MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sóng lớn" tại một trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương: Lãi ròng sau kiểm toán tăng 74% và sự ra đi của Gelex

25-03-2021 - 11:31 AM | Doanh nghiệp

"Sóng lớn" tại một trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương: Lãi ròng sau kiểm toán tăng 74% và sự ra đi của Gelex

Kể từ đầu tháng 3/2021, cổ phiếu DDV bùng nổ thanh khoản, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên đạt gần 2,2 triệu đơn vị/phiên trong khi trước đây mỗi ngày DDV chỉ giao dịch 7.000 – 10.000 cổ phiếu. Giá cổ phiếu trong giai đoạn từ 26/2 đến 8/3 tăng gấp đôi trong vòng hơn 1 tuần, từ 9.000 đồng/cp chạm mức 18.000 đồng/cp, trung bình mỗi ngày DDV tăng 15% liên tiếp.

Trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương có 4 công ty phân đạm là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng (DAP Vinachem), nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc. 

Cuối năm 2020, theo báo cáo của Chính phủ, quá trình xử lý 12 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ đang ngày càng rơi vào tình trạng bế tắc khi tổng nợ phải trả của các dự án đã lên đến hơn 63.300 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu của các dự án đã bị âm tới 7.200 tỷ đồng.

Việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương chưa thật sự có lối thoát trong bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn. Chỉ có dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 Hải Phòng đủ điều kiện xem xét đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ.

Giá cổ phiếu và thanh khoản tăng bất thường

Cổ phiếu của Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 – Hải Phòng thuộc CTCP DAP – Vinachem (mã DDV) đang giao dịch trên sàn Upcom. Kể từ đầu tháng 3/2021, cổ phiếu DDV bùng nổ thanh khoản, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên đạt gần 2,2 triệu đơn vị/phiên trong khi trước đây mỗi ngày DDV chỉ giao dịch 7.000 – 10.000 cổ phiếu.

Sóng lớn tại một trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương: Lãi ròng sau kiểm toán tăng 74% và sự ra đi của Gelex - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu DDV tăng bất thường sau sự ra đi của Gelex

Không những vậy, giá cổ phiếu trong giai đoạn từ 26/2 đến 8/3 tăng gấp đôi trong vòng hơn 1 tuần, từ 9.000 đồng/cp chạm mức 18.000 đồng/cp, trung bình mỗi ngày DDV tăng 15% liên tiếp. Sau đó cổ phiếu này điều chỉnh mạnh, giảm 50% từ đỉnh xuống 12.000 đồng/cp và hiện đang giao dịch ở mức 14.000 đồng/cp.

Ở một diễn biến khác, CTCP Thiết bị điện Gelex (mã GEX), cổ đông lớn của DDV đã bán toàn bộ 18.092.200 cổ phiếu DDV (tỷ lệ 12,38%) vào ngày 2/3/2021, thời điểm cổ phiếu DDV bắt đầu nổ thanh khoản. Không rõ phía bên mua là ai. Gelex mới trở thành cổ đông lớn của DDV từ tháng 3/2020 và thoái vốn sau 1 năm nắm giữ.

Lãi 28,4 tỷ đồng năm 2020, vẫn còn lỗ luỹ kế 

Sóng lớn tại một trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương: Lãi ròng sau kiểm toán tăng 74% và sự ra đi của Gelex - Ảnh 2.

Báo cáo kiểm toán năm 2020 của DDV cho thấy lợi nhuận sau thuế của DDV năm 2020 đạt 28,44 tỷ đồng, con số này tăng gần 75% so với trước kiểm toán (báo cáo lãi 16,25 tỷ đồng) do điều chỉnh lại một số khoản chi phí.

Năm 2020 doanh thu bán hàng của DDV đạt 1.947,46 tỷ đồng, tăng 14,74% so với năm trước do sản lượng tiêu thụ tăng 52.664 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Sóng lớn tại một trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương: Lãi ròng sau kiểm toán tăng 74% và sự ra đi của Gelex - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh sau kiểm toán của DAP Vinachem

Báo cáo kiểm toán cũng điều chỉnh hồi tố kết quả kinh doanh của năm 2018 và năm 2019. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2018 điều chỉnh giảm hơn 9 tỷ đồng, từ 227,49 tỷ (đã báo cáo) xuống còn 218,45 tỷ đồng (số sau điều chỉnh), lợi nhuận sau thuế năm 2019 điều chỉnh giảm từ mức lãi 5,65 tỷ đồng (số đã báo cáo) thành lỗ 3,18 tỷ đồng (số sau điều chỉnh). Số thuế phải nộp và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cũng điều chỉnh lại. Nguyên nhân là do tăng chi phí tiền thuê đất phải nộp năm 2017, 2018 và 2019 giữa Chi cục thuế khu vực Ngô Quyền – Hải An với CTCP DAP – Vinachem.

Số liệu kiểm toán cuối năm 2020 cho thấy, tổng tài sản của DDV đạt 1.524 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ so với đầu năm, chủ yếu là giảm nợ. Nợ ngắn hạn giảm từ 436 tỷ đầu năm xuống 49 tỷ cuối năm, nợ dài hạn hơn 2 tỷ đồng. Tiền mặt của công ty chỉ vỏn vẹn 18 tỷ, hàng tồn kho giảm đáng kể từ 342 tỷ còn 218 tỷ. Vốn góp chủ sở hữu 1.461 tỷ, vẫn còn lỗ luỹ kế 204,6 tỷ đồng.

Sóng lớn tại một trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương: Lãi ròng sau kiểm toán tăng 74% và sự ra đi của Gelex - Ảnh 4.

Nỗ lực thoát khỏi "danh sách đen"

Nhà máy sản xuất phân bón Diamoni Photphat (DAP) của Công ty CP DAP Vinachem Hải Phòng có tổng mức đầu tư là 172,38 triệu USD. 

Dự án bao gồm: Nhà máy sản xuất phân bón phức hợp Diamon Phốt phát (DAP): Công suất: 330.000 tấn/năm, mua bản quyền công nghệ của hãng INCRO - Tây Ban Nha; Nhà máy sản xuất Axit Sulfuric (H2SO4): Công suất: 414.000 tấn/năm, mua bản quyền công nghệ của hãng MONSATO - Hoa Kỳ; Nhà máy sản xuất Axit Phốtphoríc (H3PO4): Công suất: 161.700 tấn/năm (P2O5 100%), mua bản quyền công nghệ của hãng PRAYON - Vương quốc Bỉ. Nhà máy Nhiệt điện công suất thiết kế 12,0 MW.

Nhà máy khởi công vào tháng 3/2007, đến tháng 4/2009 sản xuất thành công ra mẻ sản phẩm phân bón DAP đầu tiên, đánh dấu thời kỳ Việt Nam tự sản xuất phân bóng DAP, chấm dứt thời kỳ lệ thuộc hoàn toàn vào phân bón DAP nhập khẩu từ nước ngoài.

Công ty đi vào sản xuất thương mại từ năm 2010. Năm 2016, công ty phát sinh lỗ 470 tỷ đồng và được xếp vào danh sách đen trong số 12 doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém của ngành công thương.

Giai đoạn 2016, ngành sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn trước sự cạnh tranh ồ ạt của phân bón nhập khẩu nước ngoài. Giá DAP trên thị trường giảm từ mức 455 - 480 USD/tấn đầu năm 2015, xuống còn 278 - 290 USD/tấn vào cuối năm 2016, mức giảm tới 44%. Các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng do nằm trong "danh sách đen".

Năm 2017, công ty bắt đầu các chính sách cắt giảm mạnh chi phí và bắt đầu có lãi trở lại.

Năm 2021, giá phân bón, đạm tăng ầm ầm, mang lại luồng gió mới cho các công ty sản xuất phân đạm.

Theo báo cáo của ông Vũ Văn Bằng, Tổng giám đốc DAP Vinachem trong một cuộc họp với Hiệp hội phân bón và Cục bảo vệ Thực vật vào đầu tháng 3/2021, năm 2020, DAP Đình Vũ sản xuất được trên 207.000 tấn DAP/tổng công suất thiết kế của nhà máy là 330.000 tấn. Nhưng riêng quý 1/2021, DAP Đình Vũ đã đạt sản lượng sản xuất bằng 150% cùng kỳ 2020, khi bình quân mỗi tháng cung ứng ra thị trường 25.000 tấn DAP các loại. Quý 2/2021, DAP Đình Vũ tiếp tục đặt mục tiêu duy trì sản lượng xung quanh 70.000 tấn.

Về giá bán, ông Vũ Văn Bằng cho biết, tháng 1/2021 giá DAP Đình Vũ tại nhà máy trên 8,2 triệu đồng/tấn, tháng 2 là trên 8,6 triệu đồng/tấn và dự kiến giá trung bình tháng 3 là 9,3 triệu đồng/tấn.

Nếu cộng thêm cước vận chuyển, bố xếp giá DAP Đình Vũ đến TP. HCM khoảng hơn 10 triệu đồng/tấn và đến tay bà con nông dân xuang quanh 11 triệu đồng/tấn. Việc giá DAP Đình Vũ tăng theo ông Vũ Văn Bằng là do khách quan bởi giá lưu huỳnh và ammoniac từ đầu năm 2021 đến nay tăng đột biến. Chỉ từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2021, giá lưu huỳnh về đến các nhà máy sản xuất DAP đã tăng gấp hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn lên 208 USD/tấn, tương đương với mức tăng 113 USD/tấn. Giá amoniac tăng 31,4%, tương đương với mức tăng 102 USD/tấn.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên