MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sóng cổ phiếu ngân hàng trên OTC có tiếp diễn sau khi lên sàn?

Tương tự PLX, VJC, SAB, BHN, cổ phiếu của VPBank và LienVietPostBank thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư khi ngày lên sàn cận kề.

Cổ phiếu tăng nóng trên OTC

Cuối tháng 7, lần lượt Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) chốt danh sách cổ đông để thực hiện lưu ký cổ phiếu. Cả hai ngân hàng này đều đặt mục tiêu lên sàn vào quý III. Trong đó LienVietPostBank đăng ký giao dịch trên UPCoM còn VPBank lên kế hoạch niêm yết trên HoSE.

Mới đây, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã chính thức cấp Giấy đăng ký chứng khoán cùng mã chứng khoán LPB cho LienVietPostBank vào ngày 27/7.

Về phía VPBank, hồ sơ niêm yết được gửi đến HoSE từ trung tuần tháng 7 và theo các nguồn tin thì dự kiến, cổ phiếu VPBank sẽ chào sàn trong tháng 8 này.

Sức hút cổ phiếu hai ngân hàng này “sốt nóng” trên OTC cho tới sát ngày lưu ký. Hồi cuối tháng 12, thông tin từ một nhà đầu tư kỳ cựu trên sàn OTC cho biết LienVietPost Bank được thu gom khá nhiều với mức giá 6.400 đồng/cp. Chưa đầy năm, mặt bằng giá cổ phiếu LienVietPostBank đã tăng lên mức 13.000-14.000 đồng/cp, hơn gấp đôi.

Xu hướng tăng giá cổ phiếu VPBank còn ấn tượng hơn. Từ mức 9.500 – 10.000 đồng/cp hồi cuối tháng 12/2016, giá cổ phiếu VPBank tăng lên khoảng 28.000 đồng/cp hồi trung tuần tháng 4 khi nhà băng này tổ chức ĐHĐCĐ. Sau khi c hia thưởng và trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 32,83% , giá giao dịch thời điểm trước ngày lưu ký phổ biến ở mức 36.000 đồng/cp, tương đương 47.000 đồng/cp trước khi chia cổ phiếu.

Các cổ đông nội bộ cũng thêm phần vào sự sôi động của cổ phiếu trước thềm chốt sổ lưu ký với hàng loạt thành viên Hội đồng Quản trị, Ban điều hành LienVietPostBank đăng ký mua vào sau khi CTCP Him Lam, cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank bán hết gần 97 triệu cổ phiếu. Tại VPBank, hàng loạt cổ đông nội bộ cũng đăng ký mua vào với khối lượng khủng.

Còn dư địa tăng?

Nhận định trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2017, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định “Nhóm cổ phiếu OTC lên niêm yết” cùng “Nhóm doanh nghiệp nhà nước Cổ phần hóa” sẽ tiếp tục là câu chuyện thu hút sự chú ý của thị trường, và trở nên mạnhmẽ hơn khi tiến độ cổ phần hóa và niêm yết tăng tốc trong nửa cuối 2017.

Thực tế, ngay trong nửa đầu năm, nhiều cổ phiếu OTC tăng “nóng” ngay trước khi lên sàn như SAB của Sabeco, BHN của Habeco, PLX của Petrolimex, VJC của Vietjet hay VIB của Ngân hàng Quốc tế…

Có nhiều lý do khiến các cổ phiếu này tăng giá trước giờ G.

Đầu tiên là khi niêm yết hoặc giao dịch trên UPCoM, được đảm bảo hơn là cơ hội để các cổ phiếu này được xác định đúng giá trị. Cùng với đó, lợi thế của các doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng lớn là cơ sở để các nhà đầu tư kỳ vọng vào sự tăng trưởng của các doanh nghiệp này trong tương lai.

Giá một số cổ phiếu OTC sau khi lên sàn
Giá một số cổ phiếu OTC sau khi lên sàn

SAB, BHN, PLX, VIB đều tăng mạnh so với mức giá chào sàn. Tương tự những trường hợp này, câu hỏi là cổ phiếu VPBank và LienVietPostBank sau khi tăng 370% (VPBank) và 118% (LienVietPostBank) trong 7 – 8 tháng qua trước kỳ vọng lên sàn, liệu có tiếp tục tăng trong thời gian tới?

Câu trả lời là hoàn toàn có khả năng. Nửa đầu năm 2017 là giai đoạn “thăng hoa” trở lại của ngành ngân hàng với hàng loạt nhà băng báo lợi nhuận tăng trưởng đột biến. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tốt hơn khiến tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, giúp thu nhập lãi thuần và lợi nhuận hoạt động kinh doanh các ngân hàng tăng.

Theo báo cáo của CTCK Bản Việt (VCSC), P/E bình quân của 6 ngân hàng lớn (ACB, BID, CTG, MBB, STB, VCB) tại thời điểm 27/7 là 14,1 lần. Với EPS năm 2016 của VPBank và LienVietPost lần lượt là 4.485 đồng/cp và 1.582 đồng/cp, P/E của VPBank xấp xỉ 10,48 lần (theo giá chưa chia thưởng cổ phiếu – 47.000 đồng/cp) còn LPB xấp xỉ 8,85 lần.


P/E của cổ phiếu VPBank tại mức giá 55.000 đồng/cp - Nguồn: VCSC

P/E của cổ phiếu VPBank tại mức giá 55.000 đồng/cp - Nguồn: VCSC

Hiện LienVietPostBank chưa công bố báo cáo tài chính quý II còn báo cáo của VPBank cho thấy kết quả kinh doanh tăng trưởng rõ rệt với lợi nhuận tăng 107% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo thống kê của CTCK MB, VPBank là ngân hàng đứng đầu về thu nhập lãi bình quân (tính dựa trên thu nhập lãi/ tổng tài sản có sinh lãi) trong năm 2016, vượt mặt cả ba ngân hàng quốc doanh lớn. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần hợp nhất VPBank tăng trưởng 36% so với cùng kỳ lên 4.752 tỷ đồng.

Phân khúc khách hàng chiến lược mà VPBank tập trung là khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng tiểu thương. Tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân đến cuối năm 2016 đạt 62%. Nửa đầu năm 2017, tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 15%, còn riêng cho vay tiểu thương tăng 31%.

Phát triển mảng bán lẻ không chỉ riêng VPBank mà là xu hướng khá rõ ràng của nhiều ngân hàng hiện nay. MBBank đã chính thức đưa Mcredit vào hoạt động. SHB cũng đang chuẩn bị vận hành công ty tài chính tiêu dùng từ quý III/2017. Nhiều tổ chức ngân hàng khác cả trong nước và quốc tế đều đang tìm cách phát triển mảng bán lẻ như ShinhanBank mua lại mảng bán lẻ của ANZ, VIB cũng dự định mua lại mảng bán lẻ và hiện đã hoàn tất mua chi nhánh NH nước ngoài của Commonwealth Bank. Kế hoạch M&A từng được Ngân hàng Phương Đông (OCB) hay ông lớn Vietcombank đề cập để phát triển cho vay tiêu dùng.

Dù có thêm khá nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, FE Credit vẫn đang dẫn dầu thị trường với thị phần 48,4%, bỏ khá xa các đối thủ khác như Home Credit (15,7%), HD Saison (12,2%),....

Hiện chưa có thông tin về giá chào sàn của VPBank và Lienvietpostbank. Với mức 36.000 đồng/cp trên OTC, vốn hóa thị trường của VPBank ước tính xấp xỉ 47.880 tỷ đồng, vượt qua MBBank trở thành ngân hàng 100% vốn tư nhân có vốn hóa thị trường cao nhất.

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

Trở lên trên