.

“Cuộc chiến” giành nước sông Mekong

Tại hội thảo bàn giải pháp thích nghi với tình trạng lũ không về, lũ nhỏ cũng như tình trạng thiếu nước ngọt ở ĐBSCL diễn ra tại Đồng Tháp ngày 20-9, các chuyên gia cảnh báo thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu đang đe dọa sản xuất nông nghiệp cùng sinh kế của hàng chục triệu dân vùng ĐBSCL.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường ĐH Cần Thơ, đang có một “cuộc chiến” giành giật nước từ sông Mekong rất dữ dội.

Tại Thái Lan có đại dự án chuyển nước ở vùng đông bắc phục vụ nước tưới cho 900.000ha vào mùa khô với lưu lượng bơm lên tới 1.200 m3/giây, trong khi lưu lượng nước trên sông Mekong là hơn 2.500 m3/giây.

Dự án VAICO (Campuchia) cũng bơm nước với lưu lượng 500 m3/giây phục vụ diện tích 100.000ha. Do vậy nước về tới ĐBSCL không còn nhiều.

“ĐBSCL có 4 triệu ha đất, là vựa lúa của cả nước. Nếu không sớm có giải pháp tích nước sẽ rất nguy hiểm” - ông Tuấn lo ngại.

Tại ĐBSCL, việc tích nước cũng không dễ bởi vùng trữ lũ đang bị thu hẹp, do các tỉnh đắp đê bao sản xuất lúa 3 vụ/năm. Hiện đã có 630.000ha được bao đê. Vùng tứ giác Long Xuyên chỉ còn chứa được 4,5 tỉ m3 nước, trong khi năm 2000 chứa được tới 92 tỉ m3.

Theo TS Lê Phát Quới (Viện Tài nguyên và môi trường - ĐH Quốc gia TP.HCM), cần đánh giá lại hiện trạng, tính toán lại cơ cấu sản xuất cho từng vùng.

Ông Quới cho rằng số liệu về sản xuất nông nghiệp hiện nay không đáng tin cậy, bởi một số nơi báo cáo chỉ làm lúa 2 vụ/năm nhưng thực tế làm 3 vụ/năm. Do đó cần phải dùng công nghệ ảnh vệ tinh xác định chính xác hiện trạng sản xuất, nguồn nước... để xác định vùng nào trồng cây gì là phù hợp.

“Chẳng hạn vùng biên giới Long An - Campuchia có đất cao hơn những nơi khác, nếu trồng lúa sẽ không được, có thể chuyển sang trồng loại cỏ ít cần nước” - TS Quới gợi ý.

TS Nguyễn Thanh Mỹ - tổng giám đốc Công ty Rynan Agrifoods - cho rằng nên mở rộng mô hình tưới tiết kiệm. Một số nghiên cứu chứng minh tưới nhỏ giọt hoặc giảm lượng nước tưới 50-60% cho cây trồng vẫn cho kết quả tốt.

Nhiều chuyên gia cũng đề nghị dừng chạy đua sản xuất lúa 3 vụ/năm và hạn chế tối đa việc trồng lúa ở vùng ven biển, bởi để sản xuất 1kg lúa phải tốn 3.000 - 5.000 lít nước. Lúa là loại cây trồng tốn nhiều nước nhất nhưng hiệu quả... kém nhất. Nếu cứ sản xuất lúa ở các vùng ven biển sẽ khó tránh khỏi thiệt hại như hồi đầu năm.

VÂN TRƯỜNG

Theo Đ.Tuyên - C.Quốc - M. Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên