MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sóng ngầm tranh giành tài xế trong cuộc chiến gọi xe khốc liệt tại Việt Nam: Grab "giết nhầm hơn bỏ sót", Go-Viet hững hờ, Now mắt nhắm mắt mở

17-09-2018 - 11:26 AM | Doanh nghiệp

Khi Grab và Go-Viet đại chiến giữa mặt trận gọi xe hay ship hàng, các hãng thường chỉ tập trung vào việc truyền thông tung khuyến mại như thế nào, thu hút khách hàng ra sao, trong khi dư luận ít khi biết đến một điều quan trọng không kém trong cuộc đua này: Sự dịch chuyển của những cơn sóng ngầm dưới chiếc áo xanh – đỏ.

Chính sách thà "giết" nhầm còn hơn bỏ sót của Grab

"Anh không biết đâu, hãng chỉ cần biết tài xế chạy cuốc ngoài app hay đang chạy app khác là tài khoản bị khoá ngay. Tốn mấy trăm nghìn đóng phạt và học lại [chính sách] mới được chạy lại đấy", Tiến Anh, một tài xế khoe đã có gần 3 năm kinh nghiệm chạy GrabBike cho hay.

Cách để Grab biết các tài xế đang "chơi trò điệp viên 2 mang" cũng khá đơn giản. Hoặc dựa vào việc app Grab Driver phát hiện trong máy tài xế có app của các công ty đối thủ (Go-Viet, Mai Linh Bike, hay trước kia là Uber) là tài xế bị khoá. Hoặc dựa trên mạng lưới "quan sát viên" được Grab cài cắm ở các bến xe, bến tàu hay các điểm đón đông đúc khác. Các quan sát viên sẽ chụp ảnh các tài xế đang chở khách, sau đó gửi về tổng đài để phân tích xem tài xế Grab có đang chạy 1 chuyến nào đó trên ứng dụng, hay là đang chạy ngoài; nếu là chạy ngoài, các tài xế sẽ nhận cuộc gọi của tổng đài báo đã bị khoá tài khoản, cần lên công ty đóng tiền và học lại để mở.

Lực lượng quan sát viên đông đảo này còn có nhiệm vụ chụp ảnh lại các tài xế Grab để phạt các lỗi vi phạm khác như không đội mũ bảo hiểm Grab, không mặc áo Grab, hoặc chở khách bằng ứng dụng khác,… Cánh tài xế Grab cũng có nhiều "chiêu" để chống lại đội ngũ quan sát viên này, từ hăm doạ, xô xát những người bị nghi là quan sát viên, cho tới lấy khẩu trang che biển số.

Sóng ngầm tranh giành tài xế trong cuộc chiến gọi xe khốc liệt tại Việt Nam: Grab giết nhầm hơn bỏ sót, Go-Viet hững hờ, Now mắt nhắm mắt mở - Ảnh 1.

"Đối phó" với chính sách gắt gao, nhiều tài xế GrabBike che biển số

"Em nghĩ là Grab giờ quá đông rồi, nên hãng họ cũng chỉ muốn giữ những người chạy chuyên cho Grab như bọn em thôi. Còn tay nào mà cứ léng phéng là "bay" ngay đấy anh ạ", Tiến Anh cho hay. Ngoài ra, một số tài xế khác cho biết họ cũng lách luật được để chạy cho hãng đối thủ, bằng cách mua 1 chiếc điện thoại khác. Với một smartphone Android tầm 2 – 3 triệu đồng, các tài xế thoải mái chạy cho một ứng dụng khác. Dĩ nhiên, điều này cũng không thể tránh rủi ro là bị các "quan sát viên" phát giác.

Go-Viet hững hờ, Now mắt nhắm mắt mở

Những ngày này ở TPHCM hay đặc biệt là Hà Nội, nếu gọi 1 cuốc Go-Viet, khách hàng sẽ gặp đủ các sắc áo, từ xanh dương Uber, tới đỏ Now hay xanh lá Grab. Hiếm thấy tài xế nào đủ bộ đồng phục, mà đa phần là chỉ có chiếc mũ bảo hiểm đỏ chót của Go-Viet đi cùng một màu áo hãng khác hoặc áo thường.

Các tài xế Go-Viet chia sẻ phần vì hãng vẫn chưa phát đủ đồng phục, phần vì họ vẫn đang chạy cả các ứng dụng khác nữa nên có thể "quên" đồng phục Go-Viet mà không bị phạt. Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát nhỏ của chúng tôi, trái với đa số tài xế Grab đều có thái độ từ trung tính tới khó chịu với Grab, các tài xế Go-Viet đa phần đều cho hay muốn có đồng phục để mặc "khoe màu áo đỏ", phần vì muốn cạnh tranh với Grab, phần vì muốn khách dễ nhận ra mình khi tới điểm đón.

Ra mắt vào tháng 8, với chính sách thưởng và phí hấp dẫn với các tài xế, phần nào Go-Viet đang được nhiều tài xế đón nhận và giới thiệu bạn bè. Cũng chính vì lẽ đó mà đồng phục của Go-Viet thường không đủ để cấp cho tài xế. Một vài tài xế Hà Nội cho biết, họ đã lên đăng ký từ 1 tới 2 tuần mà chưa nhận được đồng phục.

Sóng ngầm tranh giành tài xế trong cuộc chiến gọi xe khốc liệt tại Việt Nam: Grab giết nhầm hơn bỏ sót, Go-Viet hững hờ, Now mắt nhắm mắt mở - Ảnh 2.

"Đồng phục" thường thấy của tài xế Go-Viet

Tuy nhiên, cũng chính vì quá đông, nên việc "tràn" tài xế bắt đầu xảy tới với Go-Viet. Sau khi hãng cắt chính sách cuốc xe 9.000đ vào các giờ cao điểm ở TPHCM, thì lượng tài xế lớn trở thành dư thừa và khó lòng kiếm sống tốt như trước, trong khi Grab vẫn duy trì nhiều khuyến mại 5.000đ hay 2.000đ cũng hút mất một lượng khách của Go-Viet. Vì thế, trong dòng chảy ngược lại, hình ảnh nhũng chiếc áo đỏ Go-Viet lại bắt đầu xuất hiện ở một số phòng đào tạo của các hãng xe công nghệ khác.

Một ứng dụng cũng có nhiều tài xế xe máy là Now gần đây cũng cho thấy sự nới lỏng hơn cho các tài xế chạy bán thời gian, tuy vẫn khá gắt gao về năng suất hay kỷ luật với các tài xế chính thức. Sắp tới, Now cũng sẽ nhảy vào mảng xe ôm công nghệ để chiến cùng Grab và Go-Viet.

"Chỉ cần trong giờ cao điểm em chạy Now, hoặc em chạy đủ số chuyến giao đồ ăn hàng ngày là em chạy gì cũng được anh ạ. Thế nên em mới chạy thử Go-Viet xem sao", Huân, một sinh viên còn mặc nguyên đồng phục Now và balo giao đồ ăn của hãng này chia sẻ. Chưa rõ sau khi mở rộng mảng xe ôm công nghệ, Now có gắt gao với các "điệp viên hai mang" hay không. Nhưng hiện tại, sau khi đào tạo được một lượng lớn tài xế, Now cũng đang trở thành một nguồn cung tài xế cho không ít thương hiệu khác.

Những cơn sóng tầng đáy AhaMove, Lalamove

Không ồn ào xanh đỏ như Grab hay Go-Viet, nhưng những app ship hàng như AhaMove, Lalamove, Supership, Snailship,… cũng có một lượng tài xế nhất định. Tuy nhiên, lượng tài xế này thường "ẩn mình" giữa các màu áo đồng phục khác. Một phần vì công ty chưa quy định mặc đồng phục (AhaMove) hay quy định lỏng lẻo (Lalamove), vì thế các tài xế có thể dễ dàng cài thêm app Aha, Lala và vẫn chạy Grab như thường.

Phần khác là bởi, dù vẫn có dịch vụ giao hàng, nhưng Grab hầu như chỉ khoá app tài xế của mình nếu phát hiện họ chạy app xe ôm công nghệ. Còn các app giao hàng công nghệ dường như đang nằm ngoài vùng quy định này.

Sóng ngầm tranh giành tài xế trong cuộc chiến gọi xe khốc liệt tại Việt Nam: Grab giết nhầm hơn bỏ sót, Go-Viet hững hờ, Now mắt nhắm mắt mở - Ảnh 3.

Hiếm hoi mới thấy tài xế mặc đồng phục AhaMove như thế này

Việc sở hữu một lực lượng "điệp viên ẩn mình" của các app trên vừa có lợi cho họ ở chỗ có thể phát triển một lượng lớn tài xế để đáp ứng nhu cầu vận chuyển tăng cao trên nền tài xế của app khác. Nhưng thiệt ở chỗ "màu cờ sắc áo" nhợt nhạt, khiến cho việc phủ thương hiệu trong mắt người dùng trở nên kém đi.

Vì sao cơn sóng tài xế lại trôi nổi nhiều bến?

Câu trả lời đầu tiên là: Tiền.

Không phải app nào cũng tràn đầy các cuốc xe cho các tài xế nhận, đa phần chỉ ở giờ cao điểm tài xế mới có nhiều cuốc xe. Và có một điểm đáng chú ý, giờ cao điểm của các app khá là khác nhau. Vì vậy một tài xế đá 2 sân Grab và Now, có thể đón được những cuốc xe ôm vào khung giờ đi làm, nghỉ trưa và tan tầm (6h tới 9h sáng, 12h – 14h trưa, 17h tới 19h tối), và những chuyến giao đồ ăn vào các giờ cao điểm (11h – 13h ăn trưa, 14h tới 16h chiều trà sữa).

Mặt khác, các app hầu như đều có thưởng cho các tài xế năng suất cao. Nếu "cày" chăm chỉ, các tài xế có thể ẵm phần thưởng từ 2 app.

Ví dụ GrabBike Hà Nội có chính sách ngày chạy 16 cuốc sẽ được thưởng 200.000đ. Còn AhaMove thì có chính sách chạy 160 cuốc/tuần thưởng 650.000đ. Như vậy nếu chịu khó, cánh tài xế có thể nhận gần 300.000đ tiền thưởng mỗi ngày. Đó là chưa kể một vài tài xế còn "lách luật" bằng cách chia ca ra chạy với bạn bè, để đạt được phần thưởng của các app.

Sóng ngầm tranh giành tài xế trong cuộc chiến gọi xe khốc liệt tại Việt Nam: Grab giết nhầm hơn bỏ sót, Go-Viet hững hờ, Now mắt nhắm mắt mở - Ảnh 4.

Sẽ nhiều người giật mình khi biết thu nhập của các tài xế công nghệ chạy toàn thời gian có thể lên tới từ 10 - 15 triệu đồng. Và khi mà chiến trường gọi xe hay ship hàng công nghệ giờ đây như một đại dương đầy cá mập tỷ đô (Grab định giá 10 tỷ USD, Go-Jek hơn 6 tỷ USD,…) thì lực lượng lao động chính là cánh tài xế trở thành đối tượng săn đón ở bất kỳ công ty nào. Bởi, dù có nhiều tài xế như Grab, hay chân ướt chân ráo vào thị trường như Go-Viet, nếu không có đủ tài xế thì sẽ chẳng tạo thành được cuốc xe nào cả, dẫu có khuyến mại sốc cho khách với cước "như cho" 1.000đ hay 2.000đ.

Sóng ngầm tranh giành tài xế trong cuộc chiến gọi xe khốc liệt tại Việt Nam: Grab giết nhầm hơn bỏ sót, Go-Viet hững hờ, Now mắt nhắm mắt mở - Ảnh 5.

Với cách ứng xử kiểu "mỗi tay một app" của cánh tài xế, nếu nhìn hướng tích cực cho thấy sự lanh lẹ trong cung cầu và tạo sức ép khiến các app phải đối xử tốt nhất với tài xế nếu không muốn bị tẩy chay. Nhưng ở góc khác, đó có thể là sự khôn lỏi "ăn cây táo rào cây sung", điều đó khiến các nhà điều hành app phải xây dựng được tinh thần gắn bó và các hoạt động gìn giữ lớp tài xế của mình, tránh bị app khác "nẫng tay trên".

Theo TL Andy

Trí thức trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên