MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sóng FDI đến Việt Nam: “Họ quyết rất nhanh”

Sóng FDI đến Việt Nam: “Họ quyết rất nhanh”

Chỉ từ tháng 6 tới nay đã có hơn 1.000 nhà đầu tư đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội mở rộng thị phần, đầu tư nhà máy sản xuất. Thời gian này họ quyết rất nhanh…

Chỉ từ tháng 6 tới nay đã có hơn 1.000 nhà đầu tư đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội mở rộng thị phần, đầu tư nhà máy sản xuất. Thời gian này họ quyết rất nhanh…

Đại dịch COVID-19 kéo dài khiến khâu tìm hiểu, khảo sát trước đó bị gián đoán, là một nguyên nhân vốn đăng ký mới các dự án thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn.

Nhưng, việc nhiều nhà đầu tư FDI liên tục tăng vốn, các “ông lớn” lĩnh vực công nghệ và điện tử mong muốn mở rộng hoặc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam cho thấy bức tranh đang sáng lên và hứa hẹn.

Nhà đầu tư liên tục tăng vốn

Các chính sách kiểm soát COVID-19 trước đây đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới trong các tháng cuối năm 2021. Điều này đã ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong 8 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 6,35 tỷ USD, giảm 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, điểm tích cực là vốn FDI thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 8 tháng năm 2022 đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng thêm 0,3 điểm % so với thống kê của 7 tháng. Đáng chú ý là, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn trong 8 tháng đầu năm.

Chẳng hạn, dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD và 267 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; Dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn sau khi chậm lại trong 7 tháng cũng đã tăng trở lại, đạt mức xấp xỉ so với 6 tháng đầu năm. Quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tương đối cao so với cùng kỳ, đạt gần 11,1 triệu USD/lượt điều chỉnh, cao hơn nhiều so với con số này trong cùng kỳ năm 2021 là 7,8 triệu USD/lượt điều chỉnh.

“Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại trong trạng thái bình thường mới’, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh.

Sóng FDI đến Việt Nam: “Họ quyết rất nhanh” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/NoiPicture

Căn cứ địa có tầm quan trọng toàn cầu?

Không chỉ những nhà đầu tư quen thuộc tiếp tục rót thêm vốn mà các “ông lớn” lĩnh vực công nghệ, điện tử lớn toàn cầu khi dịch chuyển chuỗi cung ứng, đa dạng hóa dây chuyền sản xuất sang Việt Nam cũng thể hiện xu thế mở rộng này.

Cuối tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Foxconn - một doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản xuất, cung ứng của Apple - quyết định đầu tư 300 triệu USD xây thêm nhà máy mới tại tỉnh Bắc Giang.

Trước đó, sau phải mất khoảng một thập kỷ để “chốt” xong việc mở nhà máy tại Việt Nam, đầu năm 2022 - Tập đoàn Lego (Đan Mạch) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam, với quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD ở khu đất rộng 44ha, thuộc tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego và có phần đầu tư cho sản xuất năng lượng Mặt Trời, bảo đảm không bị ô nhiễm môi trường, khói bụi và chất thải.

Cùng với đó, hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Apple của Mỹ hay Samsung của Hàn Quốc đã có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt mới đây, truyền thông nước ngoài cũng đưa tin “Tập đoàn Boeing muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam”.

Nhận định về xu hướng này, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cho rằng, trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu hiện nay, việc Việt Nam giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế cũng như việc kiểm soát dịch bệnh tốt và linh hoạt sẽ tạo điều kiện và là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư FDI tiềm năng.

“Không chỉ là các “ông lớn” trong lĩnh vực điện tử mà nhiều tập đoàn lớn ở các lĩnh vực khác cũng đang tìm kiếm, có kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, quan tâm đầu tư vào các hạng mục công nghệ cao cấp hơn”, bà Hương dự báo.

Còn theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trong quá trình tái cơ cấu dòng đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đang và đã quan tâm đến VN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử, đặc biệt hệ sinh thái chip bán dẫn. Đây là một tin vui cho kinh tế nói chung và nền sản xuất của Việt Nam nói riêng. Bởi chip bán dẫn là phần lõi của các sản phẩm điện tử, có ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Nếu Việt Nam trở thành căn cứ địa sản xuất chip điện tử sẽ nâng cao được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài kỳ vọng.

Sóng FDI đến Việt Nam: “Họ quyết rất nhanh” - Ảnh 2.

Nhà máy của Foxconn tại khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang

Còn nhiều việc phải làm…

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, chỉ tính từ tháng 6 cho tới nay đã có hơn 1.000 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tìm kiếm cơ hội mở rộng thị phần, đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, các nhà đầu tư vào Việt Nam thời gian này quyết rất nhanh, thậm chí các doanh nghiệp FDI còn giục các cơ quan liên quan làm khẩn trương cơ sở hạ tầng, nguồn lao động, nguồn năng lượng và làm nhanh thủ tục. Khi mọi thứ sẵn sàng thì các doanh nghiệp tiến hành triển khai dự án ngay lập tức.

“Việc các nhà đầu tư vào quá nhiều cũng đặt ra áp lực, đòi hỏi các bộ ngành, địa phương cần phải có sự đồng bộ, phải chuyên nghiệp hơn, phải có sự chuẩn bị sẵn sàng bao gồm cả đất đai, nguồn nhân lực, hạ tầng… hay việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Còn rất nhiều việc phải làm để thực sự đón sóng FDI” ông Hoàng lưu ý.

Với những tín hiện tích cực, thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới được dự báo rất khả quan. Theo GS. TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), mục tiêu về số lượng đặt ra tại Nghị quyết 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) của Bộ Chính trị đề ra các mục tiêu thu hút FDI trong giai đoạn 2021-2025 với số vốn đăng ký 150-200 tỷ USD, vốn thực hiện 100-150 tỷ USD là hoàn toàn có thể thực hiện được.

“Trên cơ sở Việt Nam có thể chế chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định với thị trường gần 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện và hội nhập quốc tế sâu rộng. Hơn thế, Việt Nam đang có nhiều điều kiện để nhà đầu tư tiết giảm chi phí dịch chuyển và kết nối ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Mại lý giải cho dự báo của mình.

Tuy vậy, theo ông Mại, về mặt chất lượng của các dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài tính đến thời điểm này vẫn nhiều hạn chế như dự án công nghệ cao từ những nền kinh tế phát triển vào Việt Nam là khá ít, đồng thời số doanh nghiệp thành lập các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R& D) còn chưa đáng kể. “Hơn thế nữa, khu vực kinh tế FDI mặc dù là động lực quan trọng với tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn các khu vực kinh tế khác trong nền kinh tế, song nhiều doanh nghiệp FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng với quy mô dự án cũng như những ưu đãi được hưởng”, ông Mại quan ngại.

Trước những thách thức đặt ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng và hoàn thiện Đề án Đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài trong tình hình mới với 33 chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả đầu tư nước ngoài.

Ông Mại kỳ vọng, đây không chỉ cơ sở đánh giá nguồn vốn FDI đã thực hiện mà còn là cơ sở để các bộ ngành, các ban quản lý và các UBND, các Sở Kế hoạch và Đầu tư lưu ý khi lựa chọn các dự án đầu tư mới phải căn cứ vào tiêu chi đánh giá và hiệu quả đầu tư nước ngoài.

“Ít nhất, dự án được chọn phải đáp ứng được phần lớn về chỉ tiêu về môi trường, về ngân sách, về tăng trưởng, về nguồn nhân lực, về công nghệ, về khoa học công nghệ, về ý thức xã hội của doanh nghiệp... Nếu những chỉ tiêu này được thống nhất từ trung ương đến địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp Việt Nam thì chúng ta sẽ chọn lựa được những nhà đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn theo hướng bền vững để đáp ứng đòi hỏi của chúng ta biến là khát vọng thịnh vượng nhanh chóng trở thành hiện thực”, ông Mại nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Ngọc

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên