MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sống nay stress mai" - Hội trẻ Việt "du làm" tiết lộ lý do kiếm gần 100 triệu tháng vẫn không cười nổi

18-09-2024 - 07:35 AM | Sống

Không phủ nhận sức hút của những công việc tại nước ngoài với nhân lực trẻ Việt. Để thực sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi dấn thân, nên "thấm" được những cái khó từ những người từng trải.

Có du học, thì cũng có "du làm". Khi biên giới công việc lu mờ dần, có những nhóm hội Facebook chuyên đăng tải việc làm tại nước ngoài, lập từ cuối năm 2023, nhưng nay đã có hơn 25k thành viên, mỗi tuần đều có cả trăm người mới gia nhập, đa phần độ tuổi dưới 25.

Các công việc được đăng tải trong hội nhóm phản ánh đúng xu hướng "di cư" công việc. Một số vị trí ứng tuyển đòi hỏi chuyên môn cao, dành cho những người trẻ thấy mình "over hợp" với thử thách và văn hoá nước ngoài nên chuyển địa điểm để làm mới mình.

Nhưng chiếm ưu thế vẫn là các công việc không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm hay chuyên môn, không khó để bắt đầu từ con số 0 năm kinh nghiệm, nhưng vẫn có mức lương từ 15-20 triệu/tháng. Chuyện có phần khó tin trong nước, nhưng đó là các công việc như kiểm duyệt nội dung, chăm sóc khách hàng "người thật việc thật" tại các nước lân cận như Singapore, Malaysia hay Thái Lan.

Rủi ro có không? Khẳng định là có. Không ít người tham gia vào xu hướng này xem như mình đang làm "công nhân click chuột". Chấp nhận làm một công việc nhàm chán, khó phát triển để đổi về thu nhập rất khá, sau một thời gian tích góp rồi quay trở về nước, là cách mà nhiều người chọn để đối phó.

Thực hư trải nghiệm từ những "tấm chiếu cũ" đang kể một câu chuyện với nhiều khía cạnh rất khác, và hoàn toàn không lý tưởng như kế hoạch vạch sẵn của nhiều người.

"Mảng xám" khắc nghiệt

Miếng bánh làm việc tại nước ngoài quá "ngọt ngào" vì thu nhập, và mức độ chuyên môn thì có đầy lựa chọn từ thấp đến cao. Nhiều người chấp nhận rủi ro không không cạnh tranh về mặt kỹ năng - chuyên môn khi trở về Việt Nam, nhưng cũng hài lòng vì đã tích góp đủ vốn.

Nhưng đấy là trong trường hợp xin việc dễ, và gắn bó ít nhất là vài năm. Thực tế xét về mức độ ổn định của những công việc này… có khi còn không "trụ" nổi quá 12 tháng.

Trước khi "du làm" thực sự phổ biến như hiện tại, bạn nữ A. (SN 1993, nhân viên kiểm duyệt nội dung, sinh sống tại Kuala Lumpur, Malaysia), đã đến Malaysia làm việc từ năm 2017.

Thu nhập cải thiện là thấy rõ, từ công việc nhân viên văn phòng với mức lương chỉ 6 triệu đến vị trí kiểm duyệt nội dung thu về 20 triệu/tháng. Nhưng sau hơn 7 năm làm việc tại đây, bạn đã đủ hiểu thị trường tại Malaysia "hồng" thì có hồng, nhưng cũng có những mảng "xám" cực kỳ khắc nghiệt và không phải ai cũng có thể trụ được lâu như bản thân mình.

"Sống nay stress mai" - Hội trẻ Việt "du làm" tiết lộ lý do kiếm gần 100 triệu tháng vẫn không cười nổi- Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

"Các công việc phổ biến dành cho người Việt Nam ở Malaysia là kiểm duyệt nội dung cho các công ty công nghệ, chăm sóc khách hàng, sale, không cần kinh nghiệm, chỉ cần có bằng đại học và đậu phỏng vấn thì làm với mức lương gần 20 triệu.

Đúng là không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm từ trước vì công ty sẽ đào tạo lại toàn bộ theo chính sách riêng, nhưng đặc thù làm theo dự án và làm trong các công ty công nghệ chính là thứ đem lại rất nhiều rủi ro hơn với phần lớn người lao động Việt tại đây. Dự án công nghệ thì luôn thay đổi rất nhanh, có thể bị cho dừng bất cứ lúc nào do kết thúc, dự án bị bỏ, công ty quá lớn cần tinh gọn bộ máy để làm việc hiệu quả hơn…thì nhân viên rất dễ mất việc."

Dễ thấy chủ yếu các công việc được quảng cáo đến nhân sự Việt thuộc dạng outsource (thuê ngoài) theo dự án, không có chế độ đãi ngộ hay cam kết ổn định khi đặt lên bàn cân so sánh cùng các công việc cố định khác tại Việt Nam. A. cho biết các công ty công nghệ ở Malaysia cũng đang có làn sóng sa thải nhân viên vì thị trường dần hẹp và lượng dự án không còn đổ về nhiều. Ai là đối tượng thuộc diện sa thải đầu tiên? Người nước ngoài.

Không chỉ một chín một mười về tình trạng sa thải, chia sẻ tiếp của A. lại nêu lên một khía cạnh khiến nhiều người "khó nuốt". Cụ thể, bạn chỉ ra rằng so với làm việc trong nước, thì tại Malaysia, tồn tại gánh nặng tài chính đặc biệt khó với những người có xu hướng nhảy việc thường xuyên lúc mới sang làm như bị đánh thuế thu nhập cá nhân cao (và không hoàn lại) khi chưa làm đủ 182 ngày/năm và nhiều chi phí khác...

Thực tế người trẻ đang quan tâm đến các công việc về bản chất không đòi hỏi nhiều, lại còn được đào tạo, có chế độ đãi ngộ tốt. Hệ quả là tình trạng cạnh tranh gay gắt cũng không kém gì những công việc Marketing, IT… tỉ lệ 1 chọi 100 tại Việt Nam hiện tại.

"Sống nay stress mai" - Hội trẻ Việt "du làm" tiết lộ lý do kiếm gần 100 triệu tháng vẫn không cười nổi- Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Thu Quyên (SN 2000, TP.HCM) đã nhắm sẽ đi làm tại nước ngoài ngay khi bạn mới tốt nghiệp đại học vào năm 2022, nhưng đến nay, mục tiêu vẫn chưa thành thực: "Mình ứng tuyển vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng, mình phải qua 5 vòng. Đến vòng thứ 5, mình rớt, dù về căn bản thì vị trí này cần bằng đại học là được.

Ở đây cũng đầy những câu chuyện đã nhận được offer letter rồi, xong HR "ghost" ứng viên luôn. Chuyện mới qua đây có người trượt công việc 2-3 lần liền mình cũng đã đọc được rất nhiều, vì người nước ngoài đổ xô về đây làm việc và đặc biệt có rất nhiều công ty đa quốc gia. Công việc dễ làm thì nhiều người muốn làm thôi. Lại càng thêm áp lực vì ngoài đậu - rớt ra, bạn còn phải tính toán nơi ở, chi tiêu nữa."

Và thực chất, khi đã qua ải xin việc, thì những công việc không đòi hỏi kinh nghiệm, không có nghĩa là "dễ dãi" trong kỹ năng.

Miêu (SN 1993, nhân viên văn phòng, sinh sống và làm việc tại Kuala Lumpur, Malaysia) quyết định bắt đầu như mới tại Malaysia năm bạn 29 tuổi, cũng "giải oan" cho nghề chăm sóc khách hàng mà ai cũng nghĩ chỉ cần "tiếp chuyện" người khác là được: "Không phải ai cũng đủ khả năng làm nhân viên chăm sóc khách hàng vì công việc này đòi hỏi nhiều kỹ năng mềm hơn tưởng tượng của những ai chưa làm. Bạn phải biết điều chỉnh cảm xúc cá nhân vì áp lực tâm lý lớn."

"Sống nay stress mai" - Hội trẻ Việt "du làm" tiết lộ lý do kiếm gần 100 triệu tháng vẫn không cười nổi- Ảnh 3.

Miêu.

Huyền Trang (SN 1992, 3 năm kinh nghiệm làm nhân viên chăm sóc khách hàng tại Concentrix, Malaysia) cũng đồng tình khi đã biết nghề được một thời gian, và nhận ra đây chẳng có gì là "việc nhẹ, lương cao", cũng gắt gao tranh đấu ngay từ vòng ứng tuyển:

"Để có thể trau dồi được những kỹ năng chăm sóc khách hàng không dễ, cần một khoảng thời gian dài và phải thật kiên trì.

Thêm đó là câu chuyện cạnh tranh. Malaysia thu hút được các dự án lớn, cơ hội việc làm khá rộng mở và cũng không nhiều giới hạn độ tuổi, lại còn được chi trả tất cả các chi phí (vé máy bay, làm visa, tùy dự án sẽ có hỗ trợ tiền ở khách sạn khi các bạn chưa kiếm được căn hộ…). Đổi lại thì quy trình gắt gao, ràng buộc. Không có gì đẹp và đơn giản như những mẩu tin tuyển dụng mà các bạn thấy đâu.

Có đôi khi những công việc mình làm đi làm lại hàng ngày cũng dẫn đến buồn chán và giảm sự hài lòng trong công việc, nhưng môi trường làm việc có khối lượng công việc lớn, áp lực làm việc cao. Mình phải chấp nhận sự thay đổi thường xuyên về thông tin, về tính chất công việc như KPI hoặc việc đột ngột cắt giảm nhân sự. Việc thay đổi thường xuyên như vậy những khi mình nghỉ phép hoặc có kỳ nghỉ dài thì mình buộc phải cập nhật nhiều thông tin trong 1 khoảng thời gian ngắn trước khi bắt đầu làm việc. Ở đây cũng không được ngủ trưa tại bàn vì không đúng quy định. Mình cũng không được sử dụng điện thoại khi làm việc."

Mức lương gần 100 triệu/tháng vẫn không vui

Đến đất nước lạ, những chuyện nhỏ cũng hoá thành to vì khác biệt văn hoá.

Ban đầu, Khoa Cao cũng có "giai đoạn trăng mật" với mức lương lên đến gần 100 triệu/tháng, đến một chân trời mới, nhưng bạn dần nhận ra Singapore không dành cho mình:

"Thu nhập mình cao hơn nhưng chất lượng sống thì không bằng Việt Nam do chi phí ở đây quá đắt đỏ. Đánh đổi lớn nhất là phong cách sống khá buồn tẻ. Đa phần đồng nghiệp mình quen biết chú trọng nhiều vào tài chính cá nhân nên lúc nào họ cũng cố gắng làm tốt nhất công việc của mình để có cơ hội thăng tiến và gia tăng thu nhập. Gần như trong tuần họ dành hết thời gian và tâm trí cho công việc, trung bình 7h tối họ mới rời văn phòng."

Trong 1 năm đến làm việc và sinh sống tại Singapore, Khoa Cao dần cảm thấy mình "lây" mối lo cơm áo gạo tiền từ những người đồng nghiệp, bởi những buổi trò chuyện chỉ xoay quanh vấn đề tiền bạc. Nỗi lo về mức sống của người Sing không chỉ ảnh hưởng đến công việc của họ, mà thấm tận vào văn hoá hẹn hò:

"Mình dùng tận 4 app hẹn hò. Nhưng "match" được với người nào thì họ đều hỏi về vấn đề tài chính, nhà cửa... Thế là hơn một năm ở Sing không đi dating bao nhiêu cả", Khoa Cao nói.

"Sống nay stress mai" - Hội trẻ Việt "du làm" tiết lộ lý do kiếm gần 100 triệu tháng vẫn không cười nổi- Ảnh 4.

Khoa Cao.

"Ngộp" và "áp lực" là cách mà Khoa Cao miêu tả về cuộc sống của mình tại Sing: "Sau một thời gian ngẫm đi ngẫm lại thì cảm thấy không vui và nếu chỉ xoay quanh kiếm tiền rồi tiết kiệm thì mình cảm thấy cuộc đời vô vị quá. Chỉ ở một năm thôi nhưng có giai đoạn mình thấy rất buồn do môi trường và lối sống không phù hợp. Sức khỏe tinh thần cũng hơi giảm sút tí, bị stress nhiều hơn. Về Việt Nam, cảm giác lúc nào cũng gần gũi và dễ chịu vì đây vẫn là vùng an toàn của mình." Bạn chính thức tạm biệt mức lương ngàn đô, quay trở về Việt Nam vào năm 2023.

Làm việc tại các nước lân cận, việc di chuyển qua lại không khó, nhưng luôn tồn tại một rào cản khiến sợi dây kết nối với người thân mong manh hơn.

Huyền Trang kể rằng: "Lúc mình qua được khoảng 3 tháng thì ông ngoại của mình mất. Trước khi đi, mình cũng có hứa sẽ về thăm ông sớm nhưng không nghĩ là mình không còn được gặp ông lần cuối. Bởi vì dù công ty có hỗ trợ mình nghỉ làm để bay về, nhưng lo sợ dịch bệnh cũng như ảnh hưởng tới công việc nên mình lại thôi. Điều này khiến mỗi lần nhắc đến, mình đều buồn và khóc."

Những ngày lễ lạt không về nhà được kỷ niệm qua chiếc màn hình điện thoại.

"Tết 2023 mình không về nhà. Dù đã biết trước là sẽ buồn nhưng mà vào đúng ngày Tết thì buồn hơn mình nghĩ. Thường mình xem MXH coi bạn bè chơi lễ như thế nào và video call về cho gia đình cho có phần nào không khí lễ Tết. Nhìn cảnh gia đình mình quây quần ở Việt Nam mà mình ở có một mình thì không khỏi chạnh lòng." - Khoa Cao nói.

"Sống nay stress mai" - Hội trẻ Việt "du làm" tiết lộ lý do kiếm gần 100 triệu tháng vẫn không cười nổi- Ảnh 5.

Huyền Trang.

Dù có ít nhiều chạnh lòng khi sống xa nhà, những người trẻ trong xu hướng "du làm" vẫn luôn cố gắng để kết nối với gia đình, văn hóa ở quê nhà. Huyền Trang kể:

"Ở bên đây nhưng mình vẫn theo dõi tin tức từ Việt Nam đều đều, biết hết tất cả những trend hay ho. Ngoài ra, tại nơi mình ở, các ngày lễ cũng có nhiều sự kiện kỷ niệm do cộng đồng người Việt liên kết với các cơ quan tổ chức nè! Mình thường theo dõi và tham gia khi có thời gian.

Mình sống xa quê thật, nhưng hiện đang tham gia vào một dự án từ thiện hỗ trợ trẻ em cơ nhỡ trong nước, và cũng thường xuyên cập nhật các dự án thiện nguyện để có dịp sẽ tham gia. Phần nào, mình xem đó là cơ hội để luôn giữ tinh thần "Việt" trong mình."

Theo Hải Yến - TK Hoàng Sơn

Phụ nữ số

Trở lên trên